1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

J-League 2 cần Công Phượng hay Công Phượng cần J-League 2?

(Dân trí) - Trong bất cứ hợp đồng nào thì đôi bên sẽ cùng có lợi, trường hợp của Công Phượng và CLB Mito Hollyhock cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, có lẽ sẽ là hơi quá nếu người lớn cứ đặt vấn đề theo kiểu đội bóng Nhật Bản khao khát tiền đạo của HA Gia Lai.

Bản thân CLB Mito Hollyhock nói riêng và J-League 2 nói chung sẽ cần Công Phượng ở điểm đây là giai đoạn mà bóng đá Nhật Bản rất cần quảng bá hình ảnh ở Đông Nam Á và quảng bá hình ảnh tại Việt Nam (điều này còn liên quan đến vấn đề bản quyền truyền hình, vì thời gian gần đây truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã phát sóng các giải vô địch Nhật và Hàn Quốc).

Trong khi đó, Công Phượng lại là một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam, nên việc Mito Hollyhock thuộc J-League 2 tìm đến Công Phượng cũng không có gì là lạ, tương tự như tính chất của việc Sapporo mời Công Vinh sang thi đấu trước đây, để quảng bá hình ảnh của thành phố này, của thương hiệu bia cùng tên ở thị trường Việt Nam.

Dĩ nhiên, về yếu tố chuyên môn, Mito Hollyhock cũng có chỗ cần Công Phượng, giống như Yokohama FC với trường hợp của Tuấn Anh sau này, nếu hợp đồng chính thức được ký. Tuy nhiên, sự kỳ vọng về sự lột xác, hay khả năng tỏa sáng của Công Phượng và Tuấn Anh trên đất Nhật cũng nên có chừng mực.

 

Công Phượng (10) cần J-League 2 để đi học và để tránh sức ép từ bóng đá nội
Công Phượng (10) cần J-League 2 để đi học và để tránh sức ép từ bóng đá nội

 

Chúng ta đã từng chứng kiến lứa Công Phượng và các đồng đội thua thảm U19 Nhật Bản 0-7 cách nay hơn 1 năm như thế nào, để đánh giá đúng sự chênh lệch giữa trình độ cầu thủ trẻ của 2 nền bóng đá. Ngay đến lứa U19 Nhật Bản ngày ấy còn chưa tỏa sáng ở đẳng cấp bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản, thì cũng đừng nên cho rằng những người đã từng thất bại trước lứa ấy sẽ làm nên chuyện thần kỳ.

Dĩ nhiên, nói về Công Phượng hay Tuấn Anh, người ta thường nói đến phẩm chất kỹ thuật. Nhưng cũng sẽ là phi lý khi nghĩ rằng trong bóng đá đỉnh cao, mỗi cầu thủ có thể tỏa sáng chỉ cần dùng đến kỹ thuật, mà không quan tâm đến các yếu tố khác như thể lực, ý thức chiến thuật, tư duy chơi bóng…

Cần thực tế ở chỗ, Công Phượng và Tuấn Anh sang Nhật để học, để tiếp thu thêm, để trưởng thành thêm về những yếu tố mà họ còn yếu vừa nêu, chứ sẽ là quan điểm sai lầm khi nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng các đội bóng Nhật Bản, hay J-League 2 cần Công Phượng hoặc Tuấn Anh đến mức khao khát các cầu thủ này, như thể họ sắp trở thành cứu tinh của các CLB Mito Hollyhock và Yokohama FC, để đưa những đội bóng nọ đến một đẳng cấp khác.

Sẽ là sai lầm rất lớn về mặt quan điểm khi ai đó cố gắng hướng dư luận theo chiều hướng đấy. Một sai lầm mang tính chủ quan mà chúng ta từng thấy lúc những Công Phượng và Tuấn Anh vừa bước qua tuổi 19 cách nay không lâu, khiến họ bị đặt sai vị trí của chính mình trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, và thay vì tiến lên thì đang có dấu hiệu chững lại trong suốt 1 mùa giải đã qua!

Kim Điền

 

J-League 2 cần Công Phượng hay Công Phượng cần J-League 2? - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm