DMagazine

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu

(Dân trí) - 11 quốc gia, 655 triệu dân với niềm đam mê môn thể thao vua tột bậc, nghịch lý là Đông Nam Á bị xem như vùng trũng của bóng đá thế giới và rất hiếm cầu thủ chơi bóng tại châu Âu.

11 quốc gia, 655 triệu dân với niềm đam mê tột bậc dành cho môn thể thao vua, nghịch lý là Đông Nam Á bị xem như vùng trũng của bóng đá thế giới và rất hiếm cầu thủ chơi bóng tại châu Âu.

Cho đến nay, chỉ duy nhất một gương mặt Đông Nam Á từng hiện diện tại Ngoại hạng Anh, đó là thủ thành Neil Etherridge từng khoác áo Cardiff City (2017-2020). Tuy nhiên, người gác đền đang thi đấu cho Birmingham City này không hẳn dân châu Á "gộc". Bố của Etherridge là người Anh, mẹ là người Philippines, và anh sinh trưởng hoàn toàn tại xứ sương mù, từng trải qua các học việc của Chelsea và Fulham.

Nếu tính cầu thủ mang dòng máu Đông Nam Á thì tên tuổi của Neil Etherridge chưa phải quá ghê gớm. Giovanni van Bronckhorst, cựu thủ quân đội tuyển Hà Lan, hậu vệ cánh trái lừng lẫy một thời của Arsenal hay Barcelona mang trong mình dòng máu Indonesia.

Vĩ đại hơn nữa là Paulino Alcántara, cựu tuyển thủ Philippines, huyền thoại của Barcelona. Ông là cầu thủ trẻ nhất từng ra sân và ghi bàn khi mới 15 tuổi cũng như đạt thành tích ghi 395 bàn sau 399 trận cho Los Blaugrana, kỷ lục đến 87 năm sau Lionel Messi mới có thể xô đổ.

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu - 1

Trở lại với thực tại, dù có nhiều CLB nỗ lực và cố gắng để đưa những cầu thủ Đông Nam Á sang châu Âu thử sức song kết quả thu về lại không hề như mong muốn. Đoàn Văn Hậu, hậu vệ trẻ sáng giá bậc nhất của bóng đá Việt Nam từng được trải nghiệm tại SC Heerenveen theo dạng cho mượn. Ngày đi chiêng trống rộn ràng bao nhiêu thì ngày về im hơi lặng tiếng bấy nhiêu.

Luqman Hakim, tương lai của bóng đá Malaysia, càng được hậu thuẫn mạnh mẽ hơn nhưng kết quả đến hiện tại vẫn là con số không tròn trình. Chuyện là tiền đạo sinh năm 2002 và từng lọt top 50 cầu thủ trẻ tiềm năng nhất thế giới do tờ Guardian tuyển chọn đã gia nhập K.V. Kortrijk, đội bóng đang thi đấu ở giải VĐQG Bỉ cách đây 2 năm, vào năm 2020, tức khi vừa tròn 18 tuổi.

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu - 3

Một cầu thủ trẻ như vậy đã được chơi bóng tại châu Âu, nhất là tại giải đấu có tên tuổi, hoặc sở hữu tài năng kiệt xuất, hoặc có "chống lưng". Tài năng của Luqman Hakim, như đã thể hiện tại SEA Games 31, thì chưa thể gọi là kiệt xuất. Vì vậy đáp áp là vế thứ hai: chống lưng.

Ông chủ của Kortrijk là tỷ phú người Malaysia, Vicent Tan. Chính nhà tài phiệt này đã tác động để đội bóng Bỉ phải chiêu mộ Luqman Hakim với bản hợp đồng có thời hạn tới 5 năm.

