Bí ẩn xung quanh những số áo
(Dân trí) - Nói đến số 10, người ta nghĩ ngay đến Pele, Maradona, Platini…; Batistuta, Shearer, Ronaldo gắn bó với số 9, còn số 7 khiến người ta nhớ đến Raul và Beckham thời khoác áo M.U. Số áo chính là chiếc “danh thiếp” mà cầu thủ giới thiệu với khán giả.
Thực ra thì khi khai sinh ra môn bóng đá, các cầu thủ đâu có mang số trên lưng áo. Nhưng không có số áo, nhiều rắc rối đã phát sinh. Chính vì thế, mà năm 1928, HLV Herbert Chapman của CLB Arsenal đã có sáng kiến đánh số trên áo cầu thủ.
Từ những thuận tiện trong luyện tập, số áo đã theo các cầu thủ ra sân trong những trận đấu chính thức. Năm 1933, lần đầu tiên hai đội đá trận chung kết Cúp FA ra sân đều có số áo trên lưng, nhưng các cầu thủ Manchester City mang số từ 1 đến 11 (thủ môn số 11), còn các cầu thủ Everton đeo số từ 12-22 (thủ môn số 22).
Đến năm 1939, ban tổ chức giải vô địch Anh mới đưa quy định cụ thể về số áo: Chiều cao tối thiểu 20,32cm.
Ở đấu trường World Cup, mãi đến năm 1938 các đội mới mặc áo có số. Nhưng không phải trong mọi giải đấu chính thức, số áo đều có thứ tự như nhau. Năm 1982, tại cúp thế giới tổ chức ở Tây Ban Nha, áo số 1 của đội tuyển Argentina lại thuộc về…tiền vệ Osvaldo Ardiles.
Nguyên nhân là năm đó đội tuyển Argentina đánh số áo theo danh sách cầu thủ vần alphabet. Nguyên tắc này được đội tuyển áo sọc trắng xanh áp dụng từ 4 năm trước đó. World Cup 1978, Argentina đánh số theo vần alphabet và vô địch, chính vì vậy, mà năm 1982, họ không muốn thay đổi.
Tuy nhiên, phát minh ra trò đánh số theo vần alphabet lại là người Hà Lan. Quan điểm của Hà Lan là không phân biệt hậu vệ với tiền đạo (vì họ chơi “bóng đá tổng lực” mà), nên tại World Cup 1974, số 1 của đội tuyển áo cam là Ruud Geels, thủ môn Jongbloed số 8.
Thông thường, trong các đội bóng hiện nay, số áo từ 1-11 là các cầu thủ trong đội hình chính. Thủ môn chính mới mặc áo số 1. Số 2 thường là hậu vệ phải như Gary Neville, Cafu, số 3 hậu vệ trái (riêng đội Brazil hậu vệ trái mang áo số 6 - Roberto Carlos).
Số 4, 5 là trung vệ. Số 7 thường là tiền vệ phải, số 11 tiền vệ trái. Số 9 thuộc cầu thủ trung phong, còn số 10 thường thuộc về tiền đạo lùi, chơi hộ công.
Số 10 luôn là trung tâm mọi sự chú ý của giới truyền thông và các cổ động viên. Thường cầu thủ khoác áo số 10 là ngôi sao sáng nhất của đội bóng, cầu thủ dẫn dắt lối chơi cho toàn đội.
Những cầu thủ số 10 nổi tiếng như Totti, Ronaldinho, Zidane đều là nhạc trưởng của đội bóng, đúng là trung tâm của các đội tuyển Italia, Brazil và Pháp.
Nhưng không phải mọi số 10 đều có vai trò nổi bật như vậy. Michael Owen chỉ đóng vai trò đơn thuần là ghi bàn ở đội tuyển Anh. Ở đội tuyển Đức, sau thời Lothar Matthaeus, số 10 không còn được chú ý.
Cầu thủ chơi kiểu "số 10" của tuyển Đức là Ballack lại khoác áo số 13. Số 10 của Bồ Đào Nha như Rui Costa chỉ là một con số như những số áo khác.
Với đội tuyển Hà Lan, số 10 Van der Vaart đơn thuần là hộ công chứ không đóng vai trò chủ chốt, kể cả Bergkamp trước đây cũng chỉ là một tiền đạo đơn thuần. Bên đội tuyển Argetina, từ Ortega đến Riquelme đều không thể thực hiện được vai trò “số 10” kiểu như Maradona nữa.
Đôi khi, có những trường hợp các cầu thủ chọn số áo đặc biệt vì những lý do… đặc biệt. Lizarazu mang số áo 69 ở Bayer Munich, Nicola Ventola mang áo số 78, Francesco Coco mang áo số 77 vì đó là năm sinh của họ.
Beckham chuyển sang Real Madrid, nơi số 7 đã thuộc về đội trưởng Raul, anh đành chọn số áo 23, theo số áo của siêu sao bóng rổ Michael Jordan ở Chicago Bulls - người mà “bà Becks” rất hâm mộ.
Còn Zamorano, do số 9 đã được ưu ái dành cho Ronaldo, nên cầu thủ này đành cay cú chấp nhận áo số 18, và thêm dấu + vào giữa, để có 1+8 = 9.
Thủ môn của Chievo từng khoác áo số 10, còn Lucarelli của Livorno mang áo số đến 99 thì chẳng ai biết rõ nguyên nhân. Còn nhớ, mùa giải 1997-1998, các cầu thủ mới của Chelsea mang các số áo “khổng lồ”: 97, 98, 99, tất nhiên chẳng ai cấm đoán việc đó cả.
Tuy nhiên, trong giải bóng đá thế giới, FIFA chỉ cho phép các đội đăng ký số áo từ 1 đến 23. Còn ngoài World Cup, các đội bóng muốn sao cũng được. Ở AC Milan, người ta không dùng áo số 6 nữa, để tôn vinh huyền thoại Franco Baresi.
Napoli “cất” áo số 10 để tôn vinh “Cậu bé vàng” Maradona. Thậm chí, việc không dùng áo số 10 mà Pele đã mặc trong đội tuyển Brazil còn được bàn ở…quốc hội nước này.
Mã Giang