1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Bóng đá Việt Nam có cần Giám đốc kỹ thuật sau khi chia tay Jurgen Gede?

(Dân trí) - Một nền bóng đá sẽ phát triển tốt hơn nếu có một Giám đốc kỹ thuật, được xem là “kiến trúc sư trưởng”. Tuy nhiên đôi khi vai trò của Giám đốc kỹ thuật lại rất… trừu tượng.

Sau 4 năm làm việc, Giám đốc kỹ thuật người Đức Jurgen Gede sẽ chia tay VFF vào tháng 6 tới. Hai bên không tìm thấy sự đồng thuận, và đều có nguyện vọng “đường ai nấy đi”.

Ông Jurgen Gede chẳng phải là người xa lạ với bóng đá Việt Nam. Dấu ấn lớn nhất của vị chuyên gia này chính là làm quân sư cho HLV Hoàng Anh Tuấn và U19 Việt Nam, làm nên chiến tích giành vé dự VCK U20 thế giới năm 2017.

Bên cạnh đó, ông Jurgen Gede cũng tham gia vào nhiều hoạt động của bóng đá Việt Nam, trong đó đặc biệt với vai trò cố vấn, định hướng phát triển, đào tạo bóng đá trẻ.

Bóng đá Việt Nam có cần Giám đốc kỹ thuật sau khi chia tay Jurgen Gede? - 1

Giám đốc kỹ thuật Gede (phải) có nhiều đóng góp trong thành công của bóng đá Việt Nam

Có thể thấy, sau những thành công nhất định, thì việc Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede và VFF không tiếp tục hợp tác với nhau ít nhiều tạo nên bất ngờ.

Tuy nhiên, rõ ràng VFF có đường đi nước bước cả mình. Việc phải chi trả số tiền lương lên tới hơn 10 nghìn USD với ông Jurgen Gede mỗi tháng là một gánh nặng. Đây là số tiền mà VFF phải trả trực tiếp, chứ không được tài trợ như trường hợp của HLV Park Hang Seo.

Nhưng quan trọng hơn, là trong khoảng 2 năm gần đây, vai trò của Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede không còn nổi bật như trước. Giám đốc kỹ thuật giống như một kiến trúc sư, có trách nhiệm hoạch định chiến lược, công tác đào tạo, định hướng xây dựng, phát triển của một đội bóng, một nền bóng đá.

Một lãnh đạo VFF cho biết, vai trò của ông Gede là tư vấn, tham mưu cho VFF về phát triển bóng đá trẻ nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm nguồn lực bóng đá, đáp ứng trình độ phát triển của bóng đá châu lục và tiếp cận bóng đá thế giới.

Bên cạnh đó là định hướng và xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ; Tư vấn cho các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia và U23; Hỗ trợ VFF nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các câu lạc bộ; Hỗ trợ công tác đào tạo đội ngũ huấn luyện viên và một số nhiệm vụ khác theo sự đồng ý của 2 bên.

Rất nhiều nhiệm vụ, nhưng có thể thấy sau thành công của U19 Việt Nam, vai trò của ông Jurgen Gede đối với hoạt động bóng đá trẻ nói chung và công tác tham mưu cho các huấn luyện viên khá mờ nhạt. Đặc biệt, sau khi HLV Hoàng Anh Tuấn từ chức không dẫn dắt U19 Việt Nam, vị chuyên gia người Đức càng ít việc hơn.

Thực tế, trong môi trường bóng đá mang đặc thù ở Việt Nam, rất khó để một vị trí giám đốc kỹ thuật phát huy được vai trò.

Ở trên đội tuyển, ông Jurgen Gede rất khó đặt dấu ấn khi HLV Park Hang Seo và các cộng sự ngời Hàn Quốc đang làm rất tốt công việc của mình. Nói cách khác, chiến lược của thầy Park ít nhiều có độ “vênh” so với Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede.

Còn ở CLB, ông Jurgen Gede càng không thể can thiệp vào công tác đào tạo trẻ, định hướng lối chơi một cách đồng nhất. Đơn cử như Hà Nội đầu mùa này mời chuyên gia Daniel Enriquez về làm Giám đốc kỹ thuật, thế nhưng chỉ sau 1 tháng đã chia tay.

Vậy VFF có cần một Giám đốc kỹ thuật không. Câu trả lời là có, tuy nhiên chọn ai thì VFF đang phải có sự tính toán kỹ, để tránh trường hợp giống như đã xảy ra khi làm việc với ông Gede.

Về vấn đề này, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ dành sự ưu tiên lớn hơn đối với công tác đào tạo và phát triển bóng đá trẻ.

Do vậy, vị trí Giám đốc kỹ thuật không chỉ là định hướng, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ mà còn phải tham gia vào công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các CLB, đặc biệt là công tác đào tạo lực lượng HLV bóng đá trẻ.

Với mục tiêu đó, VFF hướng đến ứng cử viên Giám đốc kỹ thuật vừa có kinh nghiệm trong phát triển bóng đá trẻ vừa có trình độ giảng viên HLV bóng đá của FIFA hoặc AFC”.

Thuỳ Anh

Dòng sự kiện: Vòng loại World Cup 2022