"Đó là một quyết định lớn của CLB khi trao cho cậu ấy bản hợp đồng có thời hạn 5 năm. Ban lãnh đạo cho rằng cậu ấy còn quá trẻ, nhưng với tư cách chủ sở hữu, tôi đã nói: 'Chúng ta sẽ cho cậu ấy một cơ hội'. Khi người ta trẻ, người ta có thể chạy nhanh hơn các cầu thủ lớn tuổi và có giá trị nhiều hơn", chính ông Vicent Tan thừa nhận trước truyền thông.

Chưa dừng lại, nhà tài phiệt người Malaysia còn gây áp lực lên ban huấn luyện KV Kortjik để thần đồng bóng đá nước nhà được tạo điều kiện ra sân. "Tôi đã nói với CLB rằng họ phải để cậu ấy thi đấu thay vì chỉ đơn giản cho ngồi dự bị", Vicent Tan nói. "Cậu ấy cần cơ hội để chứng minh với các HLV rằng cậu ấy đủ giỏi để thi đấu, dù chỉ là vào sân từ ghế dự bị, thậm chí chỉ 10 hay 15 phút. Nhìn xem, HLV đã đồng thuận với tôi. Với tư cách chủ sở hữu, tôi quyết định trao cơ hội cho một cầu thủ Malaysia, và CLB cần đào tạo và trao cơ hội cho cậu ấy".

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu - 6

Nhờ vậy, ngày 4/9/2020, Luqman Hakim có trận ra mắt đội một trong trận giao hữu với BX Brussels , trong đó anh ghi bàn thắng thứ hai. KV Kortrijk giành chiến thắng 2-1. Đến ngày 24/10/2020, tiền đạo này được chọn vào đội một trong trận gặp Anderlecht và có trận ra mắt chính thức sau khi vào sân thay người ở phút 74, trận đấu kết thúc với tỷ số 1-3 nghiêng về Kortrijk.

Tuy nhiên, dù được hậu thuẫn đến đâu, nếu chưa đủ năng lực thì vẫn bị thải loại. Đó là quy luật. Thực tế, trận đấu ra mắt cũng chính là trận đấu duy nhất của thần đồng bóng đá Malaysia cho Kortrijk trong vòng 2 năm qua.

Câu chuyện của Luqman Hakim khá tương đồng với câu chuyện của bộ ba cầu thủ Thái Lan từng được Man City ký hợp đồng vào năm 2007, thời điểm nửa xanh thành Manchester còn thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Thaksin Shinawatra. 3 gương mặt ấy là Teerasil Dangda, Suree Sukha và Kiatprawut Saiwaeo. Tuy nhiên, vì thứ hạng thấp trên bảng xếp hạng FIFA của đội tuyển Thái Lan, bộ ba này không đủ điều kiện cấp giấy phép lao động và thực tế chỉ khoác áo Man Xanh một lần, trong trận giao hữu với Thai League All-Stars XI.

HLV Sven-Goran Eriksson sau này đã nói về sếp cũ của mình như sau: "Ông ta (Thaksin) thực ra chẳng hiểu gì về bóng đá, chẳng biết một tí gì!".

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu - 7

Không chỉ tài năng trẻ, những ngôi sao Đông Nam Á cũng lận đận trên con đường chinh phục châu Âu. Đơn cử như trường hợp Safawi Rasid, ngôi sao hàng đầu của bóng đá Malaysia. Tiền đạo này gia nhập Porimonense SC, đội bóng góp mặt tại giải VĐQG Bồ Đào Nha, theo dạng cho mượn vào năm 2020, sau mùa giải 2019 bùng nổ nhất trong sự nghiệp với 20 bàn thắng sau 36 lần ra sân cho Johor Darul Ta'zim.

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu - 9

3 tháng chơi bóng tại Bồ Đào Nha, ngôi sao của bóng đá Malaysia chỉ có một lần ra sân cho đội… U23 Porimonense SC trước khi bị cắt hợp đồng trong bối cảnh rộ tin bị ốm và không có nhiều cơ hội ra sân. Đó là quãng thời gian vật lộn thực sự với Safawi Rasid vì trở ngại về ngôn ngữ lẫn khác biệt rất lớn về văn hóa giữa châu Âu và Đông Nam Á.

