DMagazine

"Máu đổ, nước mắt rơi nhưng vẫn phải bước qua xác đồng đội để chiến đấu"

(Dân trí) - Đường hầm nhỏ, trận chiến khiến nhiều đồng đội hy sinh. Máu đã đổ, nước mắt đã rơi nhưng chúng tôi động viên nhau bước qua xác đồng đội để chuyển vũ khí lên trận tuyến", cựu binh Điện Biên Phủ kể.

Hàng chục năm tham gia binh nghiệp, Đại tá Nguyễn Huyên (SN 1933, trú huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) trải qua nhiều thăng trầm, nếm đủ những cảm xúc của chiến tranh.

Nhưng có lẽ, hồi ức về "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" ở chiến dịch Điện Biên Phủ vừa đẹp đẽ, hào hùng, vừa đau thương, bi tráng đã in sâu cả cuộc đời của người cựu binh, để mỗi lần nhắc đến vẫn vẹn nguyên trong từng khoảnh khắc.

Máu đổ, nước mắt rơi nhưng vẫn phải bước qua xác đồng đội để chiến đấu - 1

Sau 40 năm tham gia quân ngũ, Đại tá Nguyễn Huyên trở về sống cùng con cháu ở ngôi nhà cấp bốn bình yên bên triền đê La Giang, thôn Đại Nghĩa, thị trấn Đức Thọ.

Ở tuổi 91, ông Huyên mắt mờ, chân run nhưng vẫn nhớ như in kỷ niệm của những ngày gian khó và hào hùng làm "nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".

"Lúc đó, tôi ao ước được vào chiến trường để cầm súng, một lòng vì Tổ quốc. Bởi thế khi có bộ đội về trường tuyển quân, dù đang đi học nhưng tôi liền giơ tay xung phong đi", Đại tá Nguyễn Huyên mở đầu câu chuyện.

Máu đổ, nước mắt rơi nhưng vẫn phải bước qua xác đồng đội để chiến đấu - 3

Đại tá Nguyễn Huyên xung phong nhập ngũ năm 1950 khi mới tròn 17 tuổi. Chàng trai cao chưa đầy một mét sáu dõng dạc đứng dậy xung phong "em muốn nhập ngũ vào chiến trường" khiến không ít người cùng lớp học bất ngờ trước quyết định này.

Bởi thời điểm đó, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đang bước vào giai đoạn khốc liệt, cậu là con trai một trong gia đình, lại vừa cưới vợ được thời gian ngắn. 

Chàng trai 17 tuổi xác định, nói ra nguyện vọng nhập ngũ sẽ bị người thân phản đối nên âm thầm soạn đồ để lên đường. Đến lịch hẹn, sáng 5/11/1950, chàng trai cũng như ngày thường chào mẹ, vợ để đi học.

Song, cậu không đến lớp mà âm thầm bước vào hàng ngũ cùng 40 chàng trai trong vùng rời quê cùng hành quân ra Bắc.

Hết gánh hàng ngoài chợ, mẹ của cậu là bà Bùi Thị Ba trở về nhà hay tin người con trai duy nhất nhập ngũ, đang trên đường tiến ra Nam Đàn (Nghệ An) để nhận nhiệm vụ.

Máu đổ, nước mắt rơi nhưng vẫn phải bước qua xác đồng đội để chiến đấu - 5

Người mẹ bật khóc, chạy đến lũy tre cuối làng nhìn về bên kia bờ sông La, hướng ánh mắt tìm con. Nhưng bóng bộ đội hành quân đã mất hút trong buổi chiều mùa đông mờ mịt sương năm ấy.

Sáng hôm sau, bà Ba vượt sông, đi bộ hàng chục km đến nơi bộ đội đóng quân tại Nam Đàn để "đòi" con về.

Khi thấy người mẹ xuất hiện tại đơn vị, cán bộ đến ôm chầm lấy bà động viên, còn chàng lính trẻ Nguyễn Huyên dẫu kiên cường nhưng vẫn không cầm được nước mắt. Bởi, cậu biết đây có thể là lần cuối được gặp mẹ mình bằng xương, bằng thịt.

"Khi được cán bộ động viên, tâm sự và tôi cũng bày tỏ mong muốn cống hiến cho Tổ quốc, mẹ đồng ý. Mẹ dặn dò tôi cố gắng cống hiến và trở về", Đại tá Huyên nhớ lại.

Máu đổ, nước mắt rơi nhưng vẫn phải bước qua xác đồng đội để chiến đấu - 7

Khi được phân công vào Đại đoàn 312, chàng tân binh Nguyễn Huyên nhận nhiệm vụ phụ trách quân khí và đạn dược. Lần lượt các chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1950), chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951), chàng lính trẻ đều tham gia.

Đến tháng 11/1953, khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, ông được điều lên Trung đoàn 209 để đảm bảo vũ khí cho 3 tiểu đoàn suốt cả chiến dịch.

Đầu tháng 3/1954, đơn vị ông là một trong 2 đơn vị chịu trách nhiệm cho trận đấu mở màn của chiến dịch tại đồi Him Lam, nơi được người Pháp mệnh danh là "cánh cửa thép" bất khả xâm phạm trong hệ thống Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hồi tưởng giây phút lịch sử khi được cùng đồng đội tham gia tấn công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, ánh mắt Đại tá Huyên sáng rực: "Ban đầu cứ điểm Him Lam được ấn định sẽ tấn công vào ngày 12/3/1954. Nhưng sau khi kiểm tra lại toàn bộ hệ thống giao thông hào và các con đường tiến quân thấy chưa ổn, với chủ trương "đánh chắc, tiến chắc", Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định dời ngày tấn công sang 13/3/1954".

Mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng những loạt đạn, pháo như sấm rền, cứ điểm Him Lam bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây cũng là trận đánh để lại nhiều cảm xúc trong ông.

Máu đổ, nước mắt rơi nhưng vẫn phải bước qua xác đồng đội để chiến đấu - 9

"Chiến dịch lúc này đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Đường hầm nhỏ, mưa lớn, bùn non trộn lẫn, không rõ mặt người. Nhiều đồng đội hy sinh nằm lại hầm hào. Khi đó, tất cả thành viên trong đoàn đều khóc nhưng động viên nhau rồi vội bước qua xác đồng đội để kịp thời vận chuyển vũ khí lên trận tuyến", Đại tá Huyên xúc động kể.

Giây phút ấy đã khiến người lính già trăn trở mãi trong tâm can, cho đến tận bây giờ không thể quên được.

"Tôi còn nhớ có một đồng chí bị thương nặng, máu rỉ khắp người, chờ đội quân y tiếp viện. Nhưng lúc này rất cấp bách, máu trên người anh đang chảy nhưng vẫn động viên "các đồng chí đi qua nhanh, chiến dịch đang cần, không phải lo cho chúng tôi", Đại tá Huyên hồi ức với ánh mắt đỏ hoe.

Máu đổ, nước mắt rơi nhưng vẫn phải bước qua xác đồng đội để chiến đấu - 11

"56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", Đại tá Nguyễn Huyên vẫn luôn nhớ về kỷ niệm gặp lại người bạn niên thiếu của mình ngay tại hầm tướng De Castries (Đờ-cát).

Vị Đại tá kể lại, chiều tối 7/5/1954, khi nghe thông báo tướng Đờ-cát xin đầu hàng, toàn bộ anh em đều trèo lên khỏi hầm ăn mừng. Suốt nhiều tháng ăn ngủ trong hầm, khi lên mặt đất, mọi người không thể nói hết sự vui sướng. Từng tiếng reo hò vang lên dưới lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.

Mắt của ông Huyên bỗng sáng bừng khi nhìn thấy người bạn cùng quê là anh Phạm Mạnh Lộc đứng ở bên kia hầm hào.

"Anh Lộc đi lính sau tôi 3 năm. Giây phút thiêng liêng ấy đúng là không thể quên được, vì phải theo đại đội rời đi, tôi và anh chỉ bắt tay nhau, ôm động viên rồi lên xe di chuyển", Đại tá Huyên nói.

Nhắc lại trận chiến năm xưa, ông Huyên nói mình như "hạt gạo trên sàng". Bao nhiêu đồng đội hy sinh nơi chiến trường, bản thân còn sống sót, để về với quê hương, với gia đình là may mắn.

Máu đổ, nước mắt rơi nhưng vẫn phải bước qua xác đồng đội để chiến đấu - 13

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông Huyên mới có dịp về quê nhà thăm mẹ, thăm người vợ của mình.

Năm 1954, ông được kết nạp vào Đảng, sau đó tham gia học sĩ quan hậu cần. Đến năm 1958, ông học trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Nhờ những hoạt động xuất sắc, 2 năm sau đó, ông được cử đi Liên Xô tham gia học tại học viện quân sự. Đến năm 1966, ông về nước, tiếp tục cống hiến trong quân ngũ cho đến năm 1990, nghỉ hưu.

"Chiến tranh thật khốc liệt", đó là lời tâm sự đầy đau thương của Đại tá Nguyễn Huyên vì ông đã mất đi 3 người thân là mẹ, vợ, cậu con trai chưa tròn 5 tháng tuổi vào năm 1965.

"Lúc đó lính Mỹ ném trận bom đầu tiên vào khu vực dân cư ở đê La Giang khiến mẹ, vợ và con trai tôi mất, duy chỉ có con gái tôi còn sống", Đại tá Huyên nghẹn ngào khi nhớ lại.

Chiến tranh lấy mất đi người thân, nhưng ít năm sau đó cũng bù đắp lại cho ông một gia đình mới trọn vẹn. Hiện nay, ông có 5 người con đều thành đạt.

Máu đổ, nước mắt rơi nhưng vẫn phải bước qua xác đồng đội để chiến đấu - 15

Lật cuốn sổ ghi chép đã phai màu, Đại tá Huyên cầm ra tờ giấy ghi dòng thơ về cuộc đời của mình: "Tòng quân nhập ngũ năm mươi/Sống trong quân ngũ bốn mươi năm tròn/Đời tôi hai vợ sáu con/Ba trai ba gái nay còn năm thôi/Bởi quân giặc Mỹ trên trời…".

Tiếp nối truyền thống Bộ đội cụ Hồ, sau khi rời quân ngũ, người cựu binh Điện Biên Phủ vẫn không ngừng cống hiến, truyền dạy các con, cháu làm việc tốt cho đời.

Hai năm trước, thực hiện di nguyện cuối cùng của người vợ quá cố, ông Huyên cùng các con cải tạo khu vườn hơn 120m2 tại nhà để trồng rau thủy canh tặng học sinh.

"Vợ là giáo viên, khi mất có nguyện vọng làm một vườn rau sạch cho gia đình và các em học sinh nên tôi cùng các con lên ý tưởng để làm. Mỗi tháng, chúng tôi thu hoạch được 2 lần rồi đưa đến những ngôi trường trong vùng tặng thầy cô và trò. Với tôi, giờ còn sức là còn làm, còn cống hiến để làm gương cho con cháu noi theo", Đại tá Huyên nói.

Ảnh: Dương Nguyên - Gia đình cung cấp và Tư liệu

Nội dung: Dương Nguyên

Thiết kế: Tuấn Huy