1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bảng xếp hạng Olympic ngày 30/7: Trung Quốc và Nhật Bản khiến Mỹ hụt hơi

Sông Lam

(Dân trí) - Cuộc cạnh tranh ngôi đầu ở Olympic Tokyo giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn diễn ra hết sức quyết liệt trong ngày 30/7, riêng đoàn thể thao Mỹ gây thất vọng khi không giành được tấm HCV nào hôm nay.

Ngày 30/7, Olympic Tokyo có 21 bộ huy chương được trao. Trong đó, đoàn Thể thao Trung Quốc giành được 4 HCV để tiếp tục dẫn đầu bảng tổng sắp với 19 HCV, 10 HCB và 11 HCĐ, hơn chủ nhà Nhật Bản 2 HCV và Mỹ 5 HCV.

Kình ngư Wang Shun mở đầu cho đoàn Trung Quốc bằng tấm HCV ở nội dung 200 m hỗn hợp cá nhân nam, đồng thời phá kỷ lục châu Á với thời gian 1 phút 55 giây.

Bảng xếp hạng Olympic ngày 30/7: Trung Quốc và Nhật Bản khiến Mỹ hụt hơi - 1

Ma Long mang về HCV thứ tư trong ngày cho đoàn thể thao Trung Quốc ở nội dung đơn nam bóng bàn.

Tiếp đó, đoàn thể thao Trung Quốc dễ dàng có HCV thứ hai trong ngày khi trận chung kết nội dung đôi nam nữ môn cầu lông là trận "nội chiến" giữa cặp Wang Yilyu và Huang Dongping với cặp đồng hương Zheng Siwei và Hang Yaqiong. Ở trận chung kết này, bộ đôi hạt giống số hai Wang Yilyu và Huang Dongping bất ngờ vượt qua bộ đôi hạt giống số một để giành tấm HCV lịch sử cho mình.

Zhu Xueying giành tấm HCV ở môn trampoline (nhảy đệm lò xo), nội dung nữ. Trong khi môn bóng bàn đem về tấm HCV thứ 4 cho Trung Quốc và đây cũng là trận chung kết giữa những người Trung Quốc với nhau. Ma Long đã vượt qua Fan Zhendong 4-2 ở trận chung kết, để bảo vệ thành công tấm HCV Olympic.

Trong ngày hôm nay, chủ nhà Nhật Bản tiếp tục khẳng định thế độc tôn ở môn đấu kiếm và judo khi giành thêm 2 HCV. Dù vậy, tham vọng thâu tóm cả 2 HCV ở môn judo của Nhật Bản tan vỡ khi Harasawa Hisayoshi thi đấu không thành công ở trận chung kết hạng trên 100 kg nam. Chỉ có Akira Sone giành HCV hạng trên 78 kg nữ. Đây là HCV thứ 9 của các võ sĩ judo Nhật Bản tại Thế vận hội Tokyo.

Bảng xếp hạng Olympic ngày 30/7: Trung Quốc và Nhật Bản khiến Mỹ hụt hơi - 2

Kình ngư Nam Phi Schoenmaker vui mừng khi lập kỷ lục thế giới ở nội dung 200m bơi ếch nữ.

Đoàn Thể thao Mỹ có ngày thi đấu thất vọng khi không giành được tấm HCV nào. Họ chỉ có thêm 2 HCB của Lilly King và Ryan Murphy ở các nội dung của môn bơi.

Ủy ban Olympic Nga (ROC) củng cố vị trí thứ 4 khi có thêm 2 HCV nhờ công của Vitalina Batsarashkina ở nội dung 25 m súng ngắn nữ và Evgeny Rylov ở nội dung 200 m bơi ngửa nam. Các vận động của New Zealand cũng có ngày thi đấu thành công khi có thêm 2 HCV ở môn rowing để vươn lên hạng 12 với 3 HCV, 3 HCB và 2 HCĐ.

Môn bơi có 4 bộ huy chương được trao, chia đều cho các kình ngư của Nam Phi, ROC, Australia và Trung Quốc. Tổng cộng có 7 kỷ lục Olympic và thế giới được phá ở môn bơi trong ngày 30/7. Trong đó nổi bật là thành tích của Tatjana Schoenmaker ở nội dung 200 m bơi ếch nữ.

Kình ngư người Nam Phi cán đích đầu tiên với thời gian 2 phút 18 giây 95, phá kỷ lục Olympic và thế giới. Kỷ lục thế giới cũ thuộc về Rikke Moller Pedersen (Đan Mạch) lập từ năm 2013 với thông số 2 phút 19 giây 11.

Môn điền kinh bước vào ngày thi đấu đầu tiên, đáng chú ý với phần thi chung kết 10.000 m nam trong buổi tối. Selemon Barega (Ethiopia) giành HCV với thời gian 27 phút 43 giây 22.

Nguyễn Huy Hoàng là vận động viên duy nhất của Đoàn Việt Nam thi đấu trong ngày. Kình ngư 21 tuổi xếp hạng 12 ở vòng loại 1.500 m tự do nam với thời gian 15 phút 0 giây 24 nhưng anh chính là VĐV châu Á có thành tích tốt nhất ở cự ly này.

Các Đoàn Thể thao trong khu vực Đông Nam Á không giành được thêm huy chương nào. Thái Lan và Philippines đang cùng có 1 HCV, trong khi Indonesia có 1 HCB và 2 HCĐ.

Bảng xếp hạng Olympic ngày 30/7: Trung Quốc và Nhật Bản khiến Mỹ hụt hơi - 3

Bảng tổng sắp huy chương sau ngày 30/7 với vị trí dẫn đầu của đoàn thể thao Trung Quốc.

Dòng sự kiện: Olympic Tokyo