Không chỉ có những cầu thủ khu vực Đông Nam Á trải qua, những cầu thủ Trung Quốc cũng trải qua câu chuyện khó khăn tương tự. "Tết năm nay thật xám xịt. Chủ yếu là vì tôi không cảm nhận được hương vị Tết ở đây", Li Lei, ngôi sao bóng đá Trung Quốc đang khoác áo Grasshopper bộc bạch nỗi nhớ nhà trong đêm 30, thời điểm mọi gia đình đều sum vầy trên quê mẹ thì anh chỉ có đơn độc một mình. "Tôi tự mình ra ngoài tìm chỗ để ăn 30 cái bánh bao, không ăn thứ gì khác nữa".

Ngoài ra, cầu thủ chạy cánh này cũng chỉ ra sự khác biệt về môi trường tập luyện tại châu Âu so với Trung Quốc. "Ở quê nhà, ngay cả khi đang hồi phục, tôi vẫn ăn uống rất ngon miệng", anh nói. "Nhưng ở đây, sau mỗi buổi tập, mọi người đường ai nấy về. Mọi việc đều phải tự lo. Đội bóng chỉ sắp xếp một bữa ăn trước hoặc sau buổi tập. Vậy nên tôi lọ mọ đi ăn bò nước, gà, cá và salad.

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu - 11

Không chỉ Safawi Rasid mà ngay cả Nguyễn Quang Hải, ngôi sao sáng giá của bóng đá Việt Nam có lẽ cũng cảm nhận được áp lực và nỗi cô đơn. Giống như Safawi Rasid hay Li Lei, việc sang châu Âu chơi bóng là cả sự kiện rình rang đồng nghĩa Hải "con" phải gánh vác vô vàn kỳ vọng đồng nghĩa áp lực từ hàng triệu khán giả nhà.

Tuy nhiên, không mất quá nhiều thời gian, cách biệt trình độ sớm được thể hiện rõ và trên hết là sự đơn độc, cô quạnh trong môi trường hoàn toàn khác biệt. Trong màu áo Pau FC, Quang Hải đã có thời điểm được trao cơ hội, nhưng cơ hội đã vụt qua, đồng nghĩa thời gian thi đấu của anh giảm sút thấy rõ.

3 trận gần nhất của Pau FC, tiền vệ sáng tạo của bóng đá Việt Nam chỉ duy nhất một lần được tung vào sân ở 10 phút cuối trận tiếp đón Valenciennes. Điều đáng nói, thời gian thi đấu của Quang Hải giảm thì thành tích thi đấu của Pau FC lại tăng. 3 trận gần nhất thầy trò Didier Tholot thắng 2 và hòa 1. 6 vòng đấu trước đó, Hải "con" ra sân tới 270 phút, thậm chí có trận còn đá chính, nhưng không bàn thắng, không kiến tạo và Pau FC thì không thắng nổi một trận.

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu - 13

Đông Nam Á là khu vực đam mê bóng đá đặc biệt. Rhysh Roshan Rai, cựu cầu thủ Singapore lý giải: "Có rất nhiều tình yêu, rất nhiều niềm đam mê dành cho môn thể thao này ở Đông Nam Á. Và tình yêu không chỉ dành cho các đội bóng lớn tại châu Âu, tình yêu còn dành cho những đội bóng địa phương.

Scott McIntyre, cây viết bóng đá châu Á thậm chí cho rằng Đông Nam Á là khu vực hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt nhất hành tinh. "Tôi đã đi khắp thế giới để tường thuật các trận đấu và miêu tả văn hóa bóng đá, Đông Nam Á là vùng đất cuồng nhiệt nhất tôi từng chứng kiến, kể cả so với Nam Mỹ.

