DMagazine

Indonesia đòi rời khỏi AFF: Cả giận mất khôn

(Dân trí) - Liên đoàn bóng đá Indonesia cân nhắc rời khỏi AFF. Mọi thứ bắt đầu từ tranh cãi ở giải U19 Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ sẽ mất nhiều hơn được nếu như quyết định này được thông qua.

Liên đoàn bóng đá Indonesia đã cân nhắc rời khỏi Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á để chuyển sang Liên đoàn bóng đá Đông Á. Mọi thứ bắt đầu từ tranh cãi ở giải U19 Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ sẽ mất nhiều hơn được nếu như quyết định này được thông qua.

Indonesia đòi rời khỏi AFF: Cả giận mất khôn - 1

"Luật thi đấu của giải này rất lộn xộn, AFF không áp dụng luật thi đấu giống như FIFA và AFC đang áp dụng (việc xếp hạng các đội bằng điểm theo kết quả đối đầu trực tiếp thường được áp dụng bởi Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA, trong khi FIFA xếp hạng theo hiệu số bàn thắng/bại). Chúng tôi bị loại, nhưng U19 Việt Nam và U19 Thái Lan đã không chơi sòng phẳng với chúng tôi. Họ sợ U19 Indonesia" - HLV Shin Tae Yong tỏ ra giận dữ trong buổi họp báo sau khi U19 Indonesia bị loại.

Thực tế, câu chuyện sẽ rất bình thường nếu như câu chuyện dừng lại ở việc U19 Indonesia bị loại ngay từ vòng bảng giải U19 Đông Nam Á vì thua kém chỉ số đối đầu với U19 Việt Nam và U19 Thái Lan. Bởi lẽ, sự tính toán ở lượt đấu cuối cùng là điều thường thấy trong bóng đá. Nếu một đội bóng đủ điều kiện đi tiếp, họ không dại gì "đá chết bỏ" để nhận được cái kết bi thảm.

Câu chuyện này thậm chí từng xuất hiện ở giải đấu lớn như World Cup hay Euro. Ở World Cup 2018, Nhật Bản đã chủ động lùi về, chuyền bóng qua lại ở sân nhà để bảo toàn… trận thua trước Ba Lan. Bởi lẽ, thời điểm đó, họ có cùng 4 điểm như Senegal nhưng hơn hiệu số fair-play. Dù cho đội bóng xứ Mặt trời mọc chịu không ít chỉ trích nhưng họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ khi lọt vào vòng bảng và được cả đất nước ca ngợi.

Indonesia đòi rời khỏi AFF: Cả giận mất khôn - 3

Một điển hình nữa về việc tính toán ở lượt đầu cuối cùng chính là Euro 2004. Hai đội bóng Bắc Âu là Đan Mạch và Thụy Điển đã chủ động hòa nhau 2-2 ở lượt đấu cuối để loại Italy. Dù vậy, cuối cùng, chẳng có đơn kiện nào được gửi lên UEFA. Người Italy hiểu được luật chơi và tuân thủ nó. Họ cũng hiểu được sự nghiệt ngã của số phận.

Tuy nhiên, phản ứng của Indonesia rất khác. Không chỉ HLV Shin Tae Yong, mà Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI), Mochamad Iriawan đều vô cùng gay gắt. Họ cho rằng U19 Việt Nam và U19 Thái Lan đã chủ động dàn xếp để loại đội chủ nhà. Một lá đơn khiếu nại đã được gửi lên AFF sau đó. Nhưng tới tận thời điểm này, AFF vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào cho Indonesia. Bởi lẽ, việc tìm ra bằng chứng tố cáo U19 Việt Nam và U19 Thái Lan gần như không thể.

Những người hâm mộ Indonesia cũng nổi cơn thịnh nộ. Họ chặn xe bus chở U19 Việt Nam và U19 Thái Lan để chửi rủa. Tình hình càng bị đẩy đi xa hơn, khi ý tưởng rời khỏi AFF để… phản đối xuất hiện. Nó khiến cho mọi thứ trở nên rối ren hơn rất nhiều, nhất là khi đó chỉ là giải đấu trẻ và đã kết thúc từ lâu. Càng nghiêm trọng hơn, PSSI đã đồng tình với phương án này và liên tục nhấn mạnh quan điểm.

Indonesia đòi rời khỏi AFF: Cả giận mất khôn - 5
Indonesia đòi rời khỏi AFF: Cả giận mất khôn - 7

HLV Steve Darby cho rằng động thái của PSSI giống như "trò trẻ con". HLV người Anh cho biết: "PSSI có hành động như trẻ con. AFF sẽ không bao giờ cho phép họ ra đi và EAFF cũng khó chấp nhận họ gia nhập. PSSI làm điều này chỉ để phản ứng về trận đấu giữa U19 Việt Nam và U19 Thái Lan hay sao? Họ cần một lý do rõ ràng hơn".

