1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Chelsea sa thải HLV Lampard: Khi "Frankie" lao mình vào ngọn lửa...

H.Long

(Dân trí) - Việc chấp nhận làm HLV Chelsea có nghĩa rằng Lampard đã chấp nhận lao mình vào ngọn lửa luôn cháy bừng bừng. Do đó, ngày ông rời khỏi băng ghế huấn luyện Chelsea, không mấy ai ngạc nhiên...

Trước khi bước vào bài viết, hãy thử trả lời câu hỏi: Lampard có tài năng không? Câu trả lời là có! Đừng nhìn vào thành tích bết bát của Frankie trong thời gian qua (thua 5/8 trận gần nhất ở Premier League) để phủ nhận tài năng của ông.

Chelsea sa thải HLV Lampard: Khi Frankie lao mình vào ngọn lửa... - 1

Lampard bị sa thải ở Chelsea là điều tất yếu

Ở mùa giải trước, Lampard gồng gánh tập thể Chelsea đang trên đà lao dốc và bị cấm chuyển nhượng. Thế nhưng, chiến lược gia người Anh đã giúp The Blues giành vị trí trong top 4 Premier League. Sang mùa này, từng có thời điểm "Người không phổi" được ca ngợi như "người có thể mở ra chân trời mới" cho Chelsea.

Trước khi bước vào giai đoạn tối tăm vừa qua (bắt đầu từ trận thua Everton), Lampard từng giúp Chelsea giành 17 trận bất bại liên tiếp trên mọi đấu trường. Bản thân Lampard cũng là người biết cách tiếp thu những cái mới. Ông từng biến Chelsea trở nên xù xì, gai góc hơn trong giai đoạn 17 trận bất bại ấy.

Một nét mới của Chelsea dưới thời Lampard, đó là việc CLB đã biết phát huy tiềm năng của những cầu thủ trẻ. Theo thống kê, dưới thời Frankie, có 8 cầu thủ ở đội trẻ Chelsea được trao cơ hội ra sân thường xuyên gồm Mason Mount, Tammy Abraham Reece James, Billy Gilmour, Callum Hudson-Odoi hay Tomori. Trong số này, không ít người đã là trụ cột của CLB.

Có chi tiết cần nhấn mạnh, trong những năm qua, Chelsea phát triển theo mô hình chiêu mộ nhiều cầu thủ trẻ ở khắp nơi trên thế giới. Và sau đó, họ bắt đầu cho mượn. Ước tính, mỗi năm có khoảng gần 40 cầu thủ trẻ của Chelsea bị đem cho mượn theo kiểu như vậy. Những cầu thủ cho mượn thành công sẽ được sử dụng hoặc bán kiếm lời. Những người khác thì cứ sống mãi theo kiếp cho mượn (giống như Lucas Piazon). Do đó, việc HLV Lampard "dám" sử dụng nhiều cầu thủ trẻ, thực sự là điều đáng quý.

Rõ ràng, nếu chỉ kể đến đây, người ta có thể dễ dàng mường tượng ra HLV đầy tiềm năng (chứ không phải là kẻ bỏ đi như báo chí đã viết). Giả sử, nếu đặt Lampard vào CLB khác (như Man Utd chẳng hạn), có lẽ, ông có thể phát huy được tối đa tiềm năng cũng như nhận được nhiều sự kiên nhẫn hơn.

Chelsea sa thải HLV Lampard: Khi Frankie lao mình vào ngọn lửa... - 2

Chelsea phát triển theo chiến lược rất riêng. Do đó, không thể đòi hỏi sự kiên nhẫn với Lampard

Tới đây, cùng trả lời một câu hỏi khác: Chelsea có tàn nhẫn không? Câu trả lời là... không! Hẳn nhiều người sẽ bất ngờ. Thế nhưng, cần nói thêm rằng, mỗi một CLB có một triết lý riêng. Do đó, không thể chỉ trích triết lý "thay HLV như thay áo của Chelsea" bởi nó đã mang tới quá nhiều thành công trong quá khứ.

Chelsea có thể dễ dàng đuổi việc một HLV công thần như Mourinho hay cả người mới mang tới thành công rực rỡ như Di Matteo, Conte, Sarri (nếu như CLB có dấu hiệu sa sút). Bởi đơn giản, họ không gắn chặt với triết lý riêng của HLV nào, mà đi theo đường lối quản lý "từ trên cao" của ông chủ Abramovich và cánh tay phải "bà đầm thép" Marina Granovskaia.

Có nghĩa rằng, Chelsea có thể thay đổi HLV liên tục nhưng không xa rời triết lý của CLB. Ở khía cạnh khác, việc thay đổi HLV liên tục cũng giúp The Blues luôn tìm được nét mới, thay vì gắn chặt với triết lý của HLV cố định. Do đó, không nên chỉ trích sự thiếu kiên nhẫn của ông chủ Abramovich và cũng đừng dậy tỷ phú tiêu tiền. Bởi nếu xét trên góc độ kinh tế, không đạt hiệu quả như ý đương nhiên là thất bại. Và khi một chi tiết hỏng hóc đương nhiên cần sự thay thế. Abramovich có thể làm tất cả những gì ông thích, miễn là đảm bảo thành công và lợi nhuận.

