1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Djokovic khóc nức nở sau thất bại: Cuối cùng, Nole không phải cỗ máy!

H.Long

(Dân trí) - Những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt của Djokovic sau thất bại trước Medvedev. Suy cho cùng, Nole cũng chỉ là con người, chứ không phải cỗ máy.

Djokovic bước vào trận đấu với Medvedev như thể cuộc chiến cuối cùng trong sự nghiệp. Nếu như giành chiến thắng, Nole sẽ có tất cả. Anh sẽ vượt qua Nadal và Federer để trở thành tay vợt giành nhiều Grand Slam nhất trong lịch sử và đồng thời trở thành tay vợt đầu tiên sau 52 năm thâu tóm cả 4 danh hiệu Grand Slam trong một năm.

Nhưng tất cả đã rơi xuống vực thẳm…

Djokovic khóc nức nở sau thất bại: Cuối cùng, Nole không phải cỗ máy! - 1

Djokovic đã khóc sau thất bại ở trận chung kết US Open.

Tay vợt người Serbia đã thất bại trước chính đối thủ mà anh đã đánh bại ở giải Australian Open hồi đầu năm. Dù vậy, đây là kết quả xứng đáng.

Sau trận đấu, chính Djokovic thừa nhận "không còn là chính mình" trước Medvedev. Những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt của tay vợt này.

Suy cho cùng, đó là những giọt nước mắt của cảm xúc nhất thời. Nhưng nó cũng là dấu hiệu cho thấy tay vợt này bắt đầu… mất kiểm soát. Trận thua trước Medvedev không hẳn là cú sốc dù cho Nole đã chiến thắng trong 12/14 trận chung kết Grand Slam gần nhất.

Sự mất kiểm soát của Djokovic thể hiện ngay ở việc anh đã bị bẻ game trong game đấu đầu tiên của trận đấu. Hơn một lần ở trận đấu này, tay vợt sinh năm 1987 đã "mất bình tĩnh" vì những pha đánh bóng hỏng của mình, tới mức đã đập vợt.

Chuyện Djokovic đập vợt không phải là điều hiếm nhưng giờ đây, có cảm tưởng như anh không còn kiểm soát cảm xúc tốt như trước. Trong nhiều năm qua, khi nói về kiểm soát cảm xúc và sự lỳ lợm, nếu Djokovic nhận mình là số hai thì không ai dám nhận là số một. Dù vậy, có cảm giác như mọi thứ đã bắt đầu đi chệch hướng.

Đơn cử như ở Olympic 2020 vừa qua, Djokovic chỉ lạnh lùng cho tới trận bán kết gặp Alexander Zverev. Đặc biệt ở set quyết định (khi tỷ số là 1-1), tay vợt này đã mắc rất nhiều lỗi đánh bóng hỏng trong set cuối cùng và chịu thua dễ dàng với tỷ số 1-6. Ở đó, "thứ đặc sản" là sự lỳ lợm của Nole đã tan biến.

Djokovic khóc nức nở sau thất bại: Cuối cùng, Nole không phải cỗ máy! - 2

Có cảm giác như Djokovic bắt đầu mất kiểm soát.

Trận thua này tác động rất nhiều tới tâm lý của Djokovic, bởi sau đó, anh đã tiếp tục thất bại trước Pablo Carreno Busta trong trận tranh huy chương đồng, và rồi vùng vằng bỏ luôn trận tranh huy chương ở nội dung đôi nam nữ.

Còn ở trận đấu với Medvedev, Djokovic mắc tới 38 lỗi đánh bóng hỏng (so với 31 của đối thủ), chỉ giành được 27 điểm winner (so với 38 điểm của Medvedev), giành 1 điểm break (so với 4 của Medvedev) và chỉ cứu được 50% break (so với 83% của Medvedev).

Những con số ấy cho thấy Nole thực sự "đuối" trước Medvedev. Nhưng điều nguy hiểm hơn đó chính là việc tay vợt này đã bắt đầu có dấu hiệu xuống dốc sau hàng loạt những thất bại liên tiếp vừa qua.

Chia sẻ sau trận đấu, Djokovic đã đề cập tới "sự tích tụ" về cảm xúc trong vài tháng qua, từ việc tham dự Olympic tới các giải Grand Slam liên tiếp. Chính sự tích tụ ấy đã khiến cho anh dần mất kiểm soát về mặt cảm xúc.

Djokovic đã phải chiến đấu với nhiều áp lực vô hình, như sự kỳ vọng, những kỷ lục và cả sự vươn lên của những đối thủ "thế hệ mới". Theo thống kê, Medvedev mới là tay vợt thuộc thế hệ "9x" thứ hai trong lịch sử vô địch giải Grand Slam (trước đó là Dominic Thiem ở US Open năm ngoái) nhưng đó là dấu hiệu của sự "thay máu" trong làng quần vợt.

Djokovic khóc nức nở sau thất bại: Cuối cùng, Nole không phải cỗ máy! - 3

Djokovic đã chống chịu với quá nhiều áp lực, trong đó có sự vươn lên của những tay vợt "thế hệ mới" như Medvedev.

Ở thế hệ trước, khi mà Nadal và Federer gần như tàn lụi vì chấn thương, thì Djokovic là niềm hy vọng duy nhất để chống lại sự vươn lên của "thế hệ mới".

Anh đã chiến đấu với sự lỳ lợm trước Medvedev (Australian Open), Matteo Berrettini (Wimbledon), Stefanos Tsitsipas (Ronald Garros) trong năm nay. Trong đó, 2/3 trận đấu, Nole đã phải ngược dòng.

Tuy nhiên, Djokovic đã bước sang tuổi 34 và không thể chống chịu với quá nhiều áp lực khủng khiếp mãi được. Trận thua trước tay vợt trẻ Zverev ở Olympic 2020 là dấu hiệu ban đầu chỉ ra rằng mọi thứ bắt đầu ra khỏi tầm kiểm soát.

Có thể, Djokovic vẫn sẽ giành được danh hiệu Grand Slam thứ 21 để vượt qua Nadal và Federer nhưng không dễ để anh tiếp tục thống trị làng quần vợt bởi những sự "tích tụ" ngày càng lớn, còn Nole thì ngày một già đi…