1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Giải K-League của Hàn Quốc vẫn ưa chuộng cầu thủ Việt Nam

Thiện Nhân

(Dân trí) - Trong một bài viết mới đây được đăng tải trên tờ Newsis, tờ báo của Hàn Quốc cho biết giải K-League của nước này vẫn ưa chuộng cầu thủ đến từ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Hạn ngạch mới cho cầu thủ Đông Nam Á

Lý do được Newsis lý giải, đó chính là từ năm 2020, giải bóng đá nhà nghề Hàn Quốc ra quy định mới, những cầu thủ có hộ chiếu ở Đông Nam Á không bị tính là cầu thủ ngoại khi thi đấu tại giải K-League.

Trước đó, K-League từng có quy định không tính các cầu thủ thuộc châu Á (có liên đoàn bóng đá quốc gia chủ quản là thành viên của AFC) là ngoại binh khi khoác áo các CLB Hàn Quốc. 

Giải K-League của Hàn Quốc vẫn ưa chuộng cầu thủ Việt Nam - 1
Công Phượng từng có thời gian khoác áo CLB Incheon United của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, với quy định cũ, cầu thủ đến từ Việt Nam hay các quốc gia thuộc khối ASEAN vẫn phải cạnh tranh với các cầu thủ đến từ Australia, Trung Quốc, hay cầu thủ thuộc khối Ả rập nói chung, nếu họ chơi bóng tại Hàn Quốc.

Còn giờ, với quy định mới, cầu thủ Việt Nam thậm chí không cần phải cạnh tranh với cầu thủ đến từ các quốc gia có bóng đá phát triển hơn ở châu Á, mà có hẳn một khung trời riêng, theo quy định "3+1+1" hiện đang được áp dụng tại K-League (tức là mỗi CLB được dùng 3 cầu thủ ngoại + 1 cầu thủ châu Á + thêm 1 cầu thủ đến từ khối ASEAN).

Đặt trường hợp quy định mới này áp dụng sớm hơn, khả năng những tài năng của bóng đá Việt Nam từng thi đấu ở Hàn Quốc như Công Phượng và Xuân Trường đã có nhiều đất diễn hơn.

Giải K-League của Hàn Quốc vẫn ưa chuộng cầu thủ Việt Nam - 2

Xuân Trường cũng từng là thành viên của các CLB Incheon United và Gangwon (Hàn Quốc).

Tờ Newsis viết: "Năm 2016, CLB Incheon chiêu mộ Lương Xuân Trường của Việt Nam. Đây là cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên sau 30 năm, trở lại với giải K-League của Hàn Quốc. Tuy nhiên, đấy là cuộc tuyển mộ có phần khiêng cưỡng của Incheon United, bởi khi đó đội này cố gắng tìm kiếm nhà tài trợ mới, mở rộng kinh doanh ở thị trường Đông Nam Á, hơn là củng cố chuyên môn của mình".

"Một cầu thủ khác của bóng đá Việt Nam là Công Phượng đến với Incheon United vào năm 2019 cũng không khác. Anh ấy được giới thiệu bởi HLV người Hàn Quốc Park Hang Seo, đang dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Nhưng Công Phượng chỉ trụ được 4 tháng tại Incheon, chơi 8 trận cho đội này. Còn Xuân Trường trước đó chỉ đá tổng cộng 6 trận cho 2 đội Incheon United và Gangwon United" - tờ Newsis viết thêm.

Hiệu ứng Park Hang Seo với bóng đá Việt Nam

Tờ Newsis của Hàn Quốc bình luận sâu về chuyện giải K-League hiện tại muốn đánh mạnh vào thị trường cầu thủ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. 

Báo này phân tích: "Hiện tại HLV Park Hang Seo đang nổi lên là người hùng của bóng đá Việt Nam, đã đến lúc K-League nên nhắm vào thị trường Đông Nam Á với Việt Nam làm trung tâm".

Giải K-League của Hàn Quốc vẫn ưa chuộng cầu thủ Việt Nam - 3
"Hiệu ứng Park Hang Seo" có thể tiếp tục kết nối 2 nền bóng đá Việt Nam và Hàn Quốc.

"Vả lại, giải J-League của Nhật Bản đã đi trước một bước trong việc khai thác thị trường bóng đá Đông Nam Á, thu hút các nhà tài trợ từ Thái Lan, sau khi những tuyển thủ Thái Lan như Chanathip Songkrasin (khoác áo Consadole Sapporo) và Theerathon Bunmathan (Yokohama F. Marinos) chơi thăng hoa ở giải đấu này" - vẫn là bình luận của tờ Newsis, khi nhìn sang người láng giềng Nhật Bản.

Rồi tờ Newsis nhấn mạnh chuyện không thể bỏ qua thị trường bóng đá Việt Nam và Đông Nam Á: "Trên thực tế Đông Nam Á được coi là khu vực bóng đá mới với khả năng vô hạn. Khu vực này có dân số khoảng 600 triệu người, cùng nền kinh tế vào khoảng 2.000 tỷ USD. Giải AFF Cup của Đông Nam Á thu hút người xem ngoài sức tưởng tượng".

"Vả lại, từng có chuyện cầu thủ Park Ji-sung của Hàn Quốc mở đường ở giải Ngoại Hạng Anh trong màu áo CLB Machester United và thành công, đấy cũng có thể xem là điều khích lệ cho chính sách tạo hạn ngạch mới cho cầu thủ Đông Nam Á ở giải K-League" - tờ Newsis nhấn mạnh.

Thậm chí, hồi tháng 1 vừa rồi, suýt chút nữa đã có cầu thủ Việt Nam và cầu thủ Thái Lan sang Hàn Quốc thi đấu, nếu như một số đội bóng của giải K-League… chịu chi hơn.

Newsis thông tin: "Jeonbuk Hyundai được cho là đã sẵn sàng giới thiệu cầu thủ Đông Nam Á trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông, nhưng đội này đã bỏ lỡ điều này vào phút chót, do không đàm phán được giá chuyển nhượng. Phí chuyển nhượng cầu thủ Đông Nam Á cao hơn so với hình dung của họ".

"Phí chuyển nhượng và lương của cầu thủ Thái Lan ngang với cầu thủ nội tại Hàn Quốc, trong khi phí chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam cũng khá đáng kể" - Newsis viết tiếp. 

Mặc dù vậy, truyền thông Hàn Quốc hiện hiến kế cho giải bóng đá nhà nghề nước mình, trong việc vừa sử dụng cầu thủ Đông Nam Á hiệu quả, vừa sinh lợi về kinh tế.

Tờ Newsis phân tích: "Các CLB được bảo trợ ở các doanh nghiệp lớn có thể tiên phong tiến vào thị trường Đông Nam Á. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp của Hàn Quốc hiện đang được quan tâm. Đặt trường hợp Jeonbuk chiêu mộ cầu thủ Thái Lan, còn Ulsan chiêu mộ cầu thủ Việt Nam, họ sẽ tạo nên sự quan tâm về trận "derby Huyndai" cực lớn ở 2 quốc gia này, có khả năng lan rộng khắp Đông Nam Á".