1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Barcelona đang ở tình trạng lâm nguy như thế nào?

H.Long

(Dân trí) - Cùng phân tích kỹ hơn về tình hình tài chính của CLB Barcelona để thấy được sự khó khăn của đội bóng ở thời điểm này.

Trong buổi họp báo hôm qua, Chủ tịch Joan Laporta đã bất ngờ thừa nhận tình hình tài chính nguy ngập của Barcelona với khoản nợ 1,35 tỷ euro. Để hiểu sâu hơn về tình hình của đội bóng xứ Catalan lúc này, hãy cùng theo dõi bài phân tích dưới đây:

Tài chính của Barcelona lâm nguy

Theo tiết lộ của Chủ tịch Joan Laporta, khoản nợ của Barcelona ở thời điểm này đã lên tới 1,35 tỷ euro. Khoản lỗ của CLB mùa giải trước là 487 triệu euro. Trong đó, Barcelona có doanh thu 654 triệu euro nhưng chi tới 1,141 tỷ euro.

Barcelona đang ở tình trạng lâm nguy như thế nào? - 1

Barcelona đang thực sự lâm nguy, với khoản nợ khổng lồ.

Giá trị ròng của CLB là âm 451 triệu euro (khoản nợ lớn hơn tổng tài sản của đội bóng). Có nghĩa rằng ngay cả khi buộc phải bán hết tài sản, Barcelona vẫn không đủ tiền trả nợ. Về lý thuyết, đó là sự phá sản.

Tuy nhiên, Barcelona vẫn cố gắng gia hạn những khoản vay vũ tìm những nguồn vay uy tín, dài hạn để có thể tồn tại. Đó là lý do mà Chủ tịch Joan Laporta đã chỉ trích thậm tệ người tiền nhiệm Bartomeu. Ông đã gọi Barcelona dưới thời Bartomeu là "đội bóng ba tỷ" với 1 tỷ doanh thu, 1 tỷ phung phí và 1 tỷ nợ nần.

Thực tế, những thông tin mà Barcelona ngập trong nợ không có gì mới. Ngay từ mùa Hè năm ngoái, báo giới Tây Ban Nha đã liên tục thông tin việc này. Chủ tịch Joan Laporta chỉ làm rõ hơn những con số. Bên cạnh đó, ông cũng sử dụng điều này để hướng trách nhiệm sang người tiền nhiệm Bartomeu.

Sự quản lý yếu kém của Bartomeu

Joan Laporta không ngần ngại chỉ trích Bartomeu: "Tôi đã nhận lá thư từ Josep Maria Bartomeu. Ông ấy muốn công khai nó nhưng đó là bức thư với luận điệu dối trá và ngụy biện cho các quản lý không tốt. Việc ông ta giảm 68 triệu euro từ quỹ lương của CLB không phải là tất cả. Bởi lẽ, tôi phát hiện ra hàng triệu euro khác được chi cho tiền thưởng.

Bên cạnh đó, CLB cũng chi ra khoản tiền rất lớn cho khâu trung gian (chứ không phải người đại diện của cầu thủ). Tôi cho rằng Ban lãnh đạo cũ cần phải chịu trách nhiệm cho tình hình tồi tệ của đội bóng trước ngày 7/3. Họ không thể trốn tránh trách nhiệm của mình.

Barcelona đang ở tình trạng lâm nguy như thế nào? - 2

Sự quản lý yếu kém của cựu Chủ tịch Bartomeu đã đẩy Barcelona vào tình cảnh khó khăn.

Trong lá thư của mình, ông Bartomeu cũng chia sẻ rằng đang có kế hoạch cắt giảm thêm 90 triệu euro. Thế nhưng, điều đó sao mà thực hiện nổi khi các cầu thủ không muốn nói chuyện với ông ấy. Trong quá khứ, Barcelona từng nhận được 222 triệu euro từ tiền bán Neymar nhưng sau đó, họ tiêu số tiền đó với tốc độ ánh sáng. Và bây giờ, đội bóng đang phải chịu hậu quả bởi sự tăng vọt tài chính".

