Ken Aston - Cha đẻ của những thẻ phạt
Thật khó có thể hình dung nổi một trận đấu sẽ diễn ra như thế nào, nếu như không có sự tồn tại của những chiếc thẻ vàng, thẻ đỏ. Nhưng hiếm ai biết rằng tuổi đời của những chiếc thẻ này mới chỉ là 38. Chúng ra đời năm 1967, nhờ phát minh của một trọng tài người Anh: Kenneth George Aston.
Trọng tài Ken Aston
Aston vốn xuất thân từ nghề dạy học. Năm 1935, ông bắt đầu công việc gõ đầu trẻ tại trường tiểu học Newbury Park County ở vùng Essex. Tại Anh, thể thao luôn là một phần quan trọng trong các chương trình giáo dục ở nhà trường, giáo viên thường kiêm vai trò trọng tài. Và ông thầy 20 tuổi ngay lập tức được giao nhiệm vụ quản lý các trận đấu bóng.
Chỉ một năm sau, Aston đã được công nhận là một trọng tài bóng đá chính hiệu. Đầu thập kỷ 60 ông trở thành một trong những trọng tài chuyên nghiệp hàng đầu ở Anh. Aston hầu như không hề lâm phải một tình huống gây tranh cãi nào trong suốt sự nghiệp cầm còi.
Bước ngoặt quan trọng nhất xảy với Aston khi ông được giao điều khiển trận khai mạc VCK World Cup 1962 giữa chủ nhà Chile và ĐT Thuỵ Sĩ (3-1). Ông bắt trận đó hoàn hảo đến mức FIFA quyết định để ông làm trọng tài chính của trận Chile - Italia (2-0).
Đây là một trận đấu rất nhạy cảm. Thời đó, báo chí Chile cho rằng các nhà báo Italia đã có những bài viết hồ đồ về nhan sắc và phẩm hạnh của phụ nữ Chile. Chịu quá nhiều áp lực của dư luận, Chile - Italia trở thành trận đấu của danh dự, và bóng đá chỉ còn là vấn đề thứ yếu. Người ta gọi đó là cuộc chiến Santigo.
“Tôi không giống một trọng tài của một trận đấu bóng mà như người hòa giải trong một cuộc hòa đàm quân sự” - nhiều năm sau Aston nhớ lại. Xung đột không phải là điều quá xa lạ với Aston, nhưng “trận chiến Santigo” vẫn khiến ông “sợ xanh mắt”.
Những viên cảnh sát, được vũ trang đến tận chân răng, được phép vào sân 3 lần trong suốt 90 phút của trận đấu để giúp trọng tài giữ trật tự sân cỏ. Aston buộc phải đưa 2 cầu thủ Italia ra khỏi sân, buộc phải ngừng trận đấu vài lần vì những cuộc hỗn chiến bên ngoài đường pitch.
Những chiếc thẻ ra đời
| |
Ken Aston đã có công lớn với môn thể thao Vua
|
Với vai trò mới, Aston một lần nữa lại buộc phải có mặt trong một trận đấu đầy tranh cãi trong lịch sử World Cup. Năm 1966, đội chủ nhà Anh gặp Argentina tại vòng tứ kết trên sân Wembley. Aston đã phải dùng tài “dỗ trẻ” của mình để “hạ hỏa” đội trưởng ĐT Argentina Rattín, sau khi anh này bị buộc phải ra khỏi sân.
Trận đấu vẫn tiếp tục trở thành điểm nóng của dư luận, khi báo chí cho rằng lẽ ra trọng tài phải đuổi cả 2 anh em nhà Charlton (Bobby và Jack), giống như Rattín. Điều đó khiến Aston suy nghĩ rất nhiều, ông muốn tìm một cách nào đó để những rắc rối như thế không tái diễn. Điều đó ám ảnh ông ở mọi lúc mọi nơi, và “Khi tôi lái xe trên đường cao tốc Kensington, đèn đỏ, thế là phải dừng lại. Tôi chợt nảy ra: vàng - anh bị cảnh cáo, đỏ - anh phải nghỉ thi đấu”.
Thế là, những chiếc thẻ vàng và đỏ ra đời. Nó bắt đầu được áp dụng tại World Cup 1970 (Mexico) và trở thành một phần của cuộc chơi trái bóng tròn.
Không chỉ là trọng tài bóng đá
Với tư cách một trọng tài, một người của FIFA, Aston đã kinh qua nhiều trận đấu bóng đá. Ông cũng là một nhà lãnh đạo đáng kính của Toà án Thể thao, từng xuất hiện trong nhiều phiên tòa.
Bóng đá đã ăn sâu vào máu thịt và đi theo ông trong suốt cuộc đời. Từ 1980 đến 2001, ông tham gia giảng dạy cho nhiều khoá đào tạo trọng tài tại Mỹ, và rõ ràng sự phát triển như ngày hôm nay của bóng đá Mỹ có đóng góp không nhỏ của Aston. Như một sự tưởng thưởng trực tiếp cho những nỗ lực của ông tại Mỹ, năm 1997, ông được trao tặng danh hiệu cao quý MBE của đế chế Anh.
Ngày 23/10/2001, Aston đã vĩnh biệt cuộc sống ở tuổi 86. Nhưng với đứa con “vàng và đỏ” của mình, ông sẽ sống mãi cùng những trận đấu của môn thể thao Vua.
Theo Bích Thục
Báo bóng đá