Thất bại của đoàn Việt Nam ở Olympic London 2012
Bài 3: Thể thao Việt Nam phải thay đổi toàn diện sau thất bại
(Dân trí) - Những thất bại liên tiếp trong vài năm trở lại đây của TTVN khiến người hâm mộ không khỏi thất vọng. Đó không đơn thuần chỉ là sự chuẩn bị không kỹ về mọi mặt, chuyên môn kém hay tâm lý yếu, mà chính là lỗi của cả hệ thống của ngành thể thao.
Cần có một chiến lược đúng
Trong nhiều nguyên nhân khiến TTVN thụt lùi so với bè bạn, đau đớn thay chiến lược mang tính vĩ mô mgay từ những ngày hội nhập với thể thao thế giới, lại tác động không nhỏ tới những gì mà chúng ta đạt được ngày hôm nay. Phải đến năm 2010, những môn được cho là đi tắt đón đầu như cầu mây, wushu, thể hình...bị “khai tử” ra khỏi 10 môn được đầu tư “loại 1” đã cho thấy, trong suốt một thời gian dài, chúng ta đã không đi đúng hướng.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đánh rơi HCĐ một cách đáng tiếc
Năm 2011, một lần nữa mục tiêu lọt vào tốp 3 SEA Games 26 vẫn được đặt lên hàng đầu. Oái oăm thay, đây lại là năm mà các nhà quản lý thể thao quả quyết sẽ gạt bỏ tư tưởng huy chương để hướng tới việc đầu tư cho những môn thuộc hệ thống Olympic. Đầu tư cho SEA Games và hài lòng với thành tích đạt được ở sân chơi này, khiến TTVN thường có tư tưởng tham dự Olympic chỉ để cho có. Có huy chương thì tuyệt vời, còn không có thì học hỏi, cọ xát...
Sau Asiad 2010, TTVN đã có một chiến lược phát triển tới năm 2020-tầm nhìn 2030. Đó là một kế hoạch đúng đắn, nhưng rõ ràng thực hiện được lại là cả một vấn đề lớn. Rất nhiều mục tiêu đặt ra, trong đó có những tham vọng mà chỉ mới nghe qua, đã thấy hoành tráng. Đó là mục tiêu có 40 VĐV có vé chính thức tại Olympic 2016, đồng thời giành ít nhất 1 tấm HCV tại kỳ Thế vận hội này.
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam cũng sẽ đăng cai rất nhiều Đại hội lớn như: Đại hội thể thao bãi biển 2016, chạy đua giành quyền đăng cai Asiad 18 tại Hà Nội, SEA Games tại TP.HCM, Olympic trẻ tại TP.HCM…Cùng với những kế hoạch này, TTVN tiếp tục tìm kiếm, đào tạo đội ngũ kế thừa, nâng chất công tác huấn luyện, áp dụng khoa học kỹ thuật, tập huấn, thi đấu cọ xát…Đây là những công việc có khối lượng lớn và nếu không bắt tay ngay từ lúc này, thì chiến lược được phê duyệt sẽ khó trở thành thực tế.
Ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao) nhận xét: “Đó là chiến lược tốt song lại… khó khả thi. Chiến lược được làm khá tỉ mỉ, với những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể nhưng đáng tiếc, cơ sở để hoàn thành nó lại không có trên thực tế”. Theo ông Minh, những VĐV có khả năng góp mặt tại Thế vận hội 4 năm tới, vẫn chỉ dừng lại ở hy vọng, còn việc thành hiện thực hay không còn phải tùy vào thực lực của mỗi người. Điều đáng nói ở đây là việc chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế, lẽ ra cần phải lên kế hoạch kỹ lưỡng, nghiêm túc thì trên thực tế, công tác này lại bị coi nhẹ và qua loa.
Nếu như ở các quốc gia khác, quá trình chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng như Asiad hay Olympic tối thiểu kéo dài từ 4-8 năm. Còn với Việt Nam vẫn tồn tại thực trạng “nước đến chân mới chịu nhảy”. Cụ thể, Asiad 2010 đã khép lại rất lâu nhưng thực tế là chưa một ai nghĩ đến việc chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á 2014.
Còn Olympic 2012 phải đến đầu năm 2011, lãnh đạo Tổng cục TDTT mới rục rịch lên kế hoạch chuẩn bị nhưng thực chất, chỉ có vài tháng trước khi Đại hội diễn ra … Chừng đó, đủ khẳng định sự thờ ơ trong công tác chuẩn bị, một khâu đặc biệt quan trọng quyết định đến thành công của mỗi giải đấu.
Những việc cần làm ngay
Thể thao VN cần những thay đổi quyết liệt và triệt để
Đó là chưa kể, từ rất lâu nay, ở nhiều cấp ngành vẫn thường tồn tại “tư duy nhiệm kỳ”, tức là các nhà lãnh đạo chỉ cố gắng làm sao giành thành tích trong 4 năm nhiệm kỳ của họ mà thường không mấy mặn mà với các mục tiêu kéo dài 8-10 năm. Trong khi đó công tác đào tạo một tài năng trẻ cần khoảng thời gian ít nhất từ 8-13 năm để có thể gặt hái thành quả.
“Tôi đề nghị Tổng cục TDTT cần có sự khảo sát, thống kê đầy đủ, chi tiết thực trạng TDTT tại từng địa phương, từ đó có hoạch định cho sự phát triển của ngành trong 10-15 năm. Ngoài ra thì cũng cần phải có những cơ chế mới cho những người làm thể thao, hoạch định thể thao một “con đường” rộng hơn, tự chủ hơn thì mới có thể thực hiện được các mục tiêu đề ra”, ông Minh nhấn mạnh.
Sự thay đổi, luôn phải đồng bộ mới đạt hiệu quả. Ngoài những vấn đề trên đây, TTVN cũng phải quan tâm hơn nữa với thể thao học đường, nơi được xem là cái gốc của thể thao đỉnh cao. Chỉ có phát triển từ cấp cơ sở, TTVN mới không rơi vào tình trạng đói nhân tài, thành tích phập phù như hiện nay.
Ông Nguyễn Hồng Minh cũng chỉ ra việc xã hội hóa các hoạt động thể thao là bước đi cần thiết và tất yếu nếu muốn phát triển TTVN, đặc biệt trong công tác đào tạo trẻ: “Trên thế giới việc xã hội hóa thể thao là điều tất nhiên nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn thiếu cơ chế khuyến khích và thúc đẩy điều này. Chúng ta cần phải mạnh dạn “mở cửa” cho các thành phần xã hội tham dự công tác quản lý ở các liên đoàn thể thao.
Chỉ khi có thực quyền thì những nhà hảo tâm mới thực sự chấp nhận đầu tư và đam mê, tập trung vào việc phát triển các môn thể thao. Ví dụ như ở môn bóng đá, nếu chủ tịch VFF là một tỉ phú hẳn ông ta sẽ không tiếc tiền đầu tư cho các hoạt động nhằm phát triển môn này. Đây không phải là điều lạ trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn rất hạn chế”.
Bằng Tường