1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Trước ngày khởi tranh V-League 2012

Các ông “bầu” nổi tiếng nắm quyền điều hành VPF

(Dân trí) - Đúng như mong mỏi của người hâm mộ và các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá, sáng nay Đại hội cổ đông VPF đã nhận được sự đồng thuận cao của 28 CLB giải V-League, hạng Nhất. “Bầu” Thắng nắm giữ ghế Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Ngọc Viễn làm Tổng giám đốc VPF.

Trước giờ khai mạc Đại hội cổ đông Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF), nhiều người hâm mộ đã lo lại cảnh “bình mới rượu cũ” sẽ tái diễn, khi VFF vẫn là đơn vị nắm đến hơn 35 % cổ phần và có số lượng thành viên tham gia Hội đồng quản trị khá đông. Tuy nhiên, những mối lo ngại từ phía người hâm mộ đã được giải tỏa khi hầu hết các ông “bầu” nổi tiếng chấp thuận tham gia vào bộ máy điều hành VPF, với mục tiêu cải thiện chất lượng bóng đá Việt Nam.
 
Các ông “bầu” nổi tiếng nắm quyền điều hành VPF - 1
 Những doanh nhân nổi tiếng cùng vào cuộc nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam - Ảnh: Quang Thắng
 

Với sự đồng thuận cao từ nhiều cổ đông, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, ông Phạm Ngọc Viễn được tín nhiệm bầu vào chức Tổng giám đốc VPF. 3 vị “phó tướng” làm nhiệm vụ hỗ trợ cho Tổng giám đốc đều là những người có kinh nghiệm điều hành bóng đá là: Phạm Phú Hòa (GĐĐH ĐT Long An), Bùi Xuân Hòa ( GĐĐH SHB Đà Nẵng), Lưu Quang Lãm (Chủ tịch Sài Gòn FC).

 

Ở vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, “bầu” Võ Quốc Thắng (ĐT Long An) nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối từ các cổ đông. 3 vị trí Phó chủ tịch HĐQT được trao cho các doanh nhân nổi tiếng đang nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của người hâm mộ gồm: Đoàn Nguyên Đức (HA Gia Lai), Nguyễn Đức Kiên (CLB bóng đá Hà Nội), Lê Hùng Dũng (Phó chủ tịch tài chính VFF).

 

Sau khi thông qua Ban lãnh đạo VPF, bộ phận điều hành VPF cũng tiến hành bổ nhiệm cựu Phó chủ tịch VFF Trần Duy Ly giữ ghế Trưởng BTC giải V-League 2012. Phó TTK Nguyễn Hữu Bàng làm Trưởng BTC giải hạng Nhất. Vị trí Trưởng ban trọng tài thuộc về cựu Phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm.

 

Đánh giá về ê kíp lãnh đạo vừa được bổ nhiệm, nhiều cổ đông tỏ ra lạc quan và tin tưởng chất lượng giải đấu sẽ được nâng lên khi CLB có tiếng nói quyết định trong cuộc chơi kể từ mùa giải 2012. Tất cả đều tin tưởng sẽ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của người hâm mộ, khi tạo ra sân chơi trong sạch - lành mạnh đúng nghĩa.
 
Các ông “bầu” nổi tiếng nắm quyền điều hành VPF - 2
 Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối - Ảnh: Quang Thắng
 

Kết thúc Đại hội cổ đông VPF, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “Tôi xin chúc mừng sự ra đời của VPF. Theo đánh giá của tôi, đây là sự phát triển tất yếu của quy luật bóng đá chuyên nghiệp. Chắc chắn VFF, Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT-DL sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy sự phát triển của VPF, từ đó tạo ra những sân chơi hấp dẫn đúng nghĩa…”.

 

Ngay trong ngày mai (15/12), các thành viên lãnh đạo VPF bắt tay vào chuẩn bị cho mùa giải 2012. Theo lời Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, hiện có 3 nhiệm vụ quan trọng mà VPF phải làm trong 10 ngày sắp tới là: Đàm phán lại hợp đồng tài trợ với Eximbank (V-League), bản quyền truyền hình với AVG, trái bóng đưa vào thi đấu.

 

Mục tiêu hàng đầu mà các nhà sáng lập ra VPF mong muốn là thúc đẩy công tác đào tạo trẻ, từ đó nâng cao chất lượng các ĐTQG. Cụ thể, tất cả các CLB V-League và hạng Nhất phải có Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ bao gồm các lứa tuổi từ U11 đến U19. Từ mùa giải 2015, CLB bắt buộc phải có đầy đủ 4 đội tham dự các giải CLB bắt buộc phải có các các đội U21, U19, U17, U15.

 

Đối với CLB tham gia giải V-League, từ mùa giải 2013, CLB phải có 3 trong số 4 đội trẻ tham dự giải. Nếu không đủ số lượng đội trẻ tham dự giải theo quy định sẽ chịu hình thức kỷ luật nộp phạt 200 triệu đồng/đội.

 

Đối với CLB tham gia giải hạng Nhất, ngay từ mùa giải 2012 phải có 2 trong số 4 đội trẻ tham dự giải.

 

Quang Vinh