Do đó, không nên so sánh Chelsea với Man Utd, Liverpool... những CLB giàu truyền thống. Cách làm bóng đá của Chelsea đại diện cho thời đại kim tiền. Không ít CLB (điển hình là PSG) đã phải học theo mô hình phát triển này.

Chelsea sa thải HLV Lampard: Khi Frankie lao mình vào ngọn lửa... - 3

Lampard vẫn còn khá non trong cách quản trị, xây dựng sự đoàn kết trong phòng thay đồ. Do đó, khi "con tàu" Chelsea khi chệch hướng thì rất khó để đưa nó trở lại

Vậy tại sao Lampard sa thải?

Hãy nhìn nhận vào thực tế. Ở mùa giải trước, khi Chelsea không tiêu tiền, việc giành vị trí thứ 4 Premier League có thể xem là thành công. Nhưng ở mùa này, khi Chelsea chấp nhận vung 230 triệu bảng thì sự kỳ vọng làm Lampard đã khác. Hay nói cách khác, sau khi được đầu tiên khoản tiền như vậy, Frankie đã phải "chấp nhận luật chơi" của ông chủ Abramovich. Ông chẳng khác nào lao mình vào ngọn lửa. Một là tìm thấy thành công hay là thất bại. Không có lựa chọn nào khác!

Vấn đề này đã được chuyên gia Jamie Redknapp chỉ ra hồi đầu mùa giải: "Mùa giải đầu có thể xem là tuyệt vời với Lampard nhưng sau khi nhận núi tiền đầu tư, ông ấy có thể chịu áp lưc lớn hơn rất nhiều".

Nhưng có chi tiết mà báo chí Anh chỉ ra rằng chỉ có 2 tân binh mà Chelsea chiêu mộ trong mùa Hè qua là theo ý của Lampard, đó là Ben Chilwell và Ziyech (nhưng vẫn muộn 6 tháng so với yêu cầu). Những người còn lại đều do Ban lãnh đạo Chelsea tự mua và ép Lampard dùng. Trong khi đó, đề nghị mua Declan Rice đã bị gạt phắt.

Thực tế, quyền lực của "bà đầm thép" Marina Granovskaia ở Chelsea là rất lớn. Bởi trong những năm qua, bà gần như quyết định toàn bộ vấn đề chuyển nhượng của CLB. Những HLV trước đó như Mourinho, Conte, Sarri đều không có quyền lựa chọn. Lampard đương nhiên không phải trường hợp ngoại lệ. Chính điều này đã nảy sinh mâu thuẫn giữa Lampard và Marina Granovskaia.

Việc Timo Werner hay Kai Havertz thất bại ở Chelsea không hoàn toàn do lỗi của Lampard. Theo thống kê, Chelsea là CLB tạo ra nhiều cơ hội thứ 3 ở Premier League mùa này (chỉ sau Man City và Liverpool) nhưng lại chỉ xếp thứ 16 trong việc tận dụng cơ hội. Có chăng, nếu trách Lampard thì là do ông chưa biết cách thúc đẩy tâm lý của những ngôi sao.

Chelsea sa thải HLV Lampard: Khi Frankie lao mình vào ngọn lửa... - 4

Cánh tay phải của ông chủ Abramovich, Marina Granovskaia mới là người quyết định vấn đề mua sắm ở Chelsea, chứ không phải làm HLV trưởng

Việc quản lý kém trong phòng thay đồ được xem là điểm yếu lớn nhất của HLV ít kinh nghiệm như Lampard. Marcos Alonso từng thẳng thừng vô lễ với HLV trưởng CLB vì không được thi đấu. Thậm chí, sau khi Lampard bị sa thải, cậu học trò Drinkwater còn ăn mừng trên mạng xã hội.

Chính vì không thể thúc đẩy tâm lý của các học trò và có quá nhiều thành phần "nổi loạn" khiến Lampard không thể kìm hãm được sự sa sút của Chelsea khi CLB đi chệch hướng. Những trận thua nối tiếp những trận thua là điều tất yếu.  

Nhìn chung, tài năng của HLV Lampard có thể phát huy ở một môi trường khác (lành hơn so với Chelsea) với sự kiên nhẫn cao hơn. Nhiều người cho rằng nếu đặt vào trong hoàn cảnh của Lampard thì Solskjaer đã bị sa thải không dưới một lần, chứ không phải là có thời gian vực dậy Man Utd.

Có lẽ, lúc này, những người hâm mộ đang chờ đợi Lampard tái xuất ở CLB khác, với triển vọng hứa hẹn hơn.