Thất bại của đoàn Việt Nam ở Olympic London

Bài 2: Thể thao Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ thế giới?

(Dân trí) - Đoạt 18 tấm vé tham dự Olympic được xem là bước tiến đáng kể của TTVN. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng, bao giờ cũng là những tấm huy chương. Ở khía cạnh này, TTVN đã thất bại nặng nề tại Olympic năm nay, một lần nữa lại phải hỏi, mình đang đứng ở đâu?

 

Vỏ ốc tâm lý

 

Người hâm mộ Việt Nam đã quá quen thuộc với những lý giải về các thất bại là do tâm lý. Vì tâm lý mà hàng loạt các VĐV, đã rơi rụng ngay từ đầu. Vì tâm lý, những niềm hy vọng đã đánh rơi huy chương trong gang tấc. Nói chung, thất bại nào cũng có thể lý giải về tâm lý. Thế nhưng, hết kỳ Olympic này đến kỳ Olympic khác, cứ mang tâm lý ra để làm vỏ ốc, khiến nhiều người thấy phát chán bởi nó không còn thuyết phục.

 

Chẳng hạn như tay vợt hạng 11 thế giới Nguyễn Tiến Minh. Tay vợt này quanh năm suốt tháng thi đấu các giải đấu lớn nhỏ trên thế giới, nhưng vẫn bị tâm lý thì cũng thật đáng trách. Nếu như 4 năm trước, thất bại của Tiến Minh là điều dễ hiểu, bởi anh còn quá ít kinh nghiệm, còn lần này lại là nỗi thất vọng vô bờ.
 
Thêm một lần nữa Tiến Minh gây thất vọng ở Olympic (Ảnh: Sơn Dũng)
Thêm một lần nữa Tiến Minh gây thất vọng ở Olympic (Ảnh: Sơn Dũng)

 

Ngay trận ra quân, Tiến Minh đã thi đấu chật vật với đối thủ kém mình mấy chục bậc trên BXH. Ở trận thứ 2, trước đối thủ kém mình 10 bậc Tiến Minh càng chẳng thể hiện được gì. Nhìn khuôn mặt Tiến Minh nhợt nhạt trả lời phỏng vấn báo chí sau trận đấu, thật đáng thương cho anh.

 

Lực sĩ Trần Quốc Toàn, đánh rơi huy chương cũng được lý giải là do...tâm lý. Chẳng là trước khi VĐV này nâng tạ, có 2 CĐV là du học sinh Việt Nam cổ vũ quá to khiến Toàn bị giật mình. Chi tiết này được ông TTK Ủy Ban Olympic Việt Nam lý giải, khiến nhiều người phải phì cười.

 

Đáng cười ở chỗ, 1 VĐV đỉnh cao tầm Olympic chỉ vì tiếng cổ vũ mà bị tâm lý thì không còn gì để nói. Nếu chỉ vì cổ vũ, có lẽ chẳng VĐV nào nâng được tạ bởi hầu như VĐV nước nào lên tranh tài, cũng nhận được những tiếng hò reo khích lệ.

 

Thất bại của Hoàng Xuân Vinh được xem là dễ thông cảm nhất bởi trong môn bắn súng, diễn biến tâm lý luôn thay đổi sau từng giây, từng loạt đạn và VĐV nào không vững vàng, sẽ thất bại. Chính Xuân Vinh chỉ vì tâm lý mà bắn hụt viên cuối cùng, dẫn đến việc mất HCV tại Asiad 2 năm trước.

 

Những VĐV có tên tuổi như Tiến Minh, Quốc Toàn, Xuân Vinh...còn bị tâm lý thì những VĐV ít kinh nghiệm như Hoàng Ngọc (bắn súng), Phạm Thị Hài/Phạm Thị Thảo (rowing), Huỳnh Châu, Diệu Linh (taekwondo), Nguyễn Thị Lụa (vật)...bị tâm lý cũng là điều dễ hiểu.

 

Tuy nhiên, vì sao VĐV lại bị tâm lý, dẫu cái lý do tâm lý đó luôn là “vỏ bọc” để giải thích cho những thất bại? Tất cả cũng bắt nguồn từ: Trình độ.