Không chỉ có vậy, ngay cả những chuyên gia Indonesia cũng… không đồng tình. Ông Fakhri Husaini (cựu HLV đội U16 và U19 Indonesia) cho biết: "Tôi cho rằng việc U19 Indonesia bị loại không phải vì lỗi của U19 Việt Nam và U19 Thái Lan. Nguyên nhân bởi chúng ta không thể ghi bàn trong hai trận đối đầu trực tiếp với đối thủ này". Một chuyên gia khác là Akmal Marhali cũng nhấn mạnh: "Việc chuyển Liên đoàn không dễ dàng như thế. PSSI chỉ đang cố gắng xoa dịu cộng đồng mạng. Còn việc rời AFF không giống như chuyển nhà, chỉ cần có tiền là xong".

Thật vậy, lịch sử chứng minh việc chuyển Liên đoàn tốn rất nhiều thời gian, chứ không thể giải quyết một sớm một chiều (dù có tiền lệ). Để sang được UEFA, Israel đã mất tới 18 năm, ngay cả khi họ có "lý do chính trị". Trong thời gian này, Israel "bơ vơ", không thuộc bất kỳ Liên đoàn nào.

Indonesia đòi rời khỏi AFF: Cả giận mất khôn - 9

Cho tới thời điểm này, Liên đoàn bóng đá Australia là thành viên của AFC. Thế nhưng, ít ai biết rằng, họ đã phải mất nhiều năm vận động, trước khi có thể gia nhập vào năm 2006. Nguyên nhân là bởi họ cần sự ủng hộ của các Liên đoàn thành viên. Để quyết định được thông qua, Australia đã chờ đợi để nhận được cái gật đầu cuối cùng của ba cơ quan là FIFA, AFC và OFC (Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương).

Ở khía cạnh nào đó, dù sao Australia cũng có sức hút lớn. Đó là lý do mà AFC chấp thuận. Sự có mặt của đội bóng xứ Chuột túi sẽ làm tăng doanh thu cho các giải đấu ở cấp độ châu lục, nhờ tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Australia khiến cho cuộc đua giành vé dự World Cup ở châu Á trở nên phức tạp hơn.

Chính vì vậy những ý kiến phản đối từng xuất hiện. Cựu Chủ tịch AFC, Salman bin Ibrahim Al-Khalifa chia sẻ vào năm 2015: "Có những dấu hiệu cho thấy một vài Liên đoàn ở Tây Á muốn trả Australia trở về châu Đại Dương. Họ cho rằng việc Australia gia nhập AFC là điều hết sức vô lý".

Ở quy mô nhỏ hơn, Iran đã rời Liên đoàn bóng đá Tây Á để sang Trung Á vì vấn đề liên quan tới chính trị. Dù vậy, họ gần như chỉ "mượn nhờ nhà" chứ không quá quan tâm tới giải đấu. Afghanistan cũng rời Liên đoàn bóng đá Nam Á để tới Trung Á vì… muốn cải thiện trình độ. Còn Ấn Độ vẫn giữ suất ở Liên đoàn bóng đá Nam Á nhưng xin gia nhập các giải đấu ở Trung Á vì lý do tương tự, khi mức độ cạnh tranh ở Nam Á quá thấp.

Indonesia đòi rời khỏi AFF: Cả giận mất khôn - 11

Indonesia từng nhấn mạnh cần cải thiện trình độ khi muốn chuyển sang Liên đoàn bóng đá Đông Á (EAFF). Về cơ bản, ở thời điểm nào đó (không phải sau khi giận dỗi), đó là ý tưởng không quá tệ. EAFF quy tụ những đội bóng mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Triều Tiên và hàng loạt đối thủ yếu như Đài Bắc Trung Hoa, Guam, Hồng Kông, Ma Cao, Mông Cổ và Quần đảo Bắc Mariana.

Vấn đề ở chỗ, họ không phải cứ muốn gặp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là được. Họ sẽ phải trải qua giai đoạn vòng loại (chỉ để chọn một đội vào vòng chung kết gặp ba đội bóng kể trên). Chính vì vậy, nếu như sang EAFF, Indonesia nhiều khả năng sẽ chỉ quanh quẩn gặp các đối thủ làng nhàng. Hơn nữa, ở khu vực Đông Nam Á, họ cũng không hề thống trị, khi ở phía sau Việt Nam, Thái Lan (và phần nào đó là Malaysia). Bằng chứng là việc Indonesia không thắng nổi Việt Nam và Thái Lan trong 6 năm qua. Chính vì vậy, lý do muốn phát triển của Indonesia xem ra chỉ là lời bao biện trong lúc nóng giận.

