Báo chí châu Á chỉ trích lối chơi phòng ngự của Olympic Việt Nam
(Dân trí) - Báo chí châu Á cho rằng Olympic Việt Nam nên chơi cống hiến, đẹp mắt hơn, thay vì phòng ngự số đông để có thành tích ở sân chơi Asiad 2018.
Lối chơi phòng ngự phản công đã được HLV Park Hang Seo sử dụng ở vòng chung kết U23 châu Á 2018, và đã mang lại thành công không ngờ với U23 Việt Nam, khi bước lên đỉnh cao châu lục với vị trí Á quân.
Tuy nhiên, chiến công của thầy trò HLV Park Hang Seo không được giới truyền thông châu lục khâm phục, khi họ cho rằng U23 Việt Nam đã chơi phòng ngự tiêu cực. Trước Asiad 2018, một lần nữa báo chí châu Á lại lên tiếng về lối chơi của đội bóng áo đỏ.
Nhà báo Scott McIntyre của kênh FOX Sports Asia mới đây đã bình luận rằng Asiad chỉ nên được xem là cơ hội để các đội tuyển phô diễn tài năng của các cầu thủ tham dự, và ai thắng ai thua thực sự không quan trọng. Đầu tiên, cây viết này nói tới việc Olympic Nhật Bản chỉ cử đội U21 tham dự nhằm chuẩn bị cho Olympic 2020.
“Sẽ không có những cuộc diễu hành đường phố nếu vô địch hay những vụ đốt trụ sở LĐBĐ Nhật Bản nếu thất bại, bóng đá Nhật bản đang không đặt mục tiêu chiến thắng ở Asiad”, McIntyre viết.
McIntyre không quên viết về Olympic Việt Nam, cho rằng chiến thuật bóng đá tiêu cực làm ảnh hưởng tới cơ hội được ra nước ngoài thi đấu ở những nền bóng đá mạnh hơn của các cầu thủ trẻ, nhất là các ngôi sao tấn công.
Olympic Việt Nam được chú ý khá nhiều tại Asiad 2018
“Bất chấp những dư chấn đầy những lời ngợi ca và những phân tích về ‘câu chuyện cổ tích’ của U23 Việt Nam ở Trung Quốc, bao nhiêu cầu thủ trong số họ đã được mời sang thi đấu nước ngoài? Phải, một con số 0.
Olympic Việt Nam cần có lối chơi cởi mở hơn, chủ động tấn công hơn trong các trận giao hữu sẽ được mang sang Asiad và được chia sẻ bởi các đội tuyển khác.
Các nền bóng đá mạnh nhất châu Á đã tỏ rõ sự thờ ơ với mục tiêu thắng/thua ở Asiad và đó là một thông điệp đáng biểu dương. Quốc gia nào giành chiến thắng bằng thứ bóng đá phòng ngự tiêu cực lại được khen là câu chuyện thành công của bóng đá châu Á, điều đó chứng tỏ bóng đá châu Á đang đi sai đường”, cây viết của FOX Sports Asia bình luận.
Những chia sẻ trên gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều người cho rằng việc chọn đấu pháp luôn phải phù hợp với từng đội bóng, bởi đơn giản những đội bóng yếu không thể chơi tấn công đẹp mắt được. Hơn nữa, nếu chơi tấn công phải nhận những thất bại và dừng cuộc sớm cũng chẳng giúp gì cho sự phát triển của bóng đá.
T.L