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu - 15

Nếu những trích dẫn trên chưa đủ làm bật sự đam mê bóng đá của người Đông Nam Á thì những số liệu thống kê sẽ phần nào chứng minh. Trước thời điểm đại dịch Covid xảy ra, trận chung kết Cúp Quốc gia Malaysia 2018 đã thu hút 85.520 người hâm mộ đến sân, nhiều hơn toàn bộ sức chứa sân Wembley.

Kỷ lục về số lượng khán giả đến sân được ghi nhận trong lịch sử bóng đá thế giới cũng do Đông Nam Á nắm giữ. Đó là chảo lửa Bung Karno của Indonesia, khi đã đón 150.000 CĐV trong cuộc chạm trán quốc nội, xin nhấn mạnh là trận đấu quốc nội chứ không phải đội tuyển quốc gia, giữa Persib Bandung đấu với PSMS Medan.

Tại Việt Nam, không chỉ Mỹ Đình kín sân mỗi khi đội tuyển Việt Nam thi đấu. Hiện tượng tương tự đã xảy ra tại Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, Gia Lai, khi đội bóng của những tỉnh, thành phố này ra sân. Rồi Thái Lan, Singapore, Myanmar, Lào, Campuchia, không quốc gia nào người dân không đam mê túc cầu một cách mãnh liệt.

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu - 17

Marc Leong, nghiên cứu sinh ngành xã hội học của Đại học Oxford Brookes nhìn nhận: "Nếu một cầu thủ Đông Nam Á chơi bóng tại châu Âu, dù chỉ là ngồi trên băng ghế dự bị, cả đất nước thậm chí khu vực như phát cuồng".

Tận dụng sức hút ấy, những nhà đầu tư, những tay môi giới đã tìm mọi cách để đưa những cầu thủ Đông Nam Á sang châu Âu chơi bóng để thu về lợi nhuận truyền thông. Cách những tỷ phú như Vicent Tan hay Thaksin Shinawatra gây sức ép để "gà nhà" được sang châu Âu thật khiên cưỡng. Cách Văn Hậu, Safawi Rasid hay kể cả Quang Hải thử sức cũng đem lại cho giới quan sát nhiều hoài nghi hơn là kỳ vọng.

Một tỷ phú giàu có và quyền lực hay một bản hợp đồng sặc mùi thương mại suy cho cùng không thể hình thành nên con đường để những cầu thủ Đông Nam Á sang châu Âu chơi bóng và định danh.

Hành trình gian nan và câu chuyện của ngôi sao Đông Nam Á tại châu Âu - 19

Căn nguyên bao trùm vấn đề xuất phát từ sự thiếu cơ cấu lẫn kinh phí phát triển bóng đá trẻ, cũng với sự thờ ơ của các đội bóng châu Âu trong việc thiết lập mạng lưới tuyển trạch tại Đông Nam Á. "Ngoài chuyện kỹ chiến thuật và thể chất mà các cầu thủ trong khu vực còn thiếu, vấn đề là những tài năng của Đông Nam Á ít được các tuyển trạch viên nhìn thấy và để ý", Rhysh Roshan Rai đưa ra quan điểm. "Khi nhìn vào cấu trúc phát triển cầu thủ trẻ, điều bắt buộc là phải mở rộng phần đáy kim tự tháp. Phải có sự sắp xếp hợp lý từ thấp lên cao. Nhưng ở một số nơi, có vẻ như xuất hiện kim tự tháp ngược".

Hoặc như Martin Lowe, cây bút của tờ Asian Football lý giải: "Các đội bóng Đông Nam Á nên học hỏi từ bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc". Những quốc gia này đã vượt lên chính mình nhờ việc tái cấu trúc nền bóng đá từ những năm 70 của thế kỷ trước, thời điểm Đông Nam Á còn là khu vực của những cường quốc bóng đá châu Á.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Tuấn Huy