Cạm bẫy khôn lường với tuyển Việt Nam khi gặp Singapore
(Dân trí) - Lối chơi của Singapore không có gì đặc biệt nhưng họ vẫn được đánh giá là đối thủ khó chịu và có thể mang tới khó khăn lớn cho đội tuyển Việt Nam.
Singapore không được đánh giá cao trước khi bước vào AFF Cup 2024. Họ tham dự giải đấu mà không có sự phục vụ của ba anh em nhà Fandi là Irfan, Ikhsan và Ilhan vì CLB không nhả người. Cần nói thêm rằng, trong vài năm qua, Singapore phụ thuộc khá lớn vào anh em nhà Fandi từ cấp độ giải trẻ tới đội tuyển quốc gia.
Chính vì lẽ đó, việc không có sự phục vụ của ba cầu thủ này tạo ra thiếu hụt nhất định với HLV Tsutomu Ogura. Ông phải xây dựng lại bộ khung mới. Trong đó, vai trò sáng tạo được đặt vào đôi chân của cầu thủ nhập tịch người Nhật Bản, Kyoga Nakamura. Tiền vệ sinh năm 1996 đóng vai trò điều tiết lối chơi của Singapore.
Thực tế, đội hình ra sân của đội tuyển Singapore khá dễ đoán khi họ không có nhiều gương mặt chất lượng. Chân sút 33 tuổi Shawal Anuar được sử dụng trong vai trò tiền đạo cắm. Faris Ramli và Glenn Kweh sẽ đóng vai trò chạy cánh.
Về bản chất, HLV Tsutomu Ogura muốn xây dựng lối chơi bóng ngắn, phát triển từ sân nhà ở đội tuyển Singapore, giống như đội tuyển Nhật Bản áp dụng. Thế nhưng, Singapore không có con người chất lượng để thực hiện lối chơi. Trong ba trận đấu ở vòng bảng, đội bóng ở đảo quốc sư tử chỉ thực sự chơi như vậy trong trận đấu với Timor Leste.
Còn ba trận gặp Campuchia, Thái Lan và Malaysia, Singapore thu mình chơi phòng ngự xù xì theo đúng cách quen thuộc.
Họ chấp nhận "cam chịu" thi đấu với tâm lý chiếu dưới để chờ thời. Singapore thi đấu với số đông cầu thủ "dựng xe buýt" trước khung thành. Thậm chí, đoàn quân của HLV Tsutomu Ogura không ngần ngại "chém đinh chặt sắt" để ngăn chặn đối thủ.
Thống kê cho thấy, Singapore là một trong những đội bóng chơi xấu xí nhất ở AFF Cup 2024. Họ phạm lỗi tới 51 lần trong 4 trận đấu ở vòng bảng, chỉ có Indonesia (52 lỗi) và Philippines (54 lỗi) nhiều hơn thế. Ngoài ra, Singapore còn phải nhận tới 9 thẻ vàng, chỉ kém duy nhất Philippines (10 thẻ vàng).
Nói vậy để hình dung ra cách Singapore "đón tiếp" đội tuyển Việt Nam như thế nào. Họ sẽ bố trí hàng phòng ngự số đông, để bịt mọi đường vào khung thành. Ở vòng bảng, "Rồng vàng" đã gặp rất nhiều khó khăn khi đối diện với hàng thủ số đông như vậy tới từ Lào hay Philippines.
Công bằng mà nói, từ trước khi Xuân Son xuất hiện, đội tuyển Việt Nam thi đấu không quá nét. Lối chơi của chúng ta thiếu tốc độ, sự biến hóa nên không dễ đối phó với hàng thủ tổ chức tốt. Bên cạnh đó, "Những chiến binh sao vàng" còn có thói quen khởi đầu khá chậm khi không thể ghi bàn thắng nào ở hiệp 1 trong cả 4 trận đấu ở vòng bảng.
Với sự xuất hiện của Xuân Son, đội tuyển Việt Nam đã cải thiện khá nhiều khả năng tấn công. Nhưng nên nhớ, ở trận đấu bán kết, tiền đạo nhập tịch này đã không còn yếu tố bất ngờ. Hơn nữa, anh sẽ phải đối diện với hàng thủ có thể lực rất tốt của Singapore.
Trong thế trận phòng ngự, Singapore rất thích "chộp giật" ở tuyến trên để tạo nên sự khác biệt. Thậm chí, họ thường chọn lối chơi "phủ đầu" để giành lợi thế. Có tới 4/7 bàn thắng của Singapore ở vòng bảng diễn ra trong hiệp 1.
Đơn cử như trận đấu với Thái Lan, Singapore đã sử dụng hai tình huống bóng dài cho Faris Ramli và Shawal Anuar dùng tốc độ và khả năng sút xa tốt để dẫn trước đối thủ tới 2 bàn. Rất may, Thái Lan với đội hình đẳng cấp cao đã ngược dòng thắng lại 4-2. Hay như ở trận gặp Campuchia, Singapore đã tận dụng rất tốt hai sai lầm của thủ môn đối phương để giành chiến thắng.
Có thể nói, Singapore sẽ mang tới rất nhiều cạm bẫy cho đội tuyển Việt Nam. Đội hình không quá chất lượng đã tạo nên sự nguy hiểm của đội bóng này. Singapore rất hay có bàn thắng ở thời điểm đối phương thiếu tập trung.
Hẳn đội tuyển Việt Nam không thể nào quên được thất bại ở chung kết Tiger Cup 1998 trước Singapore. Chúng ta chiếm lĩnh trận đấu nhưng cuối cùng lại chịu thất bại vì cái lưng của Sasi Kumar.
Chính vì lẽ đó, đội bóng của HLV Kim Sang Sik cần rất tập trung và tránh rơi vào tâm lý sốt ruột nếu không muốn nhận "cái chết bất ngờ" tới từ Singapore.