Đánh giá sức mạnh các đối thủ của U23 Việt Nam tại giải châu Á

(Dân trí) - Nằm chung bảng D với các đội UAE, CHDCND Triều Tiên và Jordan, U23 Việt Nam có cơ hội vượt qua vòng bảng của VCK giải U23 châu Á diễn ra vào đầu năm sau. Đội bóng của HLV Park Hang Seo cũng không quá xa lạ với các đối thủ trong bảng này.

Jordan chính là đội bóng mà đội tuyển Việt Nam từng đối đầu tại VCK Asian Cup và giành chiến thắng ở vòng 1/8 sau loạt đá luân lưu.

Cho dù thành phần của đội tuyển U23 Jordan tại VCK U23 châu Á sắp diễn ra sẽ không giống với thành phần đội tuyển Jordan tham dự Asian Cup đầu năm 2019, nhưng về cơ bản, trình độ chung của bóng đá Jordan so với bóng đá Việt Nam hiện nay không thay đổi nhiều, từ Asian Cup hồi đầu năm đến giờ.

Jordan vẫn mang phong cách chung của các đại diện của bóng đá Tây Á, đó là lối chơi dựa nhiều vào sức, nhưng khả năng phát triển chiến thuật trong từng trận đấu không sánh bằng các đội bóng đến từ phía Đông châu Á.

Đánh giá sức mạnh các đối thủ của U23 Việt Nam tại giải châu Á - 1
Đội tuyển Việt Nam từng thắng Jordan tại vòng 1/8 Aisan Cup 2019

Vả lại, Jordan cũng là một trong những nền bóng đá có trình độ thấp nhất trong số các đại diện của bóng đá Tây Á có mặt ở VCK U23 châu Á năm 2020, nên họ không quá vượt trội so với U23 Việt Nam.

Thi đấu với Jordan, điều quan trọng nhất là giải được bài toán thể lực, còn về khâu kỷ luật chiến thuật, cũng như tính tổ chức trong lối chơi, các đại diện của bóng đá Việt Nam tin rằng vẫn có điểm nhỉnh hơn các đại diện của bóng đá Jordan.

Trong khi đó, U23 CHDCND Triều Tiên như thường lệ là ẩn số ở các giải quốc tế, do không có nhiều thông tin về đội bóng này.

Nhưng xét trên độ tuổi, lứa cầu thủ U23 CHDCND Triều Tiên hiện nay có thể chính là lứa U19 của họ tham dự VCK giải U19 châu Á năm 2016.

Năm đó, chính thế hệ của những Quang Hải, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Huỳnh Tấn Sinh, Nguyễn Trọng Đại, thủ môn Bùi Tiến Dũng… của đội U23 Việt Nam hiện nay từng đánh bại U19 CHDCND Triều Tiên 2-1 ở vòng bảng, trước khi tạo nên kỳ tích vào bán kết giải U19 châu Á, và lấy vé dự VCK World Cup U20 năm 2017.

Còn xét trên bình diện toàn bộ nền bóng đá nói chung, bóng đá CHDCND Triều Tiên vài năm gần đây có dấu hiệu chững lại. Họ chỉ vào tứ kết Asiad 2018 (Olympic Việt Nam khi đó vào đến bán kết).

Ở vòng loại giải U23 châu Á năm nay, U23 CHDCND Triều Tiên cũng thi đấu không quá ấn tượng. Chiến thắng duy nhất của họ với cách biệt hơn 1 bàn tại vòng loại, là chiến thắng 2-0 trước Hong Kong (Trung Quốc) – đội bóng cũng không quá mạnh.

Đối thủ đáng gờm nhất của U23 Việt Nam trong bảng D – VCK U23 châu Á năm 2020, có lẽ là UAE, đại diện của nền bóng đá mà đội Olympic Việt Nam vừa thua 1-2 trong trận tranh HCĐ nội dung bóng đá nam Asiad năm 2018.

Chiến thắng đáng nhớ nhất của đội tuyển Việt Nam trước UAE là ở Asian Cup năm 2007. Năm đó, đoàn quân của HLV Alfred Riedl thắng đối thủ 2-0 tại vòng bảng, trước khi lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua vòng bảng của một kỳ giải vô địch châu Á.

UAE có lối chơi theo phong cách của các đội Tây Á, hơi giống Jordan nhưng ở trình độ cao hơn, nhờ dàn cầu thủ có kỹ thuật tốt hơn.

Và cũng thật thú vị ở chỗ, ngoài việc đối đầu nhau tại VCK U23 châu Á năm 2020, các đội tuyển Việt Nam và UAE còn nằm trong bảng G – vòng loại World Cup 2022, khu vực châu Á.

Thiện Nhân

Đánh giá sức mạnh các đối thủ của U23 Việt Nam tại giải châu Á - 2