1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Lối thoát nào cho các CLB?

Chưa có mùa bóng V-League nào mà bức tranh trước ngày khởi tranh lại ảm đạm như năm nay. Thậm chí đến thời điểm này, VPF cũng chưa xác định được sẽ có bao nhiêu đội có thể tham dự V-League 2013.

Các ông bầu đấu tiền khiến các cầu thủ được cao giá. Ảnh: Quang Thắng
Các ông bầu "đấu tiền" khiến các cầu thủ được "cao giá". Ảnh: Quang Thắng

Đừng đổ lỗi hết cho “bầu”

Một cuộc khủng khoảng đang diễn ra ở V-League và hai bên đang đổ lỗi cho nhau. “Một số ông bầu làm bóng đá theo kiểu ngẫu hứng, không có sự bền vững. Khó khăn là chung của hầu hết các đội chứ không riêng gì ai, việc các ông bầu đột ngột bỏ rơi đội bóng khiến tôi cảm thấy buồn” - Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã than thở trên một tờ báo như vậy sau sự kiện bầu Thọ trả lại N.Sài Gòn. Trong khi trong một diễn đàn khác, người từng là ông chủ của HN T&T và SHB Đà Nẵng - ông Đỗ Quang Hiển - chỉ trích các quan chức VFF: “Một cuộc khủng hoảng thật sự đã diễn ra và đang không dừng lại. Thế nhưng các nhà quản lý vẫn như người ngoài cuộc!”.

Đồng ý rằng ăn xổi, hớt ngọn, dùng bóng đá để làm thương hiệu, đó có thể là cách làm của một số ông bầu, đã đẩy bóng đá VN vào khó khăn như hiện nay. Nhưng VFF có nhận thấy rằng, ngay từ khi định hướng các ông bầu làm bóng đá chuyên nghiệp, họ đã sai đường. Khi những cuộc “đấu tiền” giữa các ông bầu đưa giá của Công Vinh, Quang Hải, Phước Tứ..., các ngoại binh như Samson, Timothy, Kesley..., thậm chí cả những cầu thủ mới nổi như Đình Tùng, tới những cái mức điên rồ, thì VFF ở đâu? Lương, thưởng, tiền lót tay cầu thủ “loạn” tới mức những ông bầu từng đi đầu ở V-League như bầu Đức, bầu Thắng... dù cố gắng giữ vững nguyên tắc không phá giá của mình, có lúc vẫn phải lắc đầu ngao ngán, khi ấy VFF ở đâu?  

Dắt tay đưa các doanh nghiệp vào V-League, nhưng VFF lại bỏ mặc các ông bầu đấu tiền thay vì buộc họ phải đi theo hành lang chuyên nghiệp thực thụ của mình. Làm chuyên nghiệp theo kiểu cứ đi rồi thành đường, nhưng VFF lại không chịu chỉ lối và định hướng thành đường, lạc đường là hậu quả tất yếu.

Bóng đá VN từ khi lên chuyên nghiệp đã đi học hỏi đủ nơi - từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, đến Anh quốc và mới đây là Nhật Bản, nhưng vẫn thấy... không giống ai. 12 năm làm chuyên nghiệp chỉ có... cái tên chuyên nghiệp. Lỗi tại ai?

Cổ phần hóa thực sự, lối thoát của CLB chuyên nghiệp?

Đó là chuyện của ngày hôm qua. Còn hôm nay, khi mà làn sóng bỏ bóng đá của các ông bầu đang dâng cao, việc mà VFF và VPF phải làm là tìm lối ra cho các CLB. Giảm lương, thưởng, hạ giá lót tay là một cách. Thắt lưng buộc bụng, N.Sài Gòn đang tính rằng chỉ cần 27 tỉ đồng/mùa cũng có thể tồn tại ở V-League thay vì 100 tỉ đồng như trước kia. VPF cũng đã tính phương án bơm tiền “trợ cấp” các CLB. Nhưng đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế, mang tính “cứu đói” khẩn cấp mà thôi.

Về lâu dài, theo các chuyên gia, VFF và VPF cần tính cách làm bóng đá chuyên nghiệp căn cơ. Cựu chủ tịch của SHB Đà Nẵng và HN T&T Đỗ Quang Hiển - một người rất “mát tay” làm bóng đá và làm đâu thắng đó - đã đưa ra hai giải pháp: Cổ phần hóa thật sự các công ty bóng đá và tìm thêm nhà tài trợ cho các CLB.

Cổ phần hóa là một trong những điều kiện cơ bản của CLB chuyên nghiệp ở VN từ lâu, nhưng đồng thời ai cũng biết rằng ở V-League, cổ phần hóa chỉ là cái vỏ bọc vì có CLB nào thu được lãi từ cổ phần? Nguồn tiền đổ vào CLB chủ yếu vẫn từ túi các ông bầu, còn cổ đông chỉ 1-2 người để cho có. Trong khi ở các nền bóng đá hiện đại, cổ đông là một phần không thể thiếu để CLB tồn tại lâu dài mà không bị phụ thuộc vào 1-2 nhà tài trợ. Vì vậy, VFF cần có quy chế ràng buộc rõ ràng về cổ phần hóa để các ông bầu làm bóng đá nghiêm túc và cũng để các CLB có thể tự đứng được trên đôi chân của mình.

 
Theo: Lao động