Bữa ăn của vận động viên thế giới: Kỹ đến từng chi tiết

Trọng Vũ

(Dân trí) - Ở các kỳ đại hội thể thao, từ Olympic, Asiad cho đến SEA Games, bữa ăn của các vận động viên (VĐV) luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với những nhà tổ chức và lãnh đạo các đoàn.

Bữa ăn của vận động viên được quan tâm đặc biệt

Theo nghiên cứu của học viện thể thao NSWIS (Australia), bữa ăn dành cho VĐV rất quan trọng, phải đầy đủ về thành phần dinh dưỡng, cũng như phải đa dạng về mặt khẩu phần, để tránh VĐV bị ngán món ăn.

Theo NSWIS, bữa ăn dành cho VĐV phải gồm đủ chất đạm (protein), tinh bột (bánh mì, cơm), chất xơ (các loại rau, củ, quả…), các loại thức ăn tốt cho men tiêu hóa (sữa chua). Các loại thức ăn này được chia làm nhiều bữa khác nhau.

Bữa ăn của vận động viên thế giới: Kỹ đến từng chi tiết - 1

Bữa trưa của một VĐV người Á Đông tại Olympic Tokyo 2020, gồm thịt, tinh bột, bơ, rau, củ và các loại đậu (Ảnh: Telegraph).

Ngoài 3 bữa ăn chính gồm bữa sáng (thường có trứng, phô mai, nước ép trái cây), bữa trưa (bánh mì, cơm, các loại thịt, cá, rau…) và buổi tối (thịt nướng, mì, các loại đậu, bánh…), VĐV khi đang trong quá trình chuẩn bị thi đấu và thi đấu, còn ăn thêm 2 bữa ăn phụ, gồm bữa xế chiều và bữa sau buổi tối (các món ăn nhẹ).

Với phương châm VĐV không thể thi đấu tốt nếu ăn không ngon, ngủ không yên, chế độ dinh dưỡng của họ luôn được chăm sóc rất kỹ trước và trong các giải quốc tế.

Tại Olympic Tokyo 2020 (thực chất diễn ra năm 2021), quốc gia chủ nhà Nhật Bản chuẩn bị thực đơn lên đến… 700 món ăn cho các đoàn quốc tế. Sở dĩ có nhiều món như vậy để phục vụ cho VĐV đến từ các quốc gia khác nhau, những nền văn hóa khác nhau, tôn giáo khác nhau.

Bữa ăn của vận động viên thế giới: Kỹ đến từng chi tiết - 2

Món ăn dành cho các VĐV Hàn Quốc tại Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: Nippon.com).

Ví dụ như người phương Đông ăn uống khác với người phương Tây, người theo đạo Thiên Chúa có khẩu phần ăn khác với VĐV đến từ các quốc gia theo đạo Hồi (các quốc gia Tây Á), đạo Hindu (Ấn Độ).

700 món ăn tại làng VĐV Olympic Tokyo 2020 dĩ nhiên có đầy đủ các loại thịt (bò, heo), hải sản (tôm, cá, mực). Các loại thịt này được chế biến theo những cách khác nhau (nướng, chiên, hấp…), ăn kèm với bánh mì, rau củ, quả.

Đấy là khẩu phần ăn chính, các món ăn phụ có thêm các loại bánh, kem, sữa chua, nước ép trái cây, vừa giúp cho các VĐV tráng miệng, vừa giúp họ đỡ ngán, lại tăng cường yếu tố dinh dưỡng.

Ngay đến SEA Games 32 vừa rồi, dù ở quy mô nhỏ hơn, nhưng quốc gia chủ nhà Campuchia cũng chuẩn bị chu đáo về chuyện dinh dưỡng cho các VĐV tranh tài tại Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Bữa ăn của vận động viên thế giới: Kỹ đến từng chi tiết - 3

Thực đơn của các VĐV tại SEA Games 32, có thịt đỏ (bò), thịt trắng (gà), rau củ... (Ảnh: Vũ Giang).

