1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bóng đá Việt Nam và câu chuyện dọa bỏ giải

(Dân trí) - Một đội bóng được đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm, là tài sản của mỗi địa phương, ngành…nhưng các ông bầu, Chủ tịch CLB sẵn sàng tuyên bố bỏ giải chỉ vì bất mãn hay thậm chí là…ngẫu hứng.

Cuối mùa 2011, sau nhiều lần bị trọng tài xử ép, với đỉnh điểm là trận thua 1-2 trên sân Lạch Tray, bầu Long và bầu Tuấn (Hoà Phát Hà Nội) tuyên bố không muốn làm bóng đá để phản đối trọng tài cũng như công tác điều hành giải đấu của VFF.

Hòa Phát Hà Nội sau đó bỏ thật, nhưng họ bỏ là có lý do chính đáng. Cho đến giờ, việc đội bóng thủ đô bỏ cuộc vẫn để lại nhiều sự tiếc nuối nhất, bởi cùng với bầu Kiên (người sau này đã mua lại Hòa Phát Hà Nội), bầu Long và bầu Tuấn là những người có tâm huyết với bóng đá, làm bóng đá bài bản, chuyên nghiệp.


Năm ngoái, CLB XMXT Sài Gòn quyết định bỏ V-League

Năm ngoái, CLB XMXT Sài Gòn quyết định bỏ V-League


Nếu như sự bỏ cuộc của Hòa Phát Hà Nội được nhiều người ủng hộ, thì với nhiều đội bóng đã giải thể sau này, lại là những câu chuyện rất đáng nói.

Ở mùa giải 2012, sau khi làm công văn xin tặng CLB Xuân Thành Sài Gòn cho TP. HCM, bầu Thụy gây sức ép bằng tuyên bố: “TP.HCM không nhận không được, không nhận tôi cho giải tán đội bóng ngay”.

Ở mùa giải 2013, bầu Thụy tiếp tục gây chú ý với phát biểu dọa bỏ bóng đá nếu VFF và VPF không chấn chỉnh công tác trọng tài và giải quyết dứt điểm chuyện bầu Hiển sở hữu nhiều đội bóng cùng dự V.League.

Có một sự thực là đằng sau những tuyên bố bỏ giải ấy, là một động cơ có chủ ý của bầu Thụy. Sau khi bị Ban kỷ luật trừ 4 điểm ở mùa giải 2013 sau những nghi án tiêu cực, bầu Thụy đã giải thể hẳn đội bóng chứ không còn là dọa.

Với nhiều người hiểu bóng đá Việt Nam, thì việc giải tán đội của bầu Thụy chính là cách giải quyết gánh nặng. Bóng đá không còn mang lại nhiều giá trị nên bầu Thụy sẵn sàng bỏ cuộc chơi.

Một ông bầu gốc Ninh Bình khác là bầu Trường cũng nhiều lần dọa bỏ bóng đá. Chính bầu Trường sau thời gian nợ lương, thưởng các cầu thủ kéo dài bị phản ứng cũng tuyên bố giải tán đội bóng vì các cầu thủ đã đình công. Sau vụ bê bối bán độ bị phanh phui, bầu Trường đã cho giải tán luôn đội 1 ở V-League.

Có rất nhiều những ông bầu, ông chủ đội bóng thích dọa bỏ bóng đá, nhưng không phải ai cũng làm thật. Bầu Đệ ở Thanh Hóa từng nhiều lần dọa bỏ bóng đá, nhưng chưa một lần thực hiện. Những lần dọa đó của bầu Đệ, chủ yếu chỉ là gây sức ép với BTC giải.

Dọa bỏ giải đã trở thành một thói quen xấu, đến nỗi nhiều ông bầu tuyên bố nghỉ chơi chỉ để phản đối lại một quyết định nào đó của trọng tài, Ban kỷ luật…

Mới nhất, Hải Phòng sau khi bị Ban kỷ luật VFF xử nặng (treo giò 3 cầu thủ), đã tuyên bố sẽ bỏ giải nếu như những án phạt không được xem xét.

“Chúng tôi làm thật chứ không dọa chơi”, Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng khẳng định. Khoan hãy nói về quyết định đúng sai của Ban kỷ luật xung quanh vụ ẩu đả trên sân Lạch Tray vòng 17 V-League, nhưng việc một đội bóng có truyền thống như Hải Phòng ngay lập tức dọa bỏ giải để gây sức ép thì không thể chấp nhận được.

Chính Trưởng Ban tổ chức giải anaka Koji thể hiện sự không hài lòng, khi cho rằng không phải đội bóng nào thích chơi thì chơi, thích bỏ thì bỏ, tất cả phải có luật. Trong khi đó, Gám đốc điều hành Trần Duy Ly cũng nhấn mạnh, việc Hải Phòng tuyên bố bỏ giải là vô trách nhiệm với người hâm mộ, những người vẫn bỏ tiền mua vé vào sân cổ vũ cho đội bóng quê hương. Hơn nữa, hành động dọa bỏ giải của lãnh đạo đội bóng đã dung túng cho lối chơi bạo lực của các cầu thủ.

VPF khẳng định giải đấu có bao nhiêu chơi bấy nhiêu, không chấp nhận với những đội bóng cứ động một chút là dọa bỏ giải. Có lẽ đã đến lúc BTC giải cũng cần có chế tài xử phạt thật nặng với những đội bóng này, để lập lại kỷ cương cho giải đấu.

Lê Cường