Cách hạn chế nguy cơ tử vong đột ngột trên đường chạy marathon quốc tế

Trọng Vũ

(Dân trí) - Ở những giải marathon càng uy tín, người ta càng có xu hướng khuyến cáo vận động viên (VĐV) tham gia chạy cự ly càng ngắn càng tốt, thay vì chạy quá dài. Ngoài ra, khâu y tế được quan tâm tối đa.

Cho đến nay, hiếm khi nghe nói các giải marathon trên thế giới phải chịu trách nhiệm về các ca đột tử hoặc đột quỵ trên đường đua. Rủi ro trong thể thao là điều vẫn có thể gặp, không riêng gì trong môn chạy đường dài nói chung và các cuộc thi marathon nói riêng. Vì vậy, việc quy định kỹ tiêu chuẩn VĐV là nhằm tránh các rủi ro này.

Với các giải marathon càng lớn, càng uy tín, điều mà họ hướng đến là chất lượng vận động viên (VĐV) chứ không phải số lượng VĐV. Các khuyến cáo về sức khỏe, các khâu kiểm tra y tế được làm rất kỹ.

Cách hạn chế nguy cơ tử vong đột ngột trên đường chạy marathon quốc tế - 1

Giải marathon Boston là giải đấu uy tín hàng đầu thế giới (Ảnh: Getty).

Ví dụ như ở giải marathon tại Boston (Mỹ) danh tiếng, họ làm siêu âm tim đối với các VĐV không chuyên trước và sau khi tham gia giải đấu này. Giải đấu cũng đưa ra khuyến cáo về thời gian và lượng vận động của các VĐV khi tham gia Boston Marathon.

Theo đó, những người tập luyện ít hơn 56km hàng tuần, trong vòng 4 tháng trước khi giải đấu khởi tranh, có khả năng tổn thương và rối loạn nhịp tim nhất định, trong quá trình chạy marathon. Chỉ những người tập luyện nhiều hơn 72km mỗi tuần, trong vòng 4 tháng trước khi thi đấu, mới ổn hơn về mặt tim mạch.

Sở dĩ Boston Marathon kiểm tra các VĐV không chuyên kỹ hơn các VĐV chuyên nghiệp, vì các VĐV chuyên nghiệp vốn đã có sẵn phương pháp tập luyện khoa học, cũng như được trang bị thể chất phù hợp với cự ly mà họ tham dự. Trong khi đó, các VĐV không chuyên không giỏi về mặt này, nên rủi ro với nhóm VĐV không chuyên cao hơn.

Cách hạn chế nguy cơ tử vong đột ngột trên đường chạy marathon quốc tế - 2

Boston marathon quy định về thời gian chạy tối đa dành cho các VĐV, nhằm sàn lọc đối tượng chuyên và không chuyên, tránh việc VĐV thi đấu quá khả năng (Ảnh: Getty).

Boston Marathon là giải đấu có quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn dành cho các VĐV tham dự. Để đủ điều kiện tham dự Boston Marathon, VĐV trên 18 tuổi phải hoàn thành khóa học marathon tiêu chuẩn, được chứng nhận bởi Liên đoàn điền kinh các quốc gia thành viên của Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF), trong thời gian 18 tháng trước khi giải khởi tranh.

Từ năm 2011, Boston Marathon có thêm quy định về thời gian chạy tối thiểu dành cho các VĐV. Ví dụ VĐV nam trong độ tuổi 18-34 không được chạy quá 3 tiếng cho lộ trình 42km của nội dung marathon. Thời gian này tương ứng đối với VĐV nữ là 3 giờ 30 phút.

Còn đối với các VĐV nam độ tuổi từ 40-44 tuổi, thời gian chạy marathon không quá 3 giờ 10 phút. Việc quy định thời gian như trên để lọc ra VĐV chuyên nghiệp hoặc cựu VĐV chuyên nghiệp, nhằm tránh các rủi ro về y tế thường xảy ra với VĐV không chuyên.

Cách hạn chế nguy cơ tử vong đột ngột trên đường chạy marathon quốc tế - 3

New York marathon sớm khuyến cáo các VĐV không nên tiếp nước quá nhiều trong thời gian chạy, chỉ uống nước khi thật sự khát (Ảnh: Getty).

Còn ở giải marathon tại New York (Mỹ), cũng là một giải đấu hết sức uy tín trên thế giới, họ kiểm soát khá kỹ lượng nước mà VĐV "nạp" vào cơ thể trước và trong quá trình thi đấu. Họ khuyến cáo thẳng: "Chưa có trường hợp nào chết vì mất nước khi chạy marathon, nhưng đã có nhiều trường hợp đột tử vì uống nước nhiều hơn mức cần thiết, dẫn đến làm hạ natri máu".