Thực tế, những lời chỉ tích của Chủ tịch Joan Laporta không hẳn không có cơ sở. Nhiều dẫn chứng cho thấy người tiền nhiệm Bartomeu đã quá thiếu trách nhiệm trong việc tiêu tiền. Đơn cử như việc CLB đã trả tới 8 triệu euro cho một tuyển trạch viên ở Nam Mỹ và bên cạnh đó còn trả hoa hồng cao ngất ngưởng.

Joan Laporta có thể cứu vớt con tàu đắm?

"Trong vài năm tới, Barcelona sẽ phục hồi và có tài chính khỏe mạnh" - Chủ tịch Joan Laporta hứa hẹn trong buổi họp báo. Theo ông, những khoản nợ của Barcelona đã được tái cơ cấu. Ít nhất, ở thời điểm này, đội bóng có thể tạm yên ổn.

Người đứng đầu Barcelona chia sẻ: "Tình hình hiện tại chỉ là tạm thời. Chúng tôi có một chiến lược dài hạn. Do đó, Barcelona sẽ không thay đổi tình hình hoạt động. CLB vẫn thuộc quyền sở hữu của các thành viên (thay vì bán cho ông chủ nào đó)".

Dưới triều đại của Joan Laporta, đội bóng xứ Catalan sẽ hoạt động theo quy tắc "thắt lưng buộc bụng". Những người Barcelona gọi quy tắc này là 1:4. Có nghĩa rằng, CLB chỉ được chi tiêu 1/4 số tiền "tiết kiệm" được.

Chủ tịch Joan Laporta nói: "Chúng tôi phải áp dụng quy tắc 1:4. Có nghĩa rằng, chúng tôi giải phóng được số tiền 100 triệu euro thì chỉ được phép chi tiêu 25 triệu euro. Nếu quỹ lương giải phóng 10 triệu euro thì CLB sẽ chỉ mang về cầu thủ nào đó với mức lương 2,5 triệu euro. Đó là cách chúng tôi áp dụng để đăng ký thêm những tân binh".

Để có thể đăng ký được Depay và Eric Garcia, Barcelona đã phải giảm lương của Pique (tới mức gần như bằng không). Bên cạnh đó, trong thời gian tới, CLB sẽ vận động những đội trưởng khác (Busquets, Alba, Sergi Roberto) tiếp tục giảm lương. Hầu hết các đội trưởng của đội bóng đều nhất trí với phương án này.

Barcelona đang ở tình trạng lâm nguy như thế nào? - 3

Nhiều trụ cột của Barcelona sẽ phải giảm lương.

Theo tiết lộ của Chủ tịch Joan Laporta, quỹ lương của Barcelona ở thời điểm này vẫn chiếm tới 103% doanh thu của đội bóng, tức cao hơn 25%-35% so với các đội bóng khác. Nên nhớ, ngưỡng an toàn theo quy định của Ban tổ chức La Liga chỉ là chiếm 70%.

Do đó, về lâu dài, Barcelona có thể sẽ không còn tiền để hoạt động trên thị trường chuyển nhượng. Bên cạnh đó, chi phí cải tạo sân Nou Camp cũng có thể sẽ bị hạ xuống, chỉ còn khoảng 1,5 triệu bảng.

Barcelona sẽ không "bán máu"

Joan Laporta cũng phủ nhận sẽ "bán máu" (La Masia và Barca TV, được gọi tắt là Barca Corporate) để lấy tiền cứu vớt đội bóng. Ông cho biết: "Bán Barca Corporate là một cách để bù lỗ trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng không để điều này xảy ra".

Thay vào đó, đội bóng xứ Catalan đang tìm kiếm khoản vay từ Goldman Sachs (khoảng 80 triệu euro) để có thể trả lương cho các cầu thủ và tái cơ cấu lại đội bóng trong thời gian trước mắt.

Dù sao, việc để Messi ra đi cũng giúp cho Barcelona bớt đi áp lực tài chính rất nhiều. Trong bối cảnh khán giả bắt đầu được trở lại sân, Los Blaugrana kỳ vọng có thể tạo nên cú hích doanh thu trong mùa này.