1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

VCK U23 châu Á 2020: Những cuộc chiến kinh điển

(Dân trí) - Giải U23 châu Á 2020 đã xác định được 4 bảng đấu và nhìn tương quan chung, rõ ràng tất cả các đội bóng đều phải rất khó khăn mới có thể giành vé vào tứ kết. U23 Việt Nam dù ở bảng nhẹ cân, những thầy trò HLV Park Hang Seo không dễ dàng để đi tiếp.

VCK U23 châu Á 2020: Những cuộc chiến kinh điển - 1

VCK U23 châu Á 2020 sẽ diễn ra từ 8/1 đến 26/1/2020

16 đội bóng ở giải U23 châu Á 2020 chia làm 4 bảng, mỗi bảng 4 đội. Hai đội đầu bảng sẽ giành vé đi tiếp và giải đấu này ba đội đứng đầu sẽ giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Đội bóng thứ 4 sẽ đoạt vé, nếu U23 Nhật Bản (chủ nhà) vào đến bán kết.

Chính vì lý do đó, các đội bóng sẽ nỗ lực tối đa ở giải đấu này và tính khốc liệt sẽ cao hơn nhiều so với giải U23 châu Á 2018. Nhìn vào tương quan 4 bảng đấu, có thể thấy việc giành giật tấm vé vào tứ kết hứa hẹn vô cùng căng thẳng.

VCK U23 châu Á 2020: Những cuộc chiến kinh điển - 2

U23 Nhật Bản từng vượt qua U23 Saudi Arabia ở tứ kết Asiad 2018

Ở bảng A, chủ nhà U23 Thái Lan sẽ phải đối đầu U23 Australia, U23 Iraq và U23 Bahrain. Trong số 4 đội, U23 Bahrain bị đánh giá thấp nhất nhưng họ cũng nằm trong nhóm những nền bóng đá mạnh của Tây Á (ngang với Palestine, Oman, Syria, Lebanon, Jordan, dưới tầm Iraq, UAE, Qatar, Iran, Saudi Arabia).

U23 Australia luôn là một trong những đội bóng mạnh nhất châu Á và có sự vượt trội về nền tảng thể lực. U23 Iraq cũng là một thế lực ở các giải trẻ và họ từng vào đến chung kết năm 2016 và có suất dự Olympic Rio 2016.

Chủ nhà U23 Thái Lan cũng đặt nhiều quyết tâm, nhất là họ có ưu thế sân nhà. Họ đã thất bại toàn diện năm 2018, nhưng người Thái chơi ngang cơ các đại diện mạnh như Nhật Bản, Saudi Arabia năm 2016 nên nếu được chuẩn bị tốt, U23 Thái Lan có đủ lực để tranh suất đi tiếp cùng Iraq, Australia.

Bảng B có sự hiện diện của Nhật Bản, Saudi Arabia, Qatar và Syria. U23 Qatar và U23 Syria bị đánh giá thấp hơn hai đối thủ còn lại nhưng không đáng kể, bởi họ cũng là những nền bóng đá mạnh của Tây Á.

VCK U23 châu Á 2020: Những cuộc chiến kinh điển - 3

U23 Hàn Quốc phải rất nhọc nhằn mới đánh bại U23 Uzbekistan ở tứ kết Asiad 2018

Trong khi đó, cả U23 Nhật Bản lẫn U23 Saudi Arabia đều là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch năm nay. Do đó, cả 4 trận đấu ở bảng này đều hứa hẹn vô cùng khốc liệt, khó đoán và đội bóng nào sảy chân ngay trận đầu phải đối mặt nguy cơ bị loại.

Bảng C chứng kiện sự hiện diện của Hàn Quốc, Iran, Uzbekistan và Trung Quốc. Giống như Saudi Arabia và Nhật Bản, hai đội Hàn Quốc, Iran cũng là ứng cử viên cho chức vô địch năm nay với nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, họ được giới chuyên môn đánh giá rất cao.

U23 Uzbekistan đang là nhà vô địch giải đấu. Uzbekistan tầm đội tuyển chỉ nằm trong top 10 châu Á, nhưng ở lứa trẻ họ vẫn là thế lực lớn và đủ sức cạnh tranh ngôi vô địch. Rõ ràng nằm ở bảng đấu gồm ba ông lớn này, U23 Trung Quốc bị đánh giá rất thấp và mong manh cơ hội đi tiếp.

U23 Việt Nam nằm cùng bảng D với UAE, Jordan, Triều Tiên. Trong số này, U23 UAE là đối thủ đang ngại nhất, khi họ đã từng vượt qua đoàn quân HLV Park Hang Seo ở Asiad 2018. Jordan không phải thể lực hàng đầu ở Tây Á, nhưng họ cũng là đội bóng toàn diện và chơi chắc chắn.

VCK U23 châu Á 2020: Những cuộc chiến kinh điển - 4

U23 Việt Nam từng thua U23 UAE ở trận tranh hạng ba Asiad 2018

U23 Triều Tiên có vẻ bị đánh giá thấp nhất bởi bóng đá nước này có phần sa sút 3 năm gần đây. Tuy nhiên ở cấp độ trẻ, bất ngờ luôn có thể xảy ra và nhìn vào tương quan, thực lực của 4 đội bóng ngang nhau. U23 Việt Nam có cơ hội lớn để đứng đầu bảng, nhưng đoàn quân HLV Park Hang Seo không thể chủ quan bởi ở giải U23 châu Á 2020, không có đội bóng yếu nào như Yemen, Turkmenistan hay Philippines, Ấn Độ ở Asian Cup 2019.

Với việc tề tựu nhiều anh hào, rõ ràng các cặp đấu tứ kết hứa hẹn vô cùng khốc liệt. Ở nhánh bán kết đầu tiên (hai bảng A, B), những cuộc so tài kiểu như Nhật Bản-Australia, Nhật Bản-Iraq, Saudi Arabia-Iraq hay Qatar-Saudi Arabia đều là những trận đấu kinh điển của bóng đá châu Á.

U23 Việt Nam cũng đối mặt thử thách thực sự, nếu vào đến tứ kết (nhánh hai bảng C,D). Trong trường hợp U23 Trung Quốc không thể tạo nên bất ngờ, chúng ta sẽ phải đối diện một trong ba đối thủ Hàn Quốc, Iran, Uzbekistan. Đây là ba đội bóng trên tầm U23 Việt Nam và để có thể nghĩ đến tấm vé đến Olympic 2020, chúng ta còn cần nhiều hơn nữa “tinh thần Thường Châu 2018” để tiếp tục viết nên lịch sử.

U23 Việt Nam chung bảng với Triều Tiên, UAE và Jordan

Thùy Anh