Đội tuyển Thái Lan cũng từng khổ sở vì... trọng tài ở vòng loại World Cup
(Dân trí) - Ở vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á, đội tuyển Thái Lan từng rơi vào tình trạng giống đội tuyển Việt Nam hiện nay, khi phải nhận rất nhiều quả phạt đền.
Cứ gần gây sốc thì lại bị… phạt đền
Tổng cộng, qua 10 trận đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á, đội tuyển Thái Lan của HLV Kiatisuk bị phạt 4 quả 11m. Đặc biệt, cứ ở vào thời điểm mà đội bóng đất Chùa Vàng chuẩn bị gượng dậy và chuẩn bị tạo bất ngờ là họ lại bị thổi phạt đền.
Ví dụ như trong trận ra quân của Thái Lan trước Saudi Arabia ở lượt trận đầu tiên của vòng loại thứ ba, diễn ra ngày 1/9/2016, trên sân King Fahd International tại Riyadh (Saudi Arabia), Thái Lan gần như đã cầm hòa được đội bóng Ả rập.
Tỷ số hòa 0-0 kéo dài đến phút 84 của trận đấu, thì Saudi Arabia bất ngờ được hưởng phạt đền, từ đó Al Abed của đội chủ nhà sút thắng thủ môn Kawin bên phía Thái Lan, ghi bàn duy nhất giúp Saudi Arabia thắng chung cuộc 1-0.
Tình huống này giống với tính chất của trận đội tuyển Việt Nam gặp Saudi Arabia cũng tại Riyadh và cũng trong lượt trận mở màn vòng loại thứ ba. Đội bóng của HLV Park Hang Seo có thể sẽ không thua (vì đang dẫn trước 1-0), nếu như không chịu quả phạt 11m ở phút 54, kèm theo là tấm thẻ đỏ của trung vệ Duy Mạnh (thẻ vàng thứ hai, vì lỗi để bóng chạm tay trong khu cấm địa)
Sang đến trận đấu với Australia ở lượt trận thứ 5 vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á, Thái Lan gần như đã thắng Australia, trên sân nhà Rajamangala ở Bangkok (Thái Lan). Lúc đó, đội bóng của HLV Kiatisuk đang dẫn 2-1, thì bị phạt đền ở phút 65, và Australia ấn định tỷ số hòa 2-2.
Đây cũng là trận đấu mà Australia chẳng để lại đường nét nào đáng kể về mặt lối chơi, giống như cách mà đội bóng xứ Chuột túi mờ nhạt trong trận đấu trước đội tuyển Việt Nam tối 7/9 trên sân Mỹ Đình, nhưng họ tiếp tục được lợi ở các tình huống liên quan đến các quả 11m.
Đặc biệt, trận hòa Thái Lan 2-2 vào ngày 15/11/2016 trên sân Rajamangala nói trên, Australia ghi cả hai bàn thắng đều từ chấm 11m, đầu tiên là bàn mở tỷ số của Jedinak ở phút 9, tiếp đến là tình huống đá phạt đền thành công cũng của Jedinak ở phút 65.
Không có hai tình huống được hưởng phạt đền ấy, chắc chắn Australia đã thua đội bóng đất Chùa Vàng. Nhất là tình huống phạt đền thứ hai cho Australia ở phút 65, sau một pha va chạm còn không rõ ràng trong khu vực 16m50 của Thái Lan.
Đá hay vẫn chưa đủ
Thời điểm năm 2016, công nghệ video hỗ trợ trọng tài VAR chưa được sử dụng trong các giải đấu của FIFA, nên các quyết định thổi phạt đền hay không phạt đền từ phía các trọng tài nhạy cảm và gây tranh cãi hơn bây giờ.
Điểm chung vẫn là các đội chiếu dưới, như Thái Lan và Việt Nam thường chịu thiệt thòi trong các quyết định nhạy cảm như thế này, so với các đội chiếu trên, có truyền thống mạnh ở châu Á, như Saudi Arabia hay Australia.
Ngay đến nhiều tờ báo lớn trên thế giới cũng nhận định pha bóng chạm tay hậu vệ Rhyan Grant của Australia là pha bóng lẽ ra phải phạt đền
Reuters viết: "Grant hẳn đã cảm thấy nhẹ nhõm ở phút 29, khi trọng tài Abdulrahman Al Jassim (người Qatar) quyết định không cho đội chủ nhà được hưởng phạt đền, sau cú sút của Nguyễn Phong Hồng Duy trúng vào cánh tay của Grant". Chỉ có trọng tài người Qatar, ông Abdulrahman Al Jassim là không nghĩ như vậy.
Trong khi đó, trưởng Ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền bình luận về kinh nghiệm ở các tình huống mà VAR yêu cầu trọng tài xem lại băng hình: "Khi tổ VAR ra hiệu cho trọng tài chính tham khảo lại pha bóng tức là họ phát hiện thấy bóng đã chạm tay hậu vệ Australia. Việc còn lại là trọng tài chính nhận định ra sao về tình huống nói trên".
Và nhận định của trọng tài Abdulrahman Al Jassim là để Australia "thoát" quả phạt 11m, đi ngược với bình luận của Fox Sport: "Trận đấu có thể đã rất khác nếu như trọng tài sau khi xem VAR, phạt lỗi chơi bóng bằng tay của Rhyan Grant, trước khi anh này ghi bàn giúp Australia chiến thắng 15 phút sau đó".
Trường hợp của đội tuyển Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018 và đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 cho thấy, đôi khi với các đội bóng chiếu dưới, tại những sân chơi lớn, việc chơi hay trước các đối thủ mạnh không đồng nghĩa với chiến thắng.
Muốn chiến thắng, có khi các đội như Thái Lan và Việt Nam vừa phải đá hay, vừa phải cầu… may, cầu được lợi trong những quyết định nhạy cảm, từ các quyết định có thể gây tranh cãi từ phía các trọng tài!