1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Chuyện của HLV Miura phản ánh nghịch lý của bóng đá nội

(Dân trí) - Ngay cả khi không bàn đến chuyện HLV Miura là người giỏi hay dở thì vẫn có hàng loạt bất cập xuất hiện trong cách đánh giá ông thầy người Nhật. Và phần đông những đánh giá đấy mang tính cảm tính.

Những đánh giá cảm tính

Người phản ứng HLV Miura mạnh mẽ nhất, dai dẳng nhất thật không thể tin nổi lại là phó chủ tịch (PCT) VFF Đoàn Nguyên Đức.

Chuyện không thể tin nổi ở đây là việc có lẽ không có nền bóng đá chuyên nghiệp nào trên thế giới, có chuyện một quan chức lãnh đạo liên đoàn bóng đá quốc gia lại công khai chê HLV của mình hết lần này đến lần khác, mà những phát biểu dạng đấy lại thường xuất hiện trước và trong khi đội tuyển làm nhiệm vụ quốc tế thì có tai hại không chứ!

Thậm chí, bầu Đức còn cho rằng HLV Miura là HLV tệ nhất trong lịch sử các đội tuyển. Dĩ nhiên, chẳng có bất cứ luận chứng khoa học, hoặc có bất cứ thông số cụ thể nào chứng minh HLV Miura là nhà chuyên môn tệ hại theo cách nói của bầu Đức.

 

Bất cập lớn nhất với HLV Miura là ông cô đơn ngay chính ngôi nhà của mình, khi thường xuyên phải chịu những chỉ trích từ 1 - 2 vị PCT VFF
Bất cập lớn nhất với HLV Miura là ông cô đơn ngay chính ngôi nhà của mình, khi thường xuyên phải chịu những chỉ trích từ 1 - 2 vị PCT VFF

 

Rồi so về mặt thông số tính từ thời điểm thành công nhất với HLV Calisto năm 2008 cho đến khi HLV Miura cầm quân, thành tích của HLV Miura là tốt nhất trong tất cả các đời HLV các đội tuyển trong vòng 6 – 7 năm ấy (vào bán kết AFF Cup 2014, bán kết SEA Games 2015, vào VCK U23 châu Á, qua vòng bảng Asiad 2014).

Thậm chí, ngay đến Calisto trong lần đầu cầm quân đội tuyển Việt Nam thành tích cũng không hơn HLV Miura (hạng 3 AFF Cup 2002). Phải mất đến 6 năm sau đó, khi đã quá hiểu bóng đá Việt Nam, ông Calisto mới tạo nên thành tích vô địch AFF Cup 2008.

Phát biểu của bầu Đức không dựa trên những thông số, cũng như các luận cứ khoa học, cũng đồng nghĩa phát biểu ấy chỉ đơn thuần mang tính cảm tính. Nhưng ngặt nỗi, bầu Đức cho dù nói với tư cách nào thì ông vẫn là một PCT của VFF, tức là người giữ vai trò nắm định hướng cho cả nền bóng đá, thế nên phát biểu mang nhiều tính cảm tính của ông bầu này vô hình chung cũng góp phần định hướng sai cho một bộ phận người xem, khi nhìn nhận về vị HLV người Nhật.

Làm dâu trăm họ

Tiếp sau bầu Đức, mấy ngày gần đây người ta thấy xuất hiện thêm những phát biểu khác, có tính chất tương tự từ một vị PCT khác của VFF, vốn cũng không rành về chuyên môn.

Nghịch lý nằm ở chỗ đấy, trong khi những nhà chuyên môn thực thụ như các HLV Nguyễn Thành Vinh, Hoàng Anh Tuấn, hay cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn khẳng định rằng không tính HLV Calisto, ông Miura có thành tích không thua kém bất kỳ HLV nào của đội tuyển, nhưng những người không có sở trường về chuyên môn lại quá dễ dàng xét đoán nặng về phần cảm tính.

Những phát biểu đấy vừa không giúp gì cho việc định hướng cho các đội tuyển, lại vừa dễ gây rối lòng quân, thậm chí có phần không xứng tầm với vai trò và vị trí của người phát ngôn.

Người ta cứ mãi miết chê đội tuyển của HLV Miura đá bế tắc và không phù hợp trong trận đấu với Jordan tại VCK U23 châu Á, không biết tấn công khi thua nặng nề Malaysia 1-4 trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2014.

Nhưng cũng lối chơi ấy từng mang về chiến thắng oanh liệt 4-1 trước Olympic Iran tại Asiad 2014, hay trận hòa 1-1 với nhà vô địch châu Á 2007 là đội tuyển Iraq tại vòng loại World Cup 2018 – khu vực châu Á, thì sao?

Ai bảo đội tuyển của HLV Miura không biết tấn công khi đội bóng ấy từng thắng đậm U23 Indonesia trong trận tranh hạng 3 SEA Games 2015, hoặc thắng Philippines 3-1 ở vòng bảng AFF Cup 2014 bằng một lối chơi rực lửa, trong bối cảnh mà ở 2 kỳ AFF Cup liên tiếp trước đó, kể cả dưới thời Calisto, chúng ta toàn thua Philippines?

Hoặc khi đội tuyển tiến bộ dần trong 2 trận cuối vòng bảng giải U23 châu Á vừa rồi, người ta say mê nói về vai trò của những cầu thủ HA Gia Lai trong đội tuyển U23 Việt Nam, mà không hề đá động gì đến vai trò của HLV Miura.

Bóng đá Việt Nam nặng phần cảm tính còn ở chỗ đó, bởi làm gì có chuyện một đội tuyển lúc sa sút mọi thứ đều đổ lên đầu ông HLV trưởng, nhưng khi chính đội tuyển ấy chỉ ít ngày sau đó gần như lột xác lẽ nào chỉ là nhờ công của một nhóm nhỏ cầu thủ?

Trong bối cảnh đấy, HLV Miura chẳng khác nào làm dâu trăm họ. Trong bối cảnh đấy, vị HLV người thoát sao khỏi áp lực, khi ngay chính một số người lẽ ra phải đứng bên ông, đứng bên đội tuyển lúc đội lâm trận, như một – hai ông PCT VFF, oái ăm thay lại là những người đầu tiên lên tiếng công kích ông Miura, với những phát biểu nặng phần cảm tính!

Trọng Vũ

 

Chuyện của HLV Miura phản ánh nghịch lý của bóng đá nội - 2