1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Câu chuyện bữa ăn và chế độ dinh dưỡng với vận động viên Việt Nam

Kim Anh

(Dân trí) - Sau vụ lùm xùm liên quan đến chuyện "bữa ăn 800.000 đồng" ở tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, dư luận rất quan tâm tới đời sống, chuyện ăn uống, dinh dưỡng của các VĐV Việt Nam ở các môn, các trung tâm.

Theo thông tư 86 của Bộ Tài chính quy định về chế độ dinh dưỡng đặc thù với vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021: VĐV đội tuyển quốc gia và trẻ quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng 320.000 đồng/người/ngày.

Đây là chế độ dinh dưỡng trong thời gian các đội tuyển tập luyện bình thường, còn trước mỗi giải đấu lớn, đặc biệt là SEA Games, Asiad hay Olympic, mức tiền ăn được tăng cao hơn nhằm giúp các VĐV có điều kiện tốt nhất để tập luyện, thi đấu đạt thành tích cao.

Theo chế độ đang được áp dụng, các VĐV được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự SEA Games, Asiad, Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 480.000 đồng/người/ngày trong thời gian không quá 90 ngày.

Câu chuyện bữa ăn và chế độ dinh dưỡng với vận động viên Việt Nam - 1

Các vận động viên tham dự Asiad được hưởng chế độ 480.000đ/người/ngay (Ảnh: Quý Lượng).

Với VĐV được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia và có khả năng HCV Asiad, Olympic trẻ, có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.

Danh sách các VĐV trọng điểm này sẽ được các bộ môn rà soát, trình Cục Thể dục Thể thao ký, và được áp dụng từng giai đoạn cụ thể, không tính cho cả năm. Kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng cho VĐV được lấy từ ngân sách nhà nước cấp cho ngành thể thao hằng năm.

Dù mức tiền ăn trên (tối thiểu là 320.000 đồng/ngày, cao nhất là 640.000 đồng/ngày), nhưng theo tìm hiểu, hầu hết các VĐV ở các trung tâm, các đội tuyển… đều không thực sự hài lòng với chuyện ăn uống.

Một VĐV (giấu tên) cho biết, mỗi bữa ăn ở trung tâm không đến nỗi ít về số lượng và thiếu về chất, nhưng ít có sự thay đổi món, dẫn đến ăn không ngon.

Thực tế, có một nghịch lý là việc áp dụng chế độ tiền ăn cho VĐV ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia hiện nay cũng thiếu sự linh hoạt. Có những môn không cần quá nhiều về lượng như bắn súng, cờ vua, cờ tướng…thì thừa đồ ăn, nhưng với những môn đòi hỏi vận động nhiều, cần một lượng dinh dưỡng lớn phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu như điền kinh, cử tạ, vật, bơi… lại trong tình trạng… đói.

Ngoài các bữa ăn, VĐV cũng được cung cấp thêm thuốc bổ, thực phẩm bổ sung, nước uống… nhưng tất cả vẫn chỉ được sử dụng trong khoản tiền theo quy định. Những ai muốn mua thêm đồ ăn tốt phải tự bỏ tiền cá nhân.

Đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc khi các VĐV Việt Nam ra ngoài trung tâm hoặc nơi tập luyện để mua đồ ăn dẫn đến dính chất cấm.

"Có những môn tập rất nặng, nên ăn theo tiêu chuẩn cũng không bù lại được. Còn mua thực phẩm ở ngoài thì sợ bị doping", một VĐV thừa nhận.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, thì hầu hết các trung tâm đều thiếu hoặc không có bể bơi, bể sục bể ngâm đá hồi phục cơ….

Chuyên gia thể lực và chuyên gia dinh dưỡng riêng cho các đội tuyển chưa có, nên các HLV cũng phải kiêm thêm việc này. Chẳng hạn như mới đây, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thi đấu giải AVC Challenge Cup 2023 nhưng không có bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng đi cùng. Các đội tuyển cử tạ, bơi, điền kinh… khi tập huấn ở nước ngoài cũng không có chuyên gia dinh dưỡng, tự phải lo cho nhau.

Ngay cả ở Asiad 19, cả đoàn thể thao Việt Nam cũng chỉ có vài bác sĩ và bộ phận hậu cần, trong khi số lượng các HLV, VĐV lên tới hàng trăm người.

Câu chuyện bữa ăn và chế độ dinh dưỡng với vận động viên Việt Nam - 2

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam không có chuyên gia dinh dưỡng đi cùng ở các giải đấu lớn (Ảnh: Quý Lượng).

Đó là chưa kể ở các quốc gia có nền thể thao phát triển, ngoài bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia thể lực là bắt buộc, còn có cả chuyên gia tâm lý, chuyên gia phân tích dữ liệu…

Hiện nay, ngoài bóng đá, rất ít môn thể thao thuê được chuyên gia thể lực, dinh dưỡng để giúp các VĐV có điều kiện tập luyện, thi đấu tốt nhất. Đây là vấn đề không mới bởi phụ thuộc vào ngân sách, kinh phí. Ngoài bóng đá, hầu hết các Liên đoàn khác đều không làm tốt về xã hội hóa, tự chủ được tài chính, nên có thì tốt mà không có đành phải chịu.

"Công tác nghiên cứu khoa học, về dinh dưỡng là vô cùng quan trọng trong thể thao và chúng ta đã và đang thực hiện điều này. Tuy nhiên, tất cả cũng phải phụ thuộc theo nguồn lực. Chúng tôi luôn muốn những sự đầu tư tốt nhất cho các HLV, VĐV thể thao", một lãnh đạo ngành thể thao trăn trở.