Bên trong nhà ăn thuộc làng VĐV SEA Games 32 hồi tháng 5, mỗi bữa, các VĐV được cung cấp thực đơn dưới dạng buffet (tự chọn) gồm thịt bò, gà, các loại rau củ. Về tinh bột, quốc gia chủ nhà phục vụ các VĐV cơm, bánh mì.

Ngoài ra, do đặc thù SEA Games được tổ chức tại Đông Nam Á, dành cho các quốc gia Đông Nam Á, nên những món như hủ tiếu, bún các loại cũng xuất hiện trong thực đơn tại làng VĐV.

Về các món tráng miệng, Ban tổ chức SEA Games 32 cung cấp không khác gì các bữa ăn tại Olympic, tức có trái cây, nước ép trái cây, sữa, sữa chua, bánh ngọt…

Chuyện bữa ăn cho VĐV là hình ảnh của quốc gia chủ nhà

Tại Asiad 19 đang diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), quốc gia chủ nhà tự hào cho biết: "Khu vực nhà ăn dành cho các VĐV có nhiều món ăn nóng sốt, rất đa dạng".

Bữa ăn của vận động viên thế giới: Kỹ đến từng chi tiết - 4

Các loại nước ép trái cây được cung cấp cho VĐV tại SEA Games 32 ở Campuchia (Ảnh: Vũ Giang).

"Chúng tôi cung cấp món ăn truyền thống Trung Quốc, món ăn truyền thống Hàng Châu. Ngoài ra, các VĐV còn có thể lựa chọn thực đơn theo kiểu Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Triều Tiên…), kiểu tiểu lục địa Nam Á (các quốc gia Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka…), thực phẩm kiểu Ả rập và Trung Đông (Saudi Arabia, Iran, Lebanon, UAE…).

"Thực đơn có tính đến nhiều yếu tố khác nhau như an toàn thực phẩm, kiểm soát chống doping và yêu cầu dinh dưỡng. Nó còn được thiết kế để đáp ứng thói quen ăn kiêng đa dạng và nhu cầu dinh dưỡng của các VĐV đến từ khắp nơi", Ban tổ chức Asiad 19 tự tin tuyên bố.

Chưa hết, Ban tổ chức Asiad 19 tại Hàng Châu còn cung cấp 6 món ăn đặc trưng của địa phương, giới thiệu đến các đoàn thể thao. 6 món này gồm thịt Dongpo truyền thống, canh cá nấu kiểu thời Nam Tống (Hàng Châu từng là kinh đô của nhà Nam Tống ở Trung Quốc), tôm xào, thịt bò kiểu Bắc Kinh với hành lá, sườn non nấu với tỏi và thịt heo xào.

Bữa ăn của vận động viên thế giới: Kỹ đến từng chi tiết - 5

Các món ăn đặc trưng địa phương được Ban tổ chức Asiad 19 cung cấp thêm cho các VĐV dự Á vận hội.

Tất cả những điều trên cho thấy mọi quốc gia luôn coi trọng khâu ăn, nghỉ của các VĐV. Ngoài thực đơn chung, các đoàn, các đội thể thao nếu có ý thức còn chuẩn bị thực đơn riêng cho từng nội dung thi đấu và từng VĐV chuyên biệt, ví dụ như VĐV bơi và chạy cự ly ngắn sẽ ăn nhiều đạm (tôm, thịt bò) hơn so với VĐV chạy cự ly dài, đường trường.

Thậm chí, với một số đoàn và một số đội tuyển, ngoài thực đơn chung do Ban tổ chức chủ nhà cung cấp, để giúp cho VĐV của mình vơi bớt nổi nhớ quê hương, các trưởng đoàn, HLV còn có ý thức mang thêm thực phẩm từ quê nhà sang.

Ví dụ như tại SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam, trưởng đoàn Madam Pang của U23 Thái Lan (đóng quân tại Nam Định) khi đó thường xuyên gửi các thức ăn đậm chất Thái đến cho các cầu thủ, để họ đỡ ngán đồ ăn địa phương.