1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Khả năng kêu gọi tài trợ và sức hút của bóng đá nội

(Dân trí) - Mới chỉ có V-League công bố tên nhà tài trợ, trong khi 2 giải quan trọng khác là giải hạng Nhất và cúp quốc gia vẫn chưa tìm thấy đối tác chống lưng (hoặc chưa chính thức nên chưa công bố). Tất cả đều phản ánh rằng bóng đá nội đang giảm sức hút…

Nguồn sữa đến từ… người nhà

Có một chi tiết không thể không nói đến, đó là việc nhà tài trợ của V-League 2014 cũng là một ngân hàng nổi tiếng, vốn có chủ tịch HĐQT là phó TGĐ VPF (công ty đang nắm quyền điều hành V-League) và là quyền chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng.

Có nghĩa là, nếu như ngân hàng nọ không liên quan gì đến bóng đá Việt Nam, hoặc ngược lại nếu người đang điều hành bóng đá Việt Nam không liên quan gì đến nhà tài trợ, chẳng có gì đảm bảo rằng nhà tài trợ hào phóng nọ chịu chống lưng cho V-League?

Thật ra, chuyện V-League nói riêng và các giải đấu chuyên nghiệp nói chung không còn khả năng, hoặc chí ít là khó có khả năng kêu gọi đầu tư từ bên ngoài là chuyện đã được thấy trước từ nhiều năm nay.

Khả năng kêu gọi tài trợ và sức hút của bóng đá nội
Mới chỉ có V-League tìm được nhà tài trợ, trong khi giải hạng Nhất và cúp quốc gia vẫn chưa tìm thấy doanh nghiệp chung vai



Hội đồng bảo trợ của bóng đá nội khi VPF mới ra đời 3 năm trước từ chỗ có 10 doanh nghiệp mạnh tham gia, giờ chỉ còn vài cái tên trụ lại, trong số đó đã có đến 2 doanh nghiệp là Đồng Tâm và Hoàng Anh Gia Lai, vốn là tập đoàn của cá nhân các lãnh đạo chóp bu của VPF (Đồng Tâm của bầu Thắng và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức).

Nói không ngoa, nếu VFF và VPF không còn sự hiện diện của những doanh nhân làm bóng đá dạng ông Lê Hùng Dũng, Võ Quốc Thắng hay Đoàn Nguyên Đức, thì khả năng kêu tài trợ của bóng đá nội càng khó khăn hơn.

Sự sút giảm về mặt hình ảnh, dẫn đến sút giảm về mặt giá trị và khả năng kêu tài trợ của các giải đấu trong nước chắc chắn đến từ sự sút giảm chất lượng của chính giải đấu này.

Nhà đầu tư cần bóng đá để đánh bóng hình ảnh cho chính họ, để sinh lợi thông qua hình ảnh ấy. Nhưng thực tế là với cách điều hành của những người đang nắm giữ vận mệnh cả nền bóng đá trong nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam, giải VĐQG Việt Nam nhiều lúc bát nháo không khác cái… chợ.

Cái khó… bó cái khôn


Cách nay 4 năm, V-League từng nhận số tiền tài trợ kỷ lục 30 tỷ đồng, cùng lời cam kết của ông Dũng là số tiền sẽ được lũy tiến theo từng năm, dựa trên tốc độ trượt giá của nền kinh tế.

Thì bây giờ, 4 năm sau, con số vẫn là 30 tỷ. Như đã nói, cùng con số 30 tỷ đồng như ở thời điểm cách nay 4 năm khác xa so với thời điểm hiện tại, bởi bây giờ quan hệ giữa nhà tài trợ và đơn vị tổ chức giải đấu chưa hẳn là quan hệ đôi bên cùng có lợi, mà có khi bây giờ là vì nghĩa vụ (hay nói thẳng ra là vì nghĩa tình cũng được).

4 năm qua, đồng tiền trượt giá ra sao có lẽ là những người làm kinh tế vừa ký kết bản hợp đồng tài trợ ấy rõ nhất, nên chắc chắn 30 tỷ đồng vừa có được khác xa với 30 tỷ đồng năm nào.

Khó kiếm nhà tài trợ, nguồn thu không đảm bảo, VPF đành quay lại phương án bắt các CLB đóng tiền, dưới dạng đóng cổ phần (mỗi CLB dự V-League đóng 500 triệu đồng). Từ khoản đóng góp ấy, VPF tính ra các giải thưởng, rồi cuối mùa tính chuyện chia lợi nhuận cho các CLB.

Tức là không loại trừ khả năng các CLB được thưởng tiền, hay được chia lợi nhuận cuối mùa từ... chính phần mà họ đã đóng góp vào VPF hàng năm. Nói nôm na, VPF và các giải đấu chuyên nghiệp không làm ra lãi, dòng tiền thực tế chỉ là dòng tiền chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ túi này sang túi khác.

Mỗi CLB nói riêng hay bản thân VPF nói chung đều hoạt động trên mô hình của một doanh nghiệp, một công ty cổ phần. Mà đã bàn đến một doanh nghiệp thì doanh nghiệp ấy phải làm ăn có lãi mới sống bền.

Bóng đá Việt Nam khó nâng được chất lượng trong bối cảnh từ các công ty thành viên (tức các CLB) cho đến công ty điều hành giải đấu đều ở vào tình cảnh “chạy ăn” từng mùa, ở vào tình cảnh mà cái khó bó cái khôn.

Kim Điền
Dòng sự kiện: V-League 2014