Các giải siêu marathon quốc tế làm gì để tránh rủi ro cho vận động viên?

Trọng Vũ

(Dân trí) - Ultra marathon (siêu marathon) là đường đua đầy khắc nghiệt. Các vận động viên (VĐV) ngày càng tham gia nhiều hơn với các giải ultra marathon, nhưng đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt hơn.

Ví dụ như tại giải Phuket (Thái Lan) 100k Ultra Marathon diễn ra đầu tháng 3 vừa rồi, nơi hai VĐV Việt Nam gồm Nguyễn Văn Long và Lại Thị Xuân Hương vô địch các nội dung 100km nam và nữ, đường đua khắc nghiệt, nhưng vẫn có các điểm "mở" để đảm bảo sức khỏe cho VĐV.

Chẳng hạn như ở cự ly 100km, cự ly dài nhất của giải đấu tại đảo Phuket, các VĐV tham dự không nhất thiết phải hoàn tất toàn bộ lộ trình, nếu họ cảm thấy không đủ sức.

Các giải siêu marathon quốc tế làm gì để tránh rủi ro cho vận động viên? - 1

Nguyễn Văn Long vô địch giải Phuket 100k Ultra Marathon 2024.

Các VĐV khi tham gia giải có thể bỏ cuộc bất cứ khi nào họ cảm giác không ổn trên đường chạy. Người bỏ cuộc không bị xử phạt hoặc bị trừ điểm ở các giải đấu khác có liên quan.

Đấy chính là lý do mà số người dừng cuộc chơi ở các mốc 70km, 80km, 90km, thậm chí 94km (tức sắp về đích) ở Phuket 100k Ultra Marathon không hiếm. Nhưng đấy không phải là vấn đề với những nhà tổ chức. 

Giải Sundown Marathon diễn ra ở đảo quốc Singapore, với cự ly dài nhất 84,39 km (gấp đôi cự ly marathon thông thường). Trước khi tham dự giải đấu này, các VĐV được khuyến cáo tác hại của những rủi ro trên đường chạy siêu dài, chứ không chỉ là những lời giới thiệu nói tốt về giải, hoặc chỉ nói về lợi ích của việc chạy bộ.

Ban tổ chức (BTC) Sundown Marathon ở Singapore khuyến cáo: "Những rủi ro về sức khỏe liên quan đến việc chạy đường dài bao gồm có chấn thương, mất nước nghiêm trọng, mất cân bằng điện giải. Thậm chí, các VĐV có thể tử vong trong quá trình tham dự giải đấu".

Các giải siêu marathon quốc tế làm gì để tránh rủi ro cho vận động viên? - 2

Các giải ultra marathon rất khắc nghiệt (Ảnh: Getty).

Dù khuyến cáo này có vẻ hơi thừa, vì ai cũng biết, nhưng khác với hầu hết các giải đấu ở Việt Nam, Ban tổ chức (BTC) chỉ nói những mặt tốt đẹp của giải, của đường chạy, các nhà tổ chức tại Singapore sẵn sàng nói lên mặt trái của đường đua.

Điều này tạo nên tác dụng giúp các VĐV cân nhắc kỹ hơn khi đăng ký các cự ly, bởi nếu không chắc chắn với cự ly ultra marathon, họ có thể tham dự các cự ly như marathon (42,195km), bán marathon (21km), hoặc chạy việt dã 10km, cũng xuất hiện tại Sundown Marathon tại Singapore.

Còn tại giải Trans Japan Alps Race được tổ chức tại Shizuoka (Nhật Bản), đây là giải chạy địa hình, nên yêu cầu đặt ra với các VĐV càng cao.

Các giải siêu marathon quốc tế làm gì để tránh rủi ro cho vận động viên? - 3

Sự chuẩn bị của các VĐV ở các giải ultra marathon địa hình càng phải kỹ càng hơn (Ảnh: Getty).

Các VĐV khi đăng ký tham dự ngoài giấy chứng nhận sức khỏe, còn phải trải qua đợt kiểm tra về kinh nghiệm cấm trại ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển, kinh nghiệm đi đường mòn, khả năng tự cứu hộ…

Yêu cầu nghiêm ngặt nên giải đấu ở Nhật Bản không quan trọng số lượng người tham dự. Thậm chí, họ siết số lượng VĐV theo cách nếu có nhiều người cùng tiêu chuẩn, họ sẽ chọn lọc ra những người có kinh nghiệm về những vấn đề nêu trên phong phú hơn, để trao cơ hội tham dự giải.

Thiết bị định vị GPS cũng được BTC trang bị cho các VĐV tham dự Trans Japan Alps Race, để vị trí của họ luôn được hiển thị trên màn hình của BTC, tiện cho việc cứu hộ khi cần.

Ngoài ra ở các cuộc thi ultra marathon nói chung, các trạm tiếp nước và điểm cứu hộ y tế dọc đường là điều bắt buộc. Các giải đấu quốc tế làm rất nghiêm ngặt những việc này. Khâu kiểm tra y tế cũng được làm nghiêm, thay vì chỉ là cam kết về sức khỏe từ phía VĐV. Các khâu chuẩn bị càng nghiêm ngặt, rủi ro trong thi đấu sẽ càng được giảm thiểu.