1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Hội chứng chẳng lo lắng xuống hạng tại V-League

(Dân trí) - Xuống hạng thì đương nhiên không ai muốn rớt rồi, vì xuống hạng thì mỗi CLB sẽ mất rất nhiều thứ. Nhưng ngặt hơn nữa, cái khó của V-League hiện nay là ở hạng dưới cũng không mấy đội muốn thăng hạng, hoặc chưa sẵn sàng cho việc đấy.

Xác suất rớt hạng quá thấp

14 đội dự V-League chỉ có 1 suất xuống hạng, tức tỷ lệ xuống hạng chỉ vào khoảng 7%. Hay nói cách khác, V-League chưa đá thì mỗi đội đã có đến khoảng 93% khả năng trụ hạng. Một thông số cho thấy “tỷ lệ chọi” quá thấp.

Thực tế trên sân cỏ V-League cho thấy một đội phải thuộc dạng kém lắm mới chịu cảnh rớt hạng. Ví như HA Gia Lai, đội bóng của bầu Đức suốt từ đầu giải mới thắng có 3 trận, trong đấy gồm 1 trận rất khó tin trước B.Bình Dương, và 1 trận khác Gỗ thắng trong điều kiện không đảm bảo an toàn cho đội khách, khi họ vượt qua Khánh Hòa ở vòng 1, còn khán giả Gia Lai đứng sát ngay bên cạnh cầu thủ… Khánh Hòa trong suốt trận.

Gỗ cũng đã thua đến trận thứ 12, từng trải qua chuỗi 11 trận không biết chiến thắng là gì. Đá 20 trận, thua 12, hòa 5 và chỉ thắng 3. Nếu ở bất cứ giải đấu nào khác, Gỗ có lẽ chẳng còn chút hy vọng nào, nhưng kỳ thực là ở V-League, cho đến giờ, hy vọng trụ hạng của đội bóng trong tay bầu Đức vẫn còn nguyên.

Vì đá ở V-League rất khó rớt hạng nên mới nẩy sinh nhiều trận đấu vô nghĩa với nhiều đội, đặc biệt là nhóm đội vừa không đủ khả năng tranh ngôi vô địch, vừa không phải lo chuyện xuống hạng.

 

congphuong-10-8-15-b083b
V-League thiếu tính cạnh tranh đến mức HA Gia Lai của Công Phượng dù thua liểng xiểng, nhưng cơ hội trụ hạng vẫn còn nguyên (ảnh: Gia Hưng)

 

 

Vì đá ở V-League khó rớt hạng, thiếu tính cạnh tranh nên người ta mới phát bực với dạng trận đấu kiểu Cần Thơ thắng Hải Phòng ở vòng 18, hay trận thắng của HA Gia Lai trước B.Bình Dương ở vòng 17. Rồi luôn cảm thấy lo cho những trận đấu giữa một bên đang khát điểm, còn bên kia đã hết động lực, như kiểu các trận Đồng Tháp – HA Gia Lai, HA Gia Lai – SL Nghệ An, hay Cần Thơ – Khánh Hòa… sắp diễn ra.

Ngặt một nỗi nữa, người ta lấy gì buộc một đội bóng vốn đã hết động lực đá với tinh thần theo kiểu một mất một còn? Đặt trường hợp V-League có tính cạnh tranh cao hơn, có lẽ những trận đấu dạng này sẽ giảm.

Ở dưới mấy ai muốn lên?

Không chỉ hạng trên thiếu tính cạnh tranh, mà hạng dưới cũng thiếu yếu tố này. Một số người hâm mộ bóng đá TPHCM trong vài ngày gần đây liên tục than phiền về thái độ của CLB TPHCM trong trận thua Đắk Lắk thuộc vòng 11 giải hạng Nhất.

Người ta bực chủ yếu vì đội bóng thành phố xài phần lớn cầu thủ dự bị trong trận đấu ấy, và nhất là lối chơi thiếu nỗ lực, dù về lý thuyết cơ hội lên V-League của CLB TPHCM là rất lớn.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đã nói đến chuyện thăng hạng thì phải nói đến tiền, trong khi với cơ chế hiện tại, CLB TPHCM tìm nguồn tiền ở đâu ra?

Doanh nghiệp thành phố thì không mặn mà nuôi bóng đá, trong khi doanh nghiệp ngoài thành phố có lẽ đã thấm thía bài học mà Xi măng Xuân Thành phải chịu: Đầu tư tốn tiền nhưng bị phản ứng ngược, thậm chí bị đánh hội đồng đến mức phải bỏ bóng đá, bỏ luôn đội Xi măng Xuân Thành Sài Gòn. Vậy thì ai dám đầu tư?

Mà không chỉ riêng CLB TPHCM, 7/8 các đội bóng dự giải hạng Nhất năm nay đều ít nhiều vướn cơ chế (mà nói đến cơ chế là nói đến nguồn tiền), khiến họ muốn thăng hạng cũng không đơn giản: CLB TPHCM, Phú Yên, Nam Định, Huế, Công An Nhân Dân, Bình Phước, Đắk Lắk đều thuộc dạng đội bóng của địa phương, hoặc của ngành.

Nói chung họ không phải đội bóng doanh nghiệp thực thụ hoặc CLB chuyên nghiệp thực thụ, nên chuyện họ không “máu” thăng hạng cũng chẳng có gì lạ.

CLB Hà Nội gần như là ngoại lệ duy nhất, hoạt động theo mô hình của một doanh nghiệp, nên họ cũng là đội khả thi nhất trong việc tìm suất thăng hạng. Nhưng ngay cả khi đội bóng thủ đô có thăng lên V-League trong mùa này, cũng chẳng qua là bị… ép phải lên, chứ chưa chắc ông bầu thực thụ của CLB Hà Nội, vốn đã sở hữu 2 – 3 đội bóng, muốn tiếp tục đổ thêm tiền để có thêm đội đá V-League.

Trên khó xuống và dưới không muốn lên, chẳng trách bóng đá nội không hấp dẫn, thiếu tính sàng lọc, trong khi biện pháp tốt nhất để tăng chất lượng giải đấu là giảm số lượng các đội không đủ tiêu chuẩn thì chẳng ai muốn làm!

Trọng Vũ

 

Hội chứng chẳng lo lắng xuống hạng tại V-League - 2