 

Đông nhưng không tinh

 

Trước khi Olympic diễn ra, nhiều người đã lo ngại cho chuyến hành quân rầm rộ của đoàn TTVN tới Olympic. Có 18 VĐV nhưng có tới 38 người “ăn theo”, bao gồm các quan chức, nhân viên y tế, truyền thông...Bỏ qua vấn đề đội quân “ăn theo” nhiều bởi “ta có tiền thì ta cứ đi”, nhưng liệu những người đi theo đó, đã hỗ trợ tốt nhất cho các VĐV.

 

Cứ nhìn một mình Tiến Minh loay hoay mà không có HLV nhắc nhở chiến thuật, nhìn một Trần Lê Quốc Toàn đăng ký mức tạ rồi khởi động thiếu hợp lý...đủ thấy, đội quân “ăn theo” đã không cho thấy vai trò của mình trong chuyến đi này. Song, nếu lấy đó để làm lý do giải thích thất bại là chưa đủ.
 
Thể thao Việt Nam cần phải có chiến lược đầu tư trọng điểm
Thể thao Việt Nam cần phải có chiến lược đầu tư trọng điểm

 

Thất bại của đoàn TTVN có nhiều yếu tố, từ khâu chuẩn bị, tâm lý, sự hỗ trợ của BHL...nhưng, có một yếu tố mà ai cũng phải thừa nhận, chính là trình độ của VĐV Việt Nam chưa đủ tầm ở sân chơi Olympic.

 

Nhiều gương mặt đã "rơi rụng” ngay từ vòng loại. Trong số này, đa số đều được dự báo là sẽ chia tay sớm với Olympic bởi trình độ so với các đối thủ còn quá chênh lệch. Võ sĩ Văn Ngọc Tú lĩnh ấn tiên phong cho đoàn TTVN mang theo kỳ vọng "mở hàng” may mắn.

 

Tuy nhiên, "Nữ hoàng judo Đông Nam Á” đã đụng ngay phải võ sĩ số 1 người Brazil và kết quả là thua chóng vánh. Hà Thanh, Phước Hưng, Ngân Thương (TDDC) cũng được xếp vào dạng nhiều kinh nghiệm trận mạc. Thế nhưng, cả ba không thể nâng độ khó để có thể đọ với các đối thủ, vì vậy thua cũng là điều dễ hiểu.

 

Lê Thị Hoàng Ngọc ở môn bắn súng có vé tham dự Olympic một cách may mắn khi cô được đôn vị trí. Vì thế, tham dự Olympic cũng đã là một thành công chứ không mơ ước gì hơn. Tiếp đến, Ánh Viên cũng được dự đoán sẽ về nước sớm và điều đó đã xảy ra. Mục tiêu duy nhất của Ánh Viên tại Thế vận hội lần này là vượt lên chính mình.

 

Những thất bại của Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm) và Phạm Thị Hài/Phạm Thị Thảo (rowing), Nguyễn Thị Lụa (vật), Huỳnh Châu, Diệu Linh (taekwondo), Việt Anh, Thanh Phúc (điền kinh)... gần như là hiển nhiên. Trong số này, có những thất bại thua tới 1-13 của Diệu Linh, 0-5 của Lụa hay thành tích quá kém của Phạm Thị Hài/Phạm Thị Thảo phản ánh đúng thực lực của VĐV Việt Nam.

 

Những thất bại của Xuân Vinh, Quốc Toàn đáng tiếc hơn, nhưng không thể lấy lý do kém may mắn để lý giải. Nếu cho rằng, chỉ cần Toàn cố thêm 2kg nữa, còn Vinh cố thêm 0,1 điểm nữa ở Olympic tới là có huy chương, thì suy nghĩ đó hoàn toàn là sai lầm. Thực tế, đó lại là một khoảng cách cực lớn và trong điều kiện hiện tại, các VĐV Việt Nam làm được như vậy cũng là một nỗ lực quá lớn.

 

TTVN chưa bao giờ có số lượng VĐV tham dự đông như lần này, nhưng số lượng lại không đi với chất lượng. Tất cả cho thấy, chúng ta vẫn chưa có môn mũi nhọn để cứ tham dự là có cửa tranh huy chương. Do đó, thất bại của đoàn TTVN, nếu không được nhìn ra một cách sâu rộng, sẽ không bao giờ chúng ta đủ tầm ở sân chơi Olympic.

 

Hiểu Minh

Dòng sự kiện: Olympic London 2012

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm