Bóng đá Việt Nam: Chỉ sợ lại “xây nhà từ nóc”

(Dân trí) - U19 Việt Nam và đội tuyển nữ sẽ được đầu tư mạnh. Đấy là điều đáng mừng, nhưng vấn đề là dường như người ta chưa quan tâm đúng mức đến chuyện phải phát triển đồng bộ bóng đá trẻ, cũng như chưa nói gì đến giải VĐQG nữ vốn rất èo uột…

Xây nhà từ nóc

Đội tuyển U19 Việt Nam chắc chắn cần được đầu tư để có hành trang tốt nhất, trước khi tham dự VCK U19 châu Á.

Quan tâm đến đoàn quân của HLV Graechen Guillaume là điều tốt, nhưng đội U19 Việt Nam, với đa phần là các cầu thủ xuất thân từ học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG có hay cách mấy cũng không thể thay cả nền bóng đá. Rồi toàn bộ nền bóng đá cũng không thể dựa trên một nhóm cầu thủ riêng lẻ ấy để phát triển được.

Cái gốc của nền bóng đá vẫn là khâu đào tạo trẻ ở các CLB, vẫn là phải chấn chỉnh hoạt động của các đội bóng đang tham gia giải các đấu chuyên nghiệp.

U19 Việt Nam tồn tại nhược điểm y hệt như học viện HAGL-Arsenal.JMG là không biết phòng ngự
U19 Việt Nam tồn tại nhược điểm y hệt như học viện HAGL-Arsenal.JMG là không biết phòng ngự



Chừng nào mà từng CLB hoạt động quy củ, khâu đào tạo được thực hiện đồng bộ, thì chừng đó bóng đá Việt Nam mới mạnh, mới vững. Trong khi đây lại là vấn đề mà suốt thời gian qua, những người làm bóng đá Việt Nam nói hết sức qua loa, như thể chưa hề xảy ra cuộc khủng hoảng trầm trọng trong bóng đá nội vậy.

Đội tuyển nữ cũng vậy, người ta nói nhiều đến chuyện các cô gái của HLV Trần Vân Phát sẽ tập huấn ở đâu trước VCK giải châu Á, nói về chuyện đội tuyển nữ quốc gia sẽ được nâng chế độ và sẽ có thêm bao nhiêu tiền tài trợ.

Dù vậy, điều quan trọng hơn là làm gì để phát triển giải vô địch bóng đá nữ quốc gia đang rất èo uột, với chỉ 6 đội tham dự hàng năm (trong đó đã có đến 2 đội của Hà Nội)? Làm gì để thay đổi tư duy huấn luyện cũ rích nơi một thế hệ HLV đang làm bóng đá nữ (các đội bóng nữ Việt Nam cho đến giờ này vẫn không hề biết phòng ngự theo khu vực)? Lại là điều dường như chưa được đề cập đến.

Nếu đội tuyển bóng đá nữ có đoạt vé dự VCK World Cup trong năm nay, trong khi giải trong nước vẫn cứ èo uột, nếu đội tuyển U19 có gây sốc ở VCK U19 châu Á, trong khi khâu đào tạo trẻ nói chung vẫn không được giải quyết, thì bóng đá Việt Nam vẫn không đủ vững để trụ lâu ở nơi ta muốn vươn tới. Và vài năm nữa, có khi chúng ta sẽ lại nói lại chủ đề khủng hoảng nhân lực mà chúng ta nói hôm nay.

Sản phẩm của một lò đào tạo khác với sản phẩm của cả một hệ thống

Như đã nói ở trên, tương lai của cả nền bóng đá không thể phụ thuộc vào một nhóm nhỏ cầu thủ. Nói chính xác hơn tương lai của bóng đá Việt Nam không thể chỉ phụ thuộc vào một lứa cầu thủ duy nhất xuất thân từ học viện HAGL-Arsenal.JMG của bầu Đức.

Lứa cầu thủ ấy dù có hay đến mấy đi chăng nữa cũng chỉ phản ánh một công thức huấn luyện, chứ không phải là tinh túy của toàn bộ nền bóng đá.

Do không phải là tinh túy của toàn bộ nền bóng đá nên người ta dễ dàng thấy ngay khiếm khuyết của đội U19 Việt Nam là không biết… phòng ngự, vì kỳ thực học viện HAGL-Arsenal.JMG đâu có đào tạo chuyên gia phòng ngự.

Đơn cử trung vệ Đông Triều phối hợp nhỏ ngay trước khu vực 16m50 của đội nhà rất hay, tham gia tấn công không tồi, trong khi nhiệm vụ chính của một trung vệ là phải biết kèm người, biết đọc tình huống, biết bọc lót cho các đồng đội, Đông Triều lại làm rất… kém.

Thay vì phải phá bóng phát một, Đông Triều lại chọn cách hứng ngực, rồi để cầu thủ U19 AS Roma cướp được, tạo nên bàn thắng cho đội bóng trẻ nước Ý. Thay vì đá bóng ra hết biên theo cách dễ nhất, thì Đông Triều lại chọn cách xử lý kỹ thuật theo thói quen, rồi “đốt lưới nhà” khi đá với U19 Tottenham.

Có thể bầu Đức hay các chuyên gia của hệ thống học viện JMG toàn cầu không quan tâm đến điều này, vì như đã nói, mục tiêu của họ không phải là đào tạo nên cầu thủ chuyên về phòng ngự! (Họ đào tạo theo trường phái nào là chủ trương của họ, miễn họ bán được sản phẩm là thành công xét trên tiêu chí lập học viện để kinh doanh).

Nhưng đứng trên góc độ của cả một đội tuyển, đứng trên góc độ của những người quản lý cả nền bóng đá thì yếu tố hài hòa, sự cân bằng phải là tiêu chí quan trọng.

Chúng ta không có sự cân bằng như U19 Nhật Bản, bởi chúng ta vốn chỉ dựa trên sản phẩm của một học viện duy nhất, chứ chưa phải là sự kết tinh có chọn lọc của toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ, được phát triển một cách đồng bộ.

Thành ra không thể đặt toàn bộ trọng trách của cả nền bóng đá lên vai vài cầu thủ mới chớm nở về mặt triển vọng. Càng không thể trông chờ toàn bộ tương lai của cả nền bóng đá vào duy nhất một học viện và một ông bầu.

Làm thế khác nào xây nhà từ nóc, trong khi việc cần làm là gia cố phần móng cho nhà khỏi xập mới chỉ được đề cập quá sơ sài!

Trọng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm