1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

HLV Miura thay đổi thói quen cho cầu thủ

(Dân trí) - Những chấn thương liên tiếp ở đội tuyển U23 Việt Nam khiến nhiều người lo hết quân đá SEA Games. Tuy nhiên, rủi ro thì ở đâu cũng có. Điều quan trọng là nếu không tập căng, thử căng thì liệu có đủ sức đá căng ở đấu trường chính?

Câu trả lời trước đây đã có ở AFF Cup 2014 và vòng loại U23 châu Á cách nay vài tháng. Hồi đấy cũng có những lời than phiền về cách thức tập căng của HLV Miura, về những trận đá thử như đá thật mà ông thầy người Nhật Bản áp dụng cho đội tuyển quốc gia ở AFF Cup 2014, và đội tuyển U23 tại vòng loại giải châu Á.

Kết quả là đội tuyển quốc gia trở thành một trong những đội bóng khỏe nhất giải Đông Nam Á cuối năm ngoái. Đội tuyển từ chỗ thường hụt hơi trước dàn cầu thủ gốc châu Âu của Philippines các năm trước đó, đến chỗ thắng đậm chính đội thủ này, khi chơi nhanh hơn họ, khỏe hơn cả họ.

Kết quả khác nằm ở chỗ những cầu thủ vốn mỏng manh của HA Gia Lai như Công Phượng, Văn Toàn đủ sức chạy tốt ở vòng loại giải châu Á. Đặc biệt là Công Phượng đủ sức kham nổi suốt 90 phút mà không có dấu hiệu hụt hơi.

Quay trở lại với chấn thương của Hoàng Thịnh sau trận đấu với U23 Hàn Quốc, khiến cầu thủ này bị gãy xương sườn, đấy thật sự là điều đáng tiếc. Chính Hoàng Thịnh cũng tiếc vì không có duyên với SEA Games.

HLV Miura thay đổi thói quen cho cầu thủ
Trước khi HLV Miura xuất hiện, cầu thủ Việt Nam làm gì đủ khả năng đua tốc độ với cầu thủ Hàn Quốc (ảnh: Gia Hưng)

Cầu thủ đang khoác áo SL Nghệ An thổ lộ rằng sở dĩ phải đá căng vì yêu cầu của HLV Miura luôn buộc các học trò đá tập như đá thật. Nhưng bản thân Hoàng Thịnh không trách thầy, mà còn xem đấy là điều bình thường mà một cầu thủ phải trải qua, nếu muốn nâng cao thể lực, cũng như nâng cao ý thức khi thi đấu.

Ý thức đấy là chuyện cầu thủ Việt Nam hầu như chỉ đủ sức chạy trong khoảng 60 – 65 phút tại V-League, khi ông Miura thổ lộ với báo giới Nhật Bản trong lần ông trả lời phỏng vấn báo Nhật cách nay ít lâu.

Đấy là cái ý thức tính chiến đấu và sự tập trung của cầu thủ Việt Nam chưa cao, ở các giải đấu quốc nội, khiến cho họ mang theo thói quen này lên đội tuyển.

Rồi HLV Miura nghĩ đến chuyện phải thay đổi cái nền tảng thể lực và ý thức khi thi đấu của cầu thủ Việt Nam. Việc thay đổi ấy là bổ sung những khiếm khuyết mà chính giải trong nước đã không thể chăm chút cho các cầu thủ.

Thói quen đá tập như đá thật là thói quen không lạ trong môi trường bóng đá đỉnh cao, nhưng lạ với bóng đá nội, vì ngay cả các trận cầu ở giải V-League cầu thủ còn “ì”, còn lười chạy, thì nói gì đến đá giao hữu. Nhưng nếu đá tập không như đá thật thì lấy gì thấy được khiếm khuyết của đội bóng, hoặc của từng cá nhân để mà sửa?

Rồi cũng tinh thần nghiêm túc trong từng buổi tập và từng trận đấu thử tạo ra tính cạnh tranh gắt gao trong đội tuyển. Đấy có lẽ cũng không phải là điều không tốt.

Dĩ nhiên, ở bất cứ sự cách tân nào cũng có những rủi ro, những cái mất bên cạnh những mặt được. Nhưng rủi ro dạng chấn thương của một hay một vài trụ cột cũng không phải là chuyện chưa hề xảy ra trong bóng đá cao. Trong khi mặt được là cầu thủ nội giờ hết “ì”, hết yếu sau mỗi đợt tập trung đội tuyển, còn các tập thể của HLV Miura dẫn dắt luôn đủ sức đá nhanh với mọi đối thủ mà chúng ta từng đụng độ! Điều đó trước thời HLV Miura, đâu phải nhà chuyên môn nào cũng làm được!

Kim Điền