Đây là khuyến cáo quan trọng, dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng qua nhiều năm, có thể giúp xóa bỏ, hay chí ít thay đổi thói quen cũ của những người chạy không chuyên. Những người này thường có suy nghĩ phải bù nước càng nhiều càng tốt trong khi chạy.

Thông thường, các cuộc thi đấu marathon có những trạm tiếp nước dọc đường. Nhưng với Ban tổ chức (BTC) New York marathon, họ cảnh báo các VĐV chỉ uống khi khát, và không nạp bất kỳ chất lỏng nào vào người trong quá trình thi đấu, trước khi cảm thấy khát thực sự.

Cách hạn chế nguy cơ tử vong đột ngột trên đường chạy marathon quốc tế - 4

Các VĐV quốc tế luôn chuẩn bị sẵn đồng hồ đo nhịp tim để tự lượng sức và tự lắng nghe cơ thể mình (Ảnh: Reuters).

Ngoài các biện pháp kể trên, những năm sau này, khi công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển, người ta còn chuẩn bị thêm các thiết bị đo nhịp tim cho các VĐV, trên những đường đua khắc nghiệt.

Trong các cuộc đua marathon, thiết bị đo nhịp tim chưa mang tính bắt buộc, vì các VĐV marathon chủ yếu chạy trong thành phố. Hơn nữa, như đã nói, nếu BTC các giải làm tốt khâu tuyển chọn, phân hạng VĐV, những người chuyên nghiệp sẽ không gặp phải rủi ro về tim mạch.

Dù vậy, với các cuộc thi siêu marathon (ultra marathon), những thiết bị này xuất hiện nhiều hơn. Ví dụ, tại giải chạy địa hình Trans Japan Alps Race ở Shizuoka (Nhật Bản), thiết bị đo nhịp tim và thiết bị định vị GPS được BTC trang bị cho các VĐV tham dự, để vị trí và tình trạng của họ luôn được hiển thị trên màn hình của BTC, tiện cho việc cứu hộ khi cần.

Với các VĐV quốc tế nhiều kinh nghiệm, cho dù BTC các giải đấu có quy định cụ thể hay không, họ tự trang bị cho mình thiết bị đo nhịp tim sẵn có ở các loại đồng hồ thông minh hiện nay. Cách tốt nhất là tự đo nhịp tim và tự lắng nghe cơ thể mình, thay vì chạy quá sức. Đó là khác biệt rất lớn giữa VĐV chuyên nghiệp so với VĐV không chuyên. 

3 vận động viên Việt Nam tử vong khi tham gia đường chạy marathon

- Ngày 13/1/2019, một nam vận động viên tử vong trên đường đua của giải chạy HCMC Marathon 2019. Vận động viên này đăng ký cự ly 42km, khi đến 18km thì có dấu hiệu ngã gục trên đường chạy. Đội ngũ cấp cứu tiến hành hồi sức cấp cứu tại hiện trường gồm các công đoạn đặt đường truyền, ép tim, sốc điện và dẫn thuốc vào mạch để hồi sức cho tim của bệnh nhân, tuy nhiên bệnh nhân không qua khỏi.

- Ngày 12/6/2022, một vận động viên tham gia giải chạy VMS 2022 tại Quy Nhơn (Bình Định) đã tử nạn sau khi được cấp cứu. Theo thông tin từ Ban tổ chức, vận động viên sinh năm 1977, có dấu hiệu lạ trước khi ngã xuống. Ngay sau đó, anh đã được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Bình Định, dù các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng anh không qua khỏi.

- Ngày 24/3, Ban tổ chức Giải siêu Marathon Việt Nam 2024 (Vietnam Ultra Marathon 2024) thông tin, một vận động viên tham dự sự kiện đã qua đời tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Một đội cứu hộ 14 thành viên, bao gồm đội ngũ y tế và thành viên Ban tổ chức đã tham gia thực hiện công tác y tế khẩn cấp và vận chuyển vận động viên đến bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi được các y, bác sĩ cấp cứu, vận động viên đã không qua khỏi.

- Tại giải chạy Tay Ho Half Marathon 2024 diễn ra sáng 14/4 tại Hà Nội, nam thanh niên bỗng ngã gục khi chỉ cách vạch đích khoảng 100m. Bệnh nhân ngay lập tức được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ, rồi chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 cấp cứu. Hiện bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, tiên lượng nặng.