Vì sao các CLB Nhật, Hàn, Thái Lan không xuất hiện tại AFC Cup?
(Dân trí) - CLB Hà Nội và B.Bình Dương vào chơi trận chung kết khu vực Đông Nam Á của AFC Cup 2019. Thậm chí, các đại diện của Việt Nam còn có thể giành ngôi vô địch, ở giải đấu không có sự xuất hiện của các đại diện thuộc những nền bóng đá hàng đầu châu Á.
Các đại diện của bóng đá Việt Nam là CLB Hà Nội (đương kim vô địch V-League) và B.Bình Dương (đương kim giữ cúp quốc gia) vào đến trận chung kết khu vực Đông Nam Á, thuộc AFC Cup năm nay.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bóng đá Việt Nam tầm CLB đang đứng đầu Đông Nam Á. Bởi, những đội bóng mạnh nhất của Thái Lan không tham dự giải đấu này, họ được “tuyển thẳng” vào sân chơi có chất lượng cao hơn: AFC Champions League.
Bản thân CLB Hà Nội của V-League cũng từng trải qua vòng sơ loại của AFC Champions League 2019, nhưng họ sớm bị loại, và phải lùi xuống chơi ở AFC Cup.
Không chỉ không có các đội bóng Thái Lan, AFC Cup 2019 còn không có tất cả các đại diện của những nền bóng đá thuộc nhóm đầu châu Á, gồm Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc (khu vực Đông Á), Iran, Qatar, UAE, Saudi Arabia (khu vực Tây Á), Uzbekistan (khu vực Trung Á) Australia (khu vực Đông Nam Á, xét theo vị trí mà AFC sắp xếp cho bóng đá Australia, từ khi họ gia nhập AFC).
AFC xếp hạng các giải vô địch quốc gia của các nước theo chất lượng của nền bóng đá và chất lượng các giải quốc nội, những giải quốc nội có chất lượng cao sẽ có đại diện tham dự AFC Champions League.
Phần còn lại, tức là những giải vô địch quốc gia có chất lượng thấp, đại diện của những giải đấu này chỉ được tham dự AFC Cup, hoặc vòng sơ loại AFC Champions League (trường hợp của các đại diện đến từ V-League hiện nay), chứ không được vào thẳng vòng bảng AFC Champions League.
Thành ra, trên đường vào đến trận chung kết khu vực Đông Nam Á, các đội bóng thuộc V-League là CLB Hà Nội và B.Bình Dương không hề chạm trán với các CLB của Thái Lan, hay Australia.
Vào đến vòng bán kết và chung kết liên khu vực, đối thủ của CLB Hà Nội hoặc B.Bình Dương chỉ là Altyn Asyr (Turkmenistan), Dhaka Abahani (Bangladesh) hoặc April 25 (CHDCND Triều Tiên), chứ không phải các đại diện đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Uzbekistan.
Nếu qua được trận chung kết liên khu vực, CLB Hà Nội hoặc B.Bình Dương cũng chỉ phải gặp hoặc Al-Ahed (Lebanon), hoặc Al-Jazeera (Jordan) ở trận chung kết toàn giải, chứ không phải là các đội bóng của Iran, Saudi Arabia, Qatar hay UAE.
Trận chung kết lượt đi khu vực Đông Nam Á giữa B.Bình Dương và CLB Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 30 hoặc 31/7 trên sân của B.Bình Dương. Còn trận chung kết lượt về sẽ diễn ra vào ngày 6 hoặc 7/8, trên sân của CLB Hà Nội.
Đội thắng trong trận chung kết khu vực Đông Nam Á sẽ đá trận bán kết liên khu vực vào các ngày 20 và 21/8 (lượt đi), 10 và 11/9 (lượt về).
Các đội thắng ở bán kết liên khu vực, sẽ đá chung kết liên khu vực vào các ngày 25/9 (lượt đi) và 2/10 (lượt về).
Đội thắng trong trận chung kết liên khu vực sẽ đá trận chung kết toàn giải, với một đại diện của bóng đá Tây Á, vào ngày 2/11.
Thiện Nhân