1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Đội tuyển Việt Nam và con số báo động về "cơn ác mộng" VAR

H. Long
Asian Cup 2023

(Dân trí) - Đội tuyển Việt Nam thực sự gặp "cơn ác mộng" VAR trong những năm qua. Dù dưới thời HLV Park Hang Seo hay Troussier, "Những chiến binh sao vàng" luôn bị ám ảnh vì VAR.

Kể từ vòng knock-out Asian Cup 2019, công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) bắt đầu được áp dụng ở châu Á. Đội tuyển Việt Nam cũng làm quen với công nghệ này. Tuy nhiên, việc thi đấu trong điều kiện có VAR thực sự là ác mộng với đội tuyển Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam và con số báo động về cơn ác mộng VAR - 1

Thanh Bình khiến đội tuyển Việt Nam chịu phạt đền khi phạm lỗi với cầu thủ Indonesia trong vòng cấm (Ảnh: Getty).

Cụ thể, theo thống kê từ trang ASEAN Football, đội tuyển Việt Nam chỉ thắng đúng 1/14 trận đấu được áp dụng VAR. Đó là thắng lợi trước đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Còn lại, chúng ta hòa 1 trận (Nhật Bản) và thua tới 12 trận.

Chưa dừng lại ở đó, thống kê cho thấy trong 14 trận thi đấu dưới điều kiện có VAR, đội tuyển Việt Nam chịu tới 7 quả phạt đền. Mới nhất, trong trận đấu với Indonesia, Thanh Bình đã phạm lỗi với đối thủ trong vòng cấm, khiến đội nhà chịu quả phạt đền.

Tính trung bình, cứ hai trận đấu, đội tuyển Việt Nam nhận một quả phạt đền. Trong đó, có không ít quả phạt đền "vô duyên" như của Thanh Bình vừa qua. Đáng tiếc khi 6/7 quả phạt đền có tính chất định đoạt trận đấu. Trong tất cả các trận đấu bị thổi phạt đền vì VAR, "Rồng vàng" đều hứng chịu thất bại.

Bên cạnh đó, đội tuyển Việt Nam cũng phải nhận ba thẻ đỏ trong 14 trận đấu này. Chỉ tính riêng Asian Cup 2023, đoàn quân của HLV Troussier đã nhận tới hai thẻ đỏ.

Đội tuyển Việt Nam và con số báo động về cơn ác mộng VAR - 2

Đội tuyển Việt Nam nhiều lần chịu hậu quả vì VAR (Ảnh chụp màn hình).

Giải thích việc đội tuyển Việt Nam thường chịu hậu quả khi trận đấu có VAR, cựu Phó Chủ tịch chuyên môn, cựu Trưởng ban trọng tài VFF Dương Vũ Lâm cho biết: "Đầu tiên, việc này xuất phát từ khoảng cách chuyên môn giữa chúng ta với các đội bóng có trình độ quốc tế. Chuyên môn kém so với đối thủ khiến các cầu thủ dễ mất bình tĩnh.

Tôi lấy ví dụ như khi bị dẫn trước, trong thế không còn gì để mất ở trận gặp Iraq, có cảm giác rằng đội tuyển Việt Nam chơi tự tin hơn khi chúng ta đã gỡ 2-2. Nhưng sau khi gỡ hòa, toàn đội dường như để lộ tâm lý sợ thua, sợ không bảo toàn được tỷ số hòa.

Thứ hai, việc bị phạt nhiều lỗi nặng và bị phạt nhiều thẻ đỏ, cũng như phải chịu nhiều quả phạt đền đến từ thói quen của các cầu thủ ở giải trong nước.

Một ví dụ khác về tình huống kéo áo đối phương của Thanh Bình trong trận đấu với Indonesia, chúng ta xem bóng đá quốc tế hiếm khi thấy tình huống kéo áo đối thủ kéo dài và lộ liễu như vậy, lại xảy ra trong khu vực 16m50.

Đây là thói quen thôi, nhưng nếu tình huống này xảy ra ở giải V-League, có khi các trọng tài không xử lý lỗi. Hoặc khi trọng tài xử lý lỗi của cầu thủ, các đội phản ứng dữ dội ngay, vì chính họ cũng không cho rằng họ đã phạm lỗi.

Tiếp theo là pha tranh bóng dẫn đến thẻ đỏ của Khuất Văn Khang trong trận đấu Iraq. Theo tôi, cậu ấy không ác ý, nhưng vào bóng như thế thì thẻ đỏ là khó tránh khỏi. Dù vậy, đặt trường hợp tình huống này xảy ra ở giải trong nước, chưa chắc trọng tài ở V-League xử lý dứt khoát như trọng tài quốc tế".

Dòng sự kiện: Asian Cup 2023