1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Con đường nào để CLB Hà Nội và Bình Dương đến ngôi vô địch AFC Cup 2019?

(Dân trí) - Thật ra AFC Cup 2019 không có đội quá mạnh, bởi đây chỉ là giải đấu tập hợp các đại diện của những nền bóng đá, hoặc các giải vô địch thuộc hạng hai tại châu Á. Tuy nhiên, vấn đề là giải đấu quá lê thê, đặc biệt là với các đội Đông Nam Á và Việt Nam.

Vượt qua PSM Makassar, Bình Dương gặp Hà Nội FC ở chung kết AFC Cup khu vực

Ví dụ để đến được trận chung kết toàn giải, B.Bình Dương phải trải qua 6 trận vòng bảng, 2 trận bán kết khu vực (1 trận lượt đi và 1 trận lượt về), 2 trận chung kết khu vực, 2 trận bán kết liên khu vực (với các đại diện đứng đầu các bảng đấu ở Trung Á, Nam Á và Đông Bắc Á), 2 trận chung kết liên khu vực, cộng thêm trận chung kết toàn giải nữa, tổng cộng là 15 trận.

Chuỗi 15 trận này của B.Bình Dương kéo dài từ ngày 25/2 (ngày bắt đầu vòng bảng) đến tận ngày 2/11 (ngày diễn ra trận chung kết toàn giải). Tức là về số trận, để vô địch AFC Cup 2019, B.Bình Dương phải đá nhiều hơn nửa mùa giải V-League (nửa mùa giải V-League 2019 chỉ bao gồm 13 trận), trong khi về thời gian mà họ hiện diện cũng tương đương với 1 mùa bóng tại Việt Nam: hơn 8 tháng.

Với CLB Hà Nội, do rớt xuống từ vòng sơ loại AFC Champions League, nên đội bóng đương kim vô địch V-League phải đá nhiều hơn B.Bình Dương 2 trận, nâng tổng số trận của CLB Hà Nội tại cúp châu Á lên con số 17.

Con đường nào để CLB Hà Nội và Bình Dương đến ngôi vô địch AFC Cup 2019? - 1

Để đến ngôi vô địch AFC Cup 2019, B.Bình Dương phải đá tổng cộng 15 trận, vắt qua hơn 8 tháng

AFC Cup không có đội nào quá mạnh, do chỉ gồm đại diện của những nền bóng đá hoặc các giải vô địch hạng hai tại châu Á (đại diện của các nền bóng đá hàng đầu và những giải vô địch hàng đầu đều được “tuyển thẳng” vào AFC Champions League). Tuy nhiên, vấn đề với các đội bóng Việt Nam là AFC Cup lại quá ngoằn ngoèo về lộ trình.

Sau khi đã được vòng bảng, CLB Hà Nội và B.Bình Dương phải đá thêm vòng bán kết và chung kết khu vực Đông Nam Á.

Qua được chung kết khu vực Đông Nam Á, một trong hai đại diện của bóng đá Việt Nam phải đá thêm bán kết và chung kết liên khu vực (mỗi vòng đấu thêm 2 lượt trận). Qua được chung kết liên khu vực mới đến trận chung kết toàn giải vào ngày 2/11.

Trong khi đó, các đội thuộc khu vực Trung Á, Nam Á và Đông Bắc Á không đá vòng bán kết và chung kết khu vực, xem như sẽ đá ít hơn các CLB của Đông Nam Á nói chung và của Việt Nam nói riêng 4 trận.

Các đội Tây Á lại không phải đá vòng bán kết và chung kết liên khu vực, xem như cũng đá ít hơn các CLB Việt Nam 4 trận. Cụ thể, nếu tính luôn trận chung kết toàn giải, một đội bóng ở Trung Á, Nam Á, Đông Bắc Á và Tây Á chỉ đá tổng cộng 11 trận, chứ không phải 15 trận như B.Bình Dương hay 17 trận như CLB Hà Nội.

Thật ra thì cách vài năm, bóng đá Việt Nam cũng từng được “tuyển thẳng” vào vòng bảng AFC Champions League, giống các CLB Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Australia. Nhưng cũng chính những ngày đấy, các CLB của chúng ta không coi trọng việc đá ở cúp châu Á, cứ vào giải đấu là thua 5 – 7 bàn/trận, riêng cựu vô địch V-League SHB Đà Nẵng từng có trận thua đến 0-15 tại giải vô địch châu Á cấp CLB (trước Gamba Osaka của Nhật năm 2006).

Chính vì những trận thua như thế khiến giải V-League mất điểm nghiêm trọng trong mắt AFC, trước khi các đại diện của giải đấu này dần bị đánh rớt xuống AFC Cup.

Thành ra, đối diện với quãng đường ngoằn ngoèo tại AFC Cup 2019, bản thân các CLB Việt Nam phải trách bản thân trước, trách thái độ thiếu nghiêm túc từ phía chính chúng ta ở các cúp châu Á trước đây.

Và cách tốt nhất để nâng điểm cho V-League, cho chính các CLB trong nước không gì bằng hành động thi đấu tốt tại AFC Cup nói riêng và các cúp châu Á nói chung trong thời gian tới, hòng giúp bóng đá Việt Nam, giải V-League có một vị trí tốt hơn, trước khi chúng ta nghĩ đến chuyện có đại diện vào thẳng vòng bảng AFC Champions League.

Thiện Nhân

Con đường nào để CLB Hà Nội và Bình Dương đến ngôi vô địch AFC Cup 2019? - 2