1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Luật sư: "Ban tổ chức giải chạy cần quy định chặt chẽ về sức khỏe của VĐV"

Trọng Vũ

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Đức Chánh (đoàn luật sư TPHCM) nhận định Ban tổ chức (BTC) các giải chạy bộ cần có những quy định chặt chẽ hơn để tránh những rủi ro cho các vận động viên (VĐV) tham gia.

Đặt trường hợp VĐV đã ký vào đơn tự chịu trách nhiệm, nếu xảy ra sự cố đột quỵ ở các giải chạy bộ, BTC có phải chịu trách nhiệm gì trong các vụ đột quỵ này không, thưa ông?

- Đầu tiên, chúng ta phải hiểu những trường hợp đột quỵ, thậm chí đột tử ở các giải chạy bộ là tai nạn. Tai nạn là điều có thể xảy ra ở các giải thi đấu thể thao nói chung, chứ không riêng gì trong môn chạy bộ.

Riêng trong môn chạy bộ, người chạy trong công viên thỉnh thoảng cũng đột quỵ và đột tử, chứ chưa cần bàn đến các giải đấu có quy mô.

Luật sư:

Xuất hiện VĐV đột quỵ tại giải bán marathon Tây Hồ (Ảnh: A.T).

Ngay cả trong bóng đá, kể cả với các giải đấu lớn, những trường hợp đột quỵ, thậm chí đột tử cũng đã xuất hiện. Ví dụ như ở Euro 2020, tiền vệ Eriksen của đội tuyển Đan Mạch đột quỵ trên sân, phải nhập viện khẩn cấp.

Nhiều năm trước, tiền vệ Marc Vivien Foe của đội tuyển Cameroon thậm chí đột tử khi đang thi đấu (trận Cameroon - Colombia tại cúp Liên đoàn các châu lục năm 2003, do FIFA tổ chức). Trong những trường hợp đột quỵ và đột tử như thế này, không thể quy trách nhiệm cho BTC được.

Ông có thể nói rõ hơn về tính pháp lý trong vấn đề vừa nêu?

- Đầu tiên, BTC các giải đấu, trong đó có các giải chạy bộ không ép buộc VĐV tham gia. VĐV tham gia tự nguyện, họ thi đấu cự ly nào, chạy bao xa cũng là do họ tự nguyện.

Trừ trường hợp VĐV có giấy chứng nhận sức khỏe không đảm bảo từ phía cơ quan y tế, trừ trường hợp VĐV chấn thương, BTC biết việc này nhưng vì một lý do nào đó BTC ép VĐV thi đấu. Trong trường hợp như thế, về mặt pháp lý mới có thể quy trách nhiệm cho BTC, khi có VĐV đột quỵ hoặc đột tử.

Luật sư:

Cách tốt nhất để tránh sự cố đáng tiếc, đó là VĐV phải tự lượng sức mình khi đăng ký nội dung thi đấu ở các giải chạy bộ (Ảnh: A.T).

Tôi nhấn mạnh ở điểm BTC giải có biết về tình hình chấn thương và tình hình sức khỏe xấu của VĐV, thì mới xử lý BTC. Đôi khi có VĐV còn giấu bệnh, giấu tình hình sức khỏe thực của mình nữa. Có nghĩa là trường hợp BTC không biết, cũng không thể quy trách nhiệm cho họ.

Vậy có cách nào để thay đổi điều này, nhằm tránh những sự cố đáng tiếc như đã xảy ra ở các giải chạy bộ trong thời gian vừa rồi, thưa ông?

- Thay đổi, theo tôi phải đến từ cả hai phía. Đầu tiên, về phía BTC các giải chạy bộ, cần những quy định chặt chẽ hơn về mặt sức khỏe của những người tham dự, quy định kỹ hơn về năng lực của người tham gia. VĐV ở trình độ nào thì chỉ nên thi đấu theo trình độ đấy.

Ở các giải đấu có quy mô và mang tính chuyên nghiệp, BTC cần kiểm tra từng VĐV trước khi bước vào giải. Dù vậy, cách tốt nhất để tránh những sự cố đáng tiếc trên đường chạy vẫn phụ thuộc vào VĐV.

Người tham dự các giải đấu phải biết tự lượng sức mình, chạy những cự ly vừa mức, vừa sức. Nếu VĐV không muốn tham dự các cự ly thi đấu ngoài khả năng của họ, BTC đâu ép họ được, nên khi có sự cố không thể quy trách nhiệm cho BTC các giải.

Thiệt hại lớn nhất nếu sự cố xảy ra vẫn thuộc về VĐV, nên các VĐV cần suy nghĩ kỹ, kiểm tra kỹ sức khỏe và năng lực của mình trước khi đăng ký ở bất kỳ giải đấu nào.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

3 vận động viên Việt Nam tử vong khi tham gia đường chạy marathon

- Ngày 13/1/2019, một nam vận động viên tử vong trên đường đua của giải chạy HCMC Marathon 2019. Vận động viên này đăng ký cự ly 42km, khi đến 18km thì có dấu hiệu ngã gục trên đường chạy. Đội ngũ cấp cứu tiến hành hồi sức cấp cứu tại hiện trường gồm các công đoạn đặt đường truyền, ép tim, sốc điện và dẫn thuốc vào mạch để hồi sức cho tim của bệnh nhân, tuy nhiên bệnh nhân không qua khỏi.

- Ngày 12/6/2022, một vận động viên trong giải chạy VMS 2022 tại Quy Nhơn (Bình Định) đã tử nạn sau khi được cấp cứu. Theo thông tin từ Ban tổ chức, vận động viên sinh năm 1977, có dấu hiệu lạ trước khi ngã xuống. Ngay sau đó, anh đã được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Bình Định, dù các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng anh không qua khỏi.

- Ngày 24/3, Ban tổ chức Giải siêu Marathon Việt Nam 2024 (Vietnam Ultra Marathon 2024) thông tin, một vận động viên tham dự sự kiện đã qua đời tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Một đội cứu hộ 14 thành viên, bao gồm đội ngũ y tế và thành viên Ban tổ chức đã tham gia thực hiện công tác y tế khẩn cấp và vận chuyển vận động viên đến bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi được các y, bác sĩ cấp cứu, vận động viên đã không qua khỏi.

- Tại giải chạy Tay Ho Half Marathon 2024 diễn ra sáng 14/4 tại Hà Nội, nam thanh niên bỗng ngã gục khi chỉ cách vạch đích khoảng 100m. Bệnh nhân ngay lập tức được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ, rồi chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 cấp cứu. Hiện bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, tiên lượng nặng.