Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng:
"Khủng hoảng kinh tế không ảnh hưởng đến V-League 2013”
(Dân trí) - Giữa bối cảnh bóng đá Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ cơn khủng hoảng của các doanh nghiệp, những hoạch định của VPF trong thời gian tới được nhiều người quan tâm. Sáng nay, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã trao đổi với giới truyền thông…
Cho đến thời điểm này, VPF đã nhất trí việc lùi thời hạn bốc thăm xếp lịch thi đấu cho mùa giải mới?
Rất nhiều CLB đồng ý với đề xuất này, anh Dũng (PCT VFF kiêm PCT VPF Lê Hùng Dũng – PV) cũng đã đề xuất như trên. Chúng tôi sẽ lùi thời hạn xếp lịch lại.
Sau khi có thông tin Navibank SG và một số CLB có nguy cơ không dự mùa giải tới, VPF đã tính toán đến số lượng đội dự 2 giải V-League và hạng Nhất?
Vậy chuyện dời lại thời điểm bốc thăm xếp lịch thi đấu mùa giải mới có ảnh hưởng chung đến lịch hoạt động của bóng đá Việt Nam?
Về mốc thời gian theo tôi vẫn sẽ không thay đổi. Mùa giải mới dự kiến khai mạc vào ngày 18 hoặc 19/1/2013. Nếu có thay đổi thì cũng không quá xa ngày ấy. Tôi cho rằng sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch chung của bóng đá Việt Nam.
Về các khoản tiền bảo trợ thông qua truyền hình thì sao thưa ông? Số tiền này được chia cho các CLB như thế nào?
Mùa rồi, thông qua 10 nhà bảo trợ, VPF thu được 50 tỷ đồng. Chúng tôi đã thu một phần số tiền trên, đang làm thủ tục để nhận số còn lại. Tôi đã làm việc với đại diện của 10 nhà bảo trợ và họ xác nhận sẽ chuyển tiền. Tôi xin nhấn mạnh lại rằng công ty VPF được thành lập không phải để thu lợi nhuận và vì lợi nhuận. Mục đích của công ty là tìm nguồn tài chính hỗ trợ cho các CLB. Mùa tới, như đã công bố, mỗi đội nhận từ 1 tỷ đồng đến vài tỷ đồng hỗ trợ tùy theo thành tích. Bây giờ khó khăn thì như thế, sau này bớt khó khăn hơn, số tiền hỗ trợ chắc chắn sẽ tăng lên.
Về chuyện các ông chủ doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá ồ ạt thiếu định hướng như thời gian qua, VPF có quy định nào buộc các ông bầu phải đầu tư dài hơi, có lộ trình, thay vì “ăn xổi” như hiện nay không, thưa ông?
Kinh tế bây giờ đang khó khăn. Nhưng nếu các CLB chi tiêu hợp lý thì không đến nỗi không có lối ra. Nếu siết lại chuyện lương, chuyện thưởng, chuyện chuyển nhượng thì đỡ nhiều lắm! Tôi đã tiếp xúc với một số doanh nghiệp và nói với họ rằng các anh nên mạnh dạn đầu tư vào bóng đá. Tôi cũng nói rằng nếu các anh làm bóng đá vì tình yêu thì tôi ủng hộ hết mình. Còn nếu làm vì mục đích khác thì thôi. Riêng tôi, tôi có hơn 10 năm làm bóng đá. Có người khen, người chê cách làm của tôi. Nhưng thành công lớn nhất của tôi khi làm bóng đá là tạo được niềm tin nơi mọi người. Nếu tôi là người ngại khó thì bây giờ tôi còn không dám ngồi đây.
VPF từng quy định mức thưởng không vượt quá 500 triệu đồng/trận thắng, nhưng mùa rồi vẫn có nhiều CLB thưởng vượt khung, VPF xử lý tình trạng này như thế nào?
Mùa rồi VPF mới chỉ khuyến cáo các CLB không thưởng quá 500 triệu đồng/trận, chứ chưa cấm. Cái này thì tự mỗi CLB phải có biện pháp nữa. Như ở ĐT Long An của tôi, GĐĐH Võ Thành Nhiệm có quy định rằng đang trong thời gian diễn ra giải mà cầu thủ nào nói đến chuyện tiền thưởng là bị phạt ngay, nên cầu thủ ĐT Long An không bao giờ đòi tiền thưởng để đá.
Xung quanh chuyện một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng, VPF giải quyết vấn đề này như thế nào?
Luật FIFA, AFC, quy chế bóng đá chuyên nghiệp không cho phép điều ấy, nên bất cứ CLB nào, bất cứ người nào tham gia cuộc chơi đều phải tuân thủ luật. Tôi đã làm việc với anh Hiển (ông chủ của 2 CLB SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T Đỗ Quang Hiển), anh ấy cũng hoan nghênh quy định này. Tôi cho rằng anh Hiển là người hiểu chuyện và anh ấy cũng không muốn làm sai quy chế.
Xin cám ơn ông!
Trọng Vũ (ghi)