Chia sẻ với Dân trí, nhà báo Alvino Hanafi của tờ Goal Indonesia cũng cho rằng ý tưởng rời khỏi AFF của PSSI là phi thực tế. Anh chia sẻ: "Tôi xin nhấn mạnh điều mà các bạn theo dõi được trên mạng xã hội và một vài nguồn tin không chính thống của Indonesia là không chính xác. Thực tế, đây chỉ là ý kiến của một bộ phận người hâm mộ thay vì toàn bộ giới mộ điệu Indonesia. Tất nhiên trong đó có cả tôi nữa. Quan điểm của tôi cho rằng đây là một ý tưởng phi thực tế. Và nó không có nhiều giá trị về mặt phát triển bóng đá Indonesia".

Indonesia đòi rời khỏi AFF: Cả giận mất khôn - 13

Có một vấn đề là EAFF không tổ chức các giải đấu trẻ. Họ chỉ có đúng một giải đấu là cúp Đông Á diễn ra hai năm một lần. Bởi lẽ đó, nếu gia nhập khu vực này, Indonesia không có quá nhiều điều kiện để cọ xát ở cấp độ trẻ. Đó là gốc rễ cho sự phát triển bóng đá.

Điều này từng được tờ CNN Indonesia cảnh báo: "Việc rời khỏi AFF có thể khiến bóng đá Indonesia khó phát triển hơn. EAFF không có nhiều thành viên bằng AFF. Nếu như AFF có nhiều giải đấu dành cho mọi cấp độ thì số lượng giải đấu của EAFF không lớn như vậy.

Hiện tại, AFF có ba giải đấu cấp độ trẻ là U16, U19 và U22. Trong khi đó, EAFF chỉ có một giải đấu dành cho cấp độ đội tuyển quốc gia. Liên đoàn này không hề có giải đấu dành cho lứa cầu thủ trẻ. Các đội bóng ở Liên đoàn này chỉ tham dự giải đấu trẻ châu Á, chứ không có ở cấp độ khu vực.

Chính vì vậy, Indonesia sẽ may mắn hơn nếu ở lại AFF. Điều đó sẽ giúp những cầu thủ trẻ của Indonesia có nhiều cơ hội thi đấu hơn. Vấn đề này rất quan trọng cho sự phát triển của cả nền bóng đá".

Indonesia đòi rời khỏi AFF: Cả giận mất khôn - 15

Vấn đề này cho thấy Indonesia sẽ mất nhiều hơn được khi rời khỏi AFF. Nó càng cho thấy sự vội vã, thiếu kiên nhẫn của đội bóng xứ Vạn đảo. Ở góc độ nào đó, động thái nóng vội vừa qua khiến cho Indonesia không có cảm tình ở khu vực Đông Nam Á. Những người đứng đầu AFF sẽ nghĩ thế nào nếu như một đội bóng sẵn sàng từ bỏ nơi gắn bó hàng thập kỷ, chỉ vì một phút nóng giận, cay cú. Ngay cả những người hâm mộ Việt Nam, Thái Lan hay phần còn lại ở Đông Nam Á cũng sẽ có "cái nhìn khác" về động thái của Indonesia.

Phút nóng giận qua đi, cũng là lúc mà những người làm bóng đá Indonesia nhìn nhận và đánh giá tình hình. Những dấu hiệu họ "quay xe" đã xuất hiện. Chủ tịch PSSI, Mochamad Iriawan gần đây khẳng định không có kế hoạch rời khỏi AFF, mà đó chỉ là ý tưởng từ phía CĐV. Bên cạnh đó, ông đã cử Tổng thư ký Yunus Nusi đến Singapore để làm việc trực tiếp với AFF. Nội dung của chuyến công tác này không phải là gây sức ép rời khỏi AFF, mà chỉ đơn thuần là thảo luận về những điều luật ở các giải đấu tại Đông Nam Á.

Suy cho cùng, AFF là nơi thích hợp và vừa sức với Indonesia lúc này. Điều quan trọng với Indonesia là rút ra bài học sau mỗi thất bại, chứ không phải vì một phút tức giận mà đưa ra quyết định gây bất lợi cho chính họ. Việc làm bóng đá cần sự nghiêm túc, chứ không phải là sự giận dỗi.

Indonesia đòi rời khỏi AFF: Cả giận mất khôn - 17

Nội dung: H.Long

Thiết kế: Đỗ Diệp