Đại hội thường niên VFF tìm người kiếm tiền giỏi
(Dân trí) - Trong bối cảnh các nguồn thu giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, VFF rất kỳ vọng tân Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính – tài trợ sẽ phát huy được tài năng của mình.
Vấn đề được quan tâm nhất tại Đại hội thường niên VFF khoá 8 chính là cuộc bỏ phiếu bầu ghế Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính – tài trợ. Đây là vị trí để trống hơn 1 năm qua, sau khi ông Cấn Văn Nghĩa rút lui.
Thông tin từ VFF, 3 ứng viên sẽ tham gia tranh cử ở Đại hội tới gồm ông Phạm Thanh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành VFF, Trưởng ban Bóng đá nữ khoá VIII; ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Cacao Việt Nam; ông Lê Văn Thành, Ủy viên Ban chấp hành VFF, Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ VFF khoá VIII.
Trong 3 ứng viên này, mỗi người đều có những lợi thế riêng, và vì thế lá phiếu của những người bầu sẽ rất khó khăn. Theo một lãnh đạo VFF, tiêu chí của Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính – tài trợ phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tâm huyết với sự phát triển bóng đá Việt Nam; Tự nguyện và có khả năng bố trí thời gian để tham gia các hoạt động bóng đá; Hiểu biết và có kinh nghiệm trong hoạt động bóng đá hoặc hoạt động thể thao chuyên nghiệp; hoạt động tài chính, thương mại.
Bên cạnh đó, ứng viên phải có năng lực, khả năng hoạch định, xây dựng, chỉ đạo và triển khai kế hoạch nhằm huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển bóng đá Việt Nam; Có khả năng tập hợp, huy động nguồn lực tham gia tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong hoạt động bóng đá; Được các tổ chức thành viên tín nhiệm giới thiệu; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành kỷ luật…
Qua 6 tháng triển khai nhiệm vụ, BCH VFF đã tăng cường chỉ đạo đối với công tác Tài chính và Vận động tài trợ, nhằm khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có những biện pháp và giải pháp cụ thể như: Đánh giá lại giá trị các gói tài trợ và có tăng về tài chính/tài trợ phù hợp với thương hiệu, hình ảnh đội tuyển bóng đá Việt Nam; Trao đổi, chia sẻ khó khăn cùng với các đối tác tài trợ, duy trì quan hệ hợp tác tài trợ lâu dài, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đại hội sẽ thông qua việc bỏ phiếu, và cân nhắc việc bỏ phiếu trực tuyến với những thành viên không thể tham dự vì dịch Covid-19.
Liên quan đến những vấn đề khác, Đại hội thông qua việc tiếp tục ưu tiên đầu tư cho công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp Quốc gia, trong đó, tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và thi đấu; đảm bảo cho các giải đấu diễn ra thành công, theo đúng kế hoạch.
Tổ chức công tác tập huấn giám sát, trọng tài đạt chất lượng, hiệu quả, phân tích rõ, chỉ ra những thiếu sót, tồn tại tại giai đoạn 1 của mùa giải; đề ra những giải pháp cho công tác trọng tài tại giai đoạn 2 và các năm tiếp theo.
Đảm bảo công tác chuẩn bị cho đội tuyển quốc gia tham gia các trận đấu còn lại tại vòng loại World Cup 2022, Asian Cup 2023, phấn đấu bảo vệ thành công chức vô địch AFF Suzuki Cup 2020; chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 31 năm 2021 được tổ chức tại Việt Nam và hướng tới mục tiêu tham dự World Cup 2026…
Bên cạnh những mặt đã làm được thì vẫn còn một số tồn tại như: Công tác phổ biến, tuyên tuyền về luật thi đấu chưa đạt được hiệu quả tối ưu; một bộ phận HLV, cầu thủ, quan chức đội bóng chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm khi tham gia hoạt động bóng đá, tính chuyên nghiệp còn hạn chế; Công tác trọng tài còn bộc lộ khiếm khuyết trong quá trình phát triển, bồi dưỡng, đào tạo, thiếu lớp trọng tài kế cận, trọng tài có trình độ chuyên môn tốt để đáp ứng trong công tác điều hành Giải.
Một số trọng tài còn thiếu kiên quyết trong quá trình điều hành trận đấu, bỏ sót các lỗi vi phạm, gây ảnh hưởng đến kết quả một số trận đấu, tác động xấu đến hình ảnh của đội ngũ trọng tài cũng như giải đấu.