Chuyên gia châu Âu nói gì về việc bóng đá Việt Nam "một mình một kiểu"?
(Dân trí) - Chia sẻ với Dân trí, người đại diện của Yaya Toure ở châu Á, ông Richard Harcus đã có quan điểm về việc giải V-League dừng thi đấu tới 4 tháng.
Để nhường chỗ cho đội tuyển Việt Nam (dự vòng loại thứ ba World Cup 2022), U23 Việt Nam (dự SEA Games, giải U23 châu Á) tập trung, giải vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) đã phải nghỉ thi đấu gần 4 tháng (chính xác là 111 ngày).
Điều đáng nói, trước khi nghỉ tới gần 4 tháng, giải V.League mới khai mạc và thi đấu được 4 vòng đấu. Phải tới tháng 7, giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam mới quay trở lại để thi đấu vòng 5.
Việc hàng trăm cầu thủ (những người không được triệu tập lên đội tuyển quốc gia hay U23 Việt Nam) phải nghỉ thi đấu trong thời gian rất dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới phong độ cũng như thể chất của họ. Đó chưa kể tới việc các CLB phải gồng mình trả lương cho các cầu thủ trong thời gian không thi đấu.
Ở mùa giải trước, CLB Than Quảng Ninh đã phải giải thể vì không chịu nổi áp lực trả lương khi giải đấu tạm hoãn trong nhiều tháng vì dịch Covid-19.
Có thể thấy, bóng đá Việt Nam đang đi "một mình một kiểu", ngược lại với xu thế chung của bóng đá thế giới. Ngoại trừ hoàn cảnh đặc biệt như dịch bệnh hay chiến tranh, rất hiếm giải vô địch quốc gia nào trên thế giới hoãn lại trong thời gian dài như vậy để nhường chỗ cho cả… giải trẻ thi đấu.
Bình luận về vấn đề này, người đại diện của Yaya Toure ở châu Á, ông Richard Harcus đã cho rằng đó là động thái hết sức vô lý. Ông chia sẻ với báo Dân trí: "Hết sức vô lý. Đây là quyết định điên rồ. Đó cũng là lý do khiến tôi mong các cầu thủ Việt Nam cần phải sớm xuất ngoại để phát triển và hoàn thiện năng lực bản thân mình hơn trong thời gian V.League vẫn đang chậm tiến như lúc này.
Sau những rắc rối vì đại dịch Covid-19 cùng sự sụp đổ của CLB Than Quảng Ninh, chúng ta lại trải qua một câu chuyện vốn chẳng hề giống bất cứ nền bóng đá nào trên thế giới. Việc V.League hoãn gần 4 tháng chỉ để nhường chỗ cho một số giải đấu theo tôi là thực sự điên rồ. Điều đó đẩy đa số các CLB, các cầu thủ vào tình thế vốn đã khó khăn lại càng bị dồn vào thế cùng cực để hy vọng gượng dậy.
Thực sự, tôi tuy là người Scotland nhưng trong thâm tâm, tôi cảm giác mình là một phần của Việt Nam nói chung và của bóng đá Việt Nam nói riêng. Gia đình tôi sống và làm việc tại Việt Nam. Vì thế, tôi luôn đau đáu và trăn trở với những gì diễn ra với bóng đá ở đất nước của các bạn. Tôi hạnh phúc với thành tích mà bóng đá Việt Nam có được. Nhưng có những điều đi ngược lại với xu hướng phát triển bóng đá hiện đại, tôi cũng muốn được lên tiếng".
Trước đó, HLV Mano Polking của đội tuyển Thái Lan cũng cảm thấy lạ lùng về cách tổ chức bóng đá ở Việt Nam. Ông chia sẻ: "Ở Thái Lan, các CLB luôn tập trung tối đa để giành danh hiệu. Việc nghỉ thi đấu quá lâu cũng không có lợi, nhất là khi nó ảnh hưởng tới nhà tài trợ và bản quyền. Không một đội bóng nào tập trung dài như đội tuyển Việt Nam. Đó là cách làm không bình thường nếu so với trên thế giới".