1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Cuộc chiến Sarri - Mourinho: Người “xây”, kẻ “phá”

(Dân trí) - Cuộc chiến trên băng ghế huấn luyện giữa HLV Sarri và Mourinho hôm nay chứng kiến sự đối lập hoàn toàn. Nếu HLV Sarri chủ trương xây dựng lối chơi tấn công thì Mourinho sinh ra để phá lối chơi ấy.

Khi HLV Sarri mới đặt chân tới nước Anh, người ta chỉ ấn tượng với ông với kẻ nghiện thuốc lá, với vẻ ngoài bặm trợn và một thuật ngữ khó hiểu mang tên “Sarri-ball”. Nhưng giờ đây, thuật ngữ ấy đã được nhắc tới khá nhiều trên mặt báo Anh như từ thông dụng.


Cuộc chiến giữa HLV Sarri và Mourinho hứa hẹn sẽ căng thẳng

Cuộc chiến giữa HLV Sarri và Mourinho hứa hẹn sẽ căng thẳng

Trước đây, người ta quá quen với lối chơi kiểm soát bóng của Pep Guardiola với cái tên mỹ miều tiqui-taka (gắn liền với đỉnh cao ở Barcelona). Nhìn chung, cái gốc của tiqui-taka là sự kiểm soát bóng, chuyền bóng liên tục vẫn được thể hiện ở Man City.

Cái gốc của “Sarri-ball” cũng là kiểm soát lối chơi và chuyền bóng. Ở mùa này, Chelsea đang là đội thực hiện nhiều đường chuyền nhất (5.728 đường chuyền/8 trận). Nhạc trưởng của CLB, Jorginho là người chuyền nhiều nhất với 853 đường. Còn về kiểm soát bóng, Chelsea xếp thứ 2 sau Man City với 62,7%.

Một trong những minh chứng rõ nhất về lối chơi của Chelsea chính là trận đấu với Newcastle. Họ đã kiểm soát tới 81% trận đấu (kỷ lục ở mùa giải này). Còn Jorginho thực hiện tới 173 đường chuyền.

Cái khác của “Sarri-ball” so với “tiqui-taka” nằm ở việc HLV Sarri yêu cầu các học trò phát triển bóng theo trục dọc. Jorginho là người phân phối bóng chủ yếu, còn Eden Hazard là mắt xích liên kết tất cả các vị trí trên hàng công. Đó là hai cầu thủ “xương sống”, quyết định trực tiếp tới sự sống còn trong cách vận hành lối chơi của HLV người Italia.

Nhưng cũng giống như tiqui-taka của Pep Guardiola, việc ưu tiên kiểm soát bóng khiến cho lối chơi “Sarri-ball” thường bị động trong việc chống phản công. Còn nhớ, cách đây vài vòng đấu, West Ham đã chỉ ra tử huyệt này với những pha phản công vô cùng sắc bén. Hàng thủ Chelsea dâng lên cao cũng sẽ để lộ ra những khoảng trống ở phía sau.

Chính vì điều này, người ta có thể hy vọng HLV Mourinho sẽ hóa giải “Sarri-ball” trong trận đấu đêm nay. “Người đặc biệt” sinh ra là để phá lối chơi của đối thủ và ông cũng là bậc thầy về phản công.


Fellaini có thể được sử dụng để phá lối chơi Chelsea

Fellaini có thể được sử dụng để phá lối chơi Chelsea

Khi dẫn dắt Real Madrid, HLV Mourinho từng đưa ra phát kiến tốt như việc kéo Pepe hay Sergio Ramos lên chơi tiền vệ phòng ngự để phá lối chơi đối thủ. Hay như trận gặp Chelsea mùa giải 2016/17, HLV người Bồ Đào Nha đã phái Ander Herrera bắt chết Eden Hazard và khiến đối thủ tê liệt.

Trong tay HLV Mourinho lúc này có quân bài phá lối chơi cực tốt, đó là Fellaini. Như ở trận đấu với Newcastle, chiến lược gia này đã tung Fellaini vào sân để phá lối chơi của Newcastle. Kết quả, “Chích chòe” đã không còn thể hiện được lối chơi như hiệp 1 và bị tê liệt hoàn toàn ở hiệp 2. Nhờ đó, MU mới có thể triển khai tấn công và lội ngược dòng.

Cầu thủ Matt Ritchie của Newcastle từng thừa nhận rằng sự xuất hiện của Fellaini đã khiến cục diện trận đấu thay đổi hoàn toàn. Tiền vệ người Bỉ đã cắt mọi đường bóng của Newcastle ở khu trung tuyến.

Do đó, không ngạc nhiên khi Fellaini sẽ được sử dụng ngay từ đầu trong trận đấu hôm nay. Cầu thủ này có thể dâng cao để khóa chặt Jorginho, còn Matic sẽ làm nhiệm vụ theo Eden Hazard. Đây là những nước cờ mang tính chất sống còn. Nếu thành công, HLV Mourinho hoàn toàn có thể nghĩ tới kết quả có lợi ngay trên sân Stamford Bridge.

H.Long