Đội tuyển Việt Nam: Trọng tâm là AFF Cup hay vòng loại World Cup?
(Dân trí) - Trước dịch Covid-19, đây không phải là vấn đề của bóng đá Việt Nam, nhưng hiện tại hoàn cảnh đã khác, khi bóng đá nói chung đang bị dồn lịch vào thời điểm cuối năm.
Cụ thể, các đợt trận vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á, có sự góp mặt của đội tuyển Việt Nam thay vì diễn ra trong tháng 3 và tháng 6, đều đã bị dời lại, khả năng sẽ đá vào tháng 10 và tháng 11, sát với thời điểm diễn ra AFF Cup 2020.
Chính vì thế, mục tiêu kép trước đó, gồm giành vé vào vòng loại thứ 3, vòng loại cuối World Cup 2022 - khu vực châu Á, cũng như bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup của bóng đá Việt Nam trong năm nay, bỗng trở nên… xa thực tế.
Rất khó để các nhà chuyên môn và các cầu thủ giữ được sự tập trung ở 2 giải đấu chính thức liền kề nhau, mà giải nào cũng đặt chỉ tiêu cao và phải căng sức đá.
Bài học ở VCK U23 châu Á ngay đầu năm nay là một ví dụ cho chính bóng đá Việt Nam. Đội hình dự VCK U23 châu Á của chúng ta với nòng cốt là đội hình vừa vô địch SEA Games 30 ngay trước đó chưa đến 1 tháng, nhưng chính các trụ cột của đội lại thể hiện phong độ hoàn toàn trái ngược ở 2 giải đấu nói trên.
Thứ nhất là về mặt điểm rơi phong độ, rất khó cho các HLV phải tính các phương án “nhồi thể lực”, “nhả khối lượng”, đón đầu giải đấu, rồi… xả, rồi lại nhồi, lại nhả, lại chọn điểm rơi phong độ ngay lập tức cho giải đấu tiếp theo.
Chuyện quá tải là chuyện khó tránh khỏi, không chỉ quá tải về thể lực mà còn quá tải về tâm lý. Đó là tình trạng các cầu thủ cảm giác… ngán bóng đá.
Trước mỗi giải đấu lớn, đội tuyển bắt buộc phải gom quân, phải xa nhà, phải tập huấn, rồi mới bước vào thi đấu. Nhiều tháng trời liên tục như vậy, các cầu thủ dù có cố giữ sự tập trung cách mấy cũng khó tránh tình trạng hụt hơi.
Không chỉ đội tuyển U23 Việt Nam từng đối diện với tình trạng này hồi đầu năm nay, ở giải U23 châu Á, mà đội tuyển futsal Việt Nam hồi năm 2015 cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Năm đó, nòng cốt của đội tuyển futsal Việt Nam khoác áo CLB Thái Sơn Nam dự giải các CLB châu Á, tạo nên kỳ tích, giành hạng ba châu lục. Nhưng cũng với những con người ấy, khi đá giải Đông Nam Á chỉ ít tuần sau giải các CLB châu Á, lại như những “quả bóng xì hơi”, thất bại trên đất Thái Lan.
Chỉ đến khi đội hình đấy được trở về nước, có vài tháng chuẩn bị, cũng như được ở bên gia đình trong một thời gian, họ mới tìm lại chính mình, thi đấu tốt tại giải châu Á đầu năm 2016, rồi giành chiếc vé lịch sử vào VCK World Cup futsal cùng năm.
Thành ra, chuyện nên hay không nên cùng lúc căng sức ở cả vòng loại World Cup và AFF Cup 2020, là chuyện mà bóng đá Việt Nam nên tính toán thật kỹ! Bởi, tâm lý con người trong mọi lĩnh vực, nếu bị đặt trong trạng thái căng thẳng kéo dài, rất dễ dẫn đến sai lầm.
Và nếu phải chọn một trong hai, cũng nên tính đấu trường nào là tốt hơn cho chúng ta vào lúc này? AFF Cup nơi chúng ta đã 2 lần đăng quang, và sự khát khao vô địch đã được giải nhiệt đáng kể, hay vòng loại World Cup, nơi bóng đá Việt Nam cần một cộc mốc mới và cần một lời khẳng định mới cho các thế hệ tiếp theo có hướng để phấn đấu?
Ở Đông Nam Á, với các nền bóng đá đang đi theo lộ trình chuyên nghiệp thực thụ, như Thái Lan và Philippines, họ đã có câu trả lời rồi: Đó là vòng loại World Cup.
Có thể Thái Lan hay Philippines thành công, cũng có thể họ không thành công với chiến dịch vòng loại World Cup – nơi mà họ đang chịu nhiều bất lợi, nhưng để tiến lên, hoà nhập với bóng đá toàn cầu nói chung, họ đặt trọng tâm vào các giải tầm châu Á và thế giới, thay vì chăm chăm hướng vào một giải đấu tầm khu vực, lâu nay vốn chỉ là bước đệm cho các nền bóng đá Đông Nam Á tìm đường tiến ra biển lớn!
Kim Điền