1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Bóng đá Việt Nam cần học cách làm của người Thái

(Dân trí) - Thái Lan sẽ có 901.000 USD nếu vô địch AFF Cup 2014. Vấn đề của họ và của ta không phải là tiền thưởng, mà là ở của cho và cách cho...

Mức thưởng và cách thưởng

Cần nói rõ hơn là trong số 901.000 USD (tức gần 19 tỷ đồng) mà đội tuyển Thái Lan sẽ có nếu vô địch AFF Cup 2014, gồm 701.000 USD từ LĐBĐ Thái Lan (FAT) và 200.000 USD khác đến từ tiền thưởng của BTC giải.

701.000 USD (hơn 14 tỷ đồng) từ FAT dĩ nhiên là một con số rất lớn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ những người làm bóng đá Thái không thưởng tiền theo kiểu tùy hứng. Muốn nhận được số tiền lớn ấy, đoàn quân của HLV Kiatisuk phải chứng minh được rằng họ xứng đáng. Mà với bóng đá Thái Lan, không có thành tích nào với bóng đá Đông Nam Á được xem là xứng đáng với tầm vóc của họ ngoài ngôi vô địch.

Các cầu thủ Thái cũng chấp nhận chuyện ấy, hoặc họ rủng rỉnh tiền bạc bỏ túi, hoặc không có gì, vì với thực lực của cầu thủ Thái Lan, so với mặt bằng bóng đá khu vực, không vô địch AFF Cup 2014 có khi là… nhục.

Ở đây không có kiểu thưởng đánh đố, dạng bắt cầu thủ phải “leo cột mỡ”, như 2 đại gia Việt Nam từng thách thưởng cho đội tuyển U23 (mỗi ông thách 500.000 USD) nếu vô địch SEA Games 2011, dù hồi đấy thực lực của đội nhìn thấy chắc là không thể làm được chuyện ấy.

Trông người lại ngẫm đến ta
Ban đầu các cầu thủ đâu có đòi tiền thưởng, tự VFF muốn lấy lòng dư luận và lấy lòng cầu thủ khi họ đá thắng, trước khi quay ngoắt lúc họ thất bại (ảnh: Gia Hưng)

Cách thưởng của FAT là một mức thưởng và một cách thưởng khiến người thưởng cũng thấy đáng đồng tiền bát gạo, còn người được thưởng cũng vui, có mục tiêu rõ ràng để phấn đấu.

Nó khác xa với cách thưởng tiền tùy hứng của lãnh đạo VFF, nó cũng khác xa với thái độ sau khi thưởng tiền lại quay ngoắt với cầu thủ, thậm chí có ý phủi tay ngay sau khi đội nhà chịu thất bại ê chề.

Vấn đề có khi nằm ở chỗ ấy, vấn đề không phải là tiền thưởng cao hay thấp (kỳ thực là khi bắt đầu vòng bảng, các cầu thủ Việt Nam đâu có quan tâm đến tiền thưởng, mãi đến sau này chính VFF mới hứng lên thưởng tiền đấy chứ), mà vấn đề nằm ở chỗ ngay cả khi được thưởng, cầu thủ không phải mang cảm giác khó chịu vì thái độ của người thưởng tiền.

Không phải cứ thất bại là “đánh bùn sang ao”

Quay trở lại với chuyện của bóng đá Thái Lan, họ có thất bại không? – Có, nhiều là đằng khác. Chỉ tính trong 5 kỳ AFF Cup gần nhất, không kể AFF Cup 2014, đội tuyển xứ Chùa Vàng chưa hề có danh hiệu.

Đấy dĩ nhiên là nỗi đau với nền bóng đá số một Đông Nam Á, có lúc từng tiệm cận trình độ của bóng đá châu Á. Điều quan trọng nằm ở chỗ, sau mỗi thất bại, người Thái không có thói quen đẩy hết trách nhiệm sang cầu thủ như những người điều hành bóng đá Việt Nam vẫn thường làm vậy.

Trước AFF Cup 2014, Thái Lan cũng sẵn sàng loại hàng loạt công thần cỡ Thonglao, Teerathep Winothai, Teerasil Dangda (đang thi đấu ở La Liga). Nhưng họ nói thẳng họ loại những cầu thủ đấy đơn thuần vì lý do chuyên môn, vì cần xây dựng một thế hệ mới, chứ không phải vì cái bản “danh sách đen” tưởng tượng mà VFF từng vin vào đấy để trốn tránh trách nhiệm của người làm công tác điều hành.

Những người làm bóng đá Thái cũng không cần dọa nhau bằng cách nhờ cơ quan chức năng vào điều tra tiêu cực một nhóm cầu thủ, để tìm cách gạt sang một bên lứa cầu thủ ấy, tạo tiền đề cho một lứa cầu thủ khác – vốn là “gà nòi” được cưng chiều của cấp lãnh đạo bộ máy điều hành bóng đá, ngoi lên chiếm chỗ.

Nếu đã là vấn đề liên quan điều tra, thì cứ âm thầm làm, khi nào có kết quả hẳn hay, đâu nhất thiết phải mau mắn tuyên bố như xát thêm muối vào vết thương lòng của các cầu thủ.

Nếu các cầu thủ thực sự làm điều sai trái, họ phải chịu (điều đó đương nhiên rồi!). Nhưng trước khi chứng minh được là họ sai, thì đừng vội đẩy hết trách nhiệm sang cho họ.

Những người làm bóng đá Việt Nam giống những người làm bóng đá Thái Lan ở chỗ có lẽ chúng ta khá chịu chơi, chịu chi, giống ở chỗ những nhân vật đang ngồi ghế lãnh đạo nền bóng đá của ta có lẽ đầy tiền trong túi.

Tuy nhiên, khác biệt rất lớn giữa những người làm công tác điều hành ở 2 nền bóng đá có lẽ nằm ở chỗ, ngoài tiền, chúng ta hiện thiếu và yếu quá nhiều thứ!

Trọng Vũ
Dòng sự kiện: AFF Cup 2014