1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Thất bại của đoàn Việt Nam ở Olympic London

Bài 1: Đoàn Việt Nam yếu ngay khâu chuẩn bị cho Olympic

(Dân trí) - Olympic đã chính thức khép lại với đoàn TTVN và chúng ta đã không giành được tấm huy chương nào. Vẫn biết sân chơi Olympic luôn là quá tầm, nhưng nếu TTVN có một sự đầu tư nghiêm túc hơn về mọi mặt cho sân chơi này, có lẽ kết quả đã khác.

 

Vấn đề tiên quyết trong mỗi thành công ở những đại hội thể thao lớn, chính là khâu chuẩn bị của mỗi quốc gia tham dự. Trong khi các nước chuẩn bị ngay sau khi Olympic 2008 kết thúc thì với TTVN, chúng ta chủ yếu chỉ chuẩn bị vài tháng. Ngặt nỗi, ngay cả vài tháng ấy, cũng có rất nhiều trục trặc...

 

Trong 1 phát biểu mới nhất, nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh đã lên tiếng chỉ trích khâu chuẩn bị của đoàn TTVN tại Olympic: “Không đâu có sự chuẩn bị như đoàn TTVN”. Đó không phải là một chỉ trích quá lời, nếu như nhìn lại toàn bộ những gì các VĐV đoạt vé tới Olympic được đầu tư thời gian qua.
 
Hà Thanh đã không cải thiện được thành tích sau vòng loại (Ảnh: AFP)
Hà Thanh đã không cải thiện được thành tích sau vòng loại (Ảnh: AFP)

 

Đầu tiên, gương mặt Phan Thị Hà Thanh, người từng được tung hô: “Đó thực sự là một điều kỳ diệu với TDDC và thể thao nước nhà”. Chuyện tranh vé bằng cửa chính thức với TDDC xưa nay vẫn chỉ là ước mơ, nhưng nó đã thành hiện thực. Tuy nhiên, sau thành công ấy, không hiểu người ta đang ngủ say trên chiến thắng hay không mà quên đi nhiệm vụ rất quan trọng: Trang bị tốt nhất về mọi mặt cho Hà Thanh để cô tự tin bước vào sân chơi Thế vận hội.

 

Trong môn TDDC, điều quan trọng nhất giúp 1 VĐV đoạt thành tích chính là việc nâng cao độ khó bài thi của mình. Bản thân tấm vé lịch sử của Hà Thanh, cũng bởi VĐV người Hải Phòng đã quyết định nâng độ khó hơn so với các đối thủ cạnh tranh và đã đạt HCĐ tại giải VĐTG. Các VĐV không thể tự đẩy cao độ khó của mình mà phải có quá trình luyện tập, với sự giúp đỡ của các chuyên gia.

 

Xác định là vậy nhưng cho đến khai mạc Olympic, Hà Thanh vẫn chủ yếu tập chay là chính”. Sau khi chuyên gia người Trung Quốc Cao Vân Đoạn đã xin về nước vì vợ ốm, để lại cô học trò một mình thui thủi tập luyện. Nói Hà Thanh không được quan tâm có phần thiếu chính xác bởi VĐV này đã được bố trí 1 HLV của ...ĐT trẻ Hà Nội sang kèm cặp, nhưng như thừa nhận của Hà Thanh, chủ yếu chỉ giúp Hà Thanh tránh chấn thương là chính, chứ không giúp cô nâng cao được độ khó các bài tập.

 

Hà Thanh không phải là trường hợp duy nhất có khâu chuẩn bị không đến nơi đến chốn của đoàn TTVN. Hai xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Hoàng Ngọc, cũng chỉ được tập huấn tại Hàn Quốc ít ngày trước khi tham dự Olympic. Đô vật Nguyễn Thị Lụa sau năm lần bảy lượt HLV người Triều Tiên không sang Việt Nam, cũng phải tập với các HLV nội.

 

Điền kinh cũng hầu như không có đợt tập huấn nước ngoài nào. Các đội tuyển khác như cầu lông, taekwondo, đấu kiếm, judo... khá hơn khi được ra nước ngoài tập huấn và có chuyên gia ngoại dẫn dắt, nhưng chủ yếu cũng chỉ sát ngày mới có những đầu tư này. Cụ thể như tay vợt Tiến Minh, chỉ được thuê quân xanh người Indonesia trong khoảng hơn 1 tháng. aekwondo có 2 chuyến tập huấn ngắn ngày tại Hàn Quốc và Pháp, judo cũng chỉ tập khoảng hơn 1 tháng tại Trung Quốc...

 

Riêng môn cử tạ, phải đến khi kết thúc giải VĐCA, cử tạ Việt Nam mới xác định đâu là gương mặt sẽ đầu tư cho Olympic. Bởi thế, dù có chuyến tập huấn tại Bulgaria, nhưng rõ ràng là kế hoạch diễn ra một cách vội vã, dẫn đến thiếu hiệu quả.
 
Trần Lê Quốc Toàn đã chịu cảnh trắng tay cay đắng
Trần Lê Quốc Toàn đã chịu cảnh trắng tay cay đắng

 

Quá trình chuẩn bị của đoàn TTVN đến tận sát ngày khai mạc vẫn gặp trục trặc. Chuyện 2 đội tuyển TDDC và điền kinh tới Anh tập huấn nhưng khi đến nơi mới biết, địa điểm tập huấn thậm chí còn không có đủ thiết bị, sân bãi để tập. Để khắc phục khó khăn, mỗi ngày các VĐV phải di chuyển cả đi và về gần 100km để tập nhờ những địa điểm khác.

 

Nguyên nhân dẫn đến sự chuẩn bị hời hợt của TTVN cũng sớm được chỉ ra, đó chính là tư tưởng tham dự Olympic theo kiểu cho có. Chính ông Hồng Minh nói rằng, các quan chức nước nhà chỉ xác định việc có vé tới Olympic cũng là một thành công rồi, chứ đâu có nghĩ tới kế hoạch tranh chấp huy chương.

 

Với tư tưởng “khó có cửa huy chương” hay “trông chờ vào may mắn”, nên sự đầu tư đã không quyết liệt và đúng hướng. Nhiều người cho rằng, thay vì môn điền kinh tốn bao tiền của đầu tư cho 2 VĐV Thanh Hằng và Vũ Thị Hương chỉ để làm sao có mặt tại Olympic, mà dùng số tiền đó tập trung cho cử tạ, bắn súng, có lẽ chúng ta đã có huy chương.

 

Dẫu sao thì đoàn TTVN đã không có sự nghiêm túc ngay từ quá trình chuẩn bị. Nên nhớ, ngay sau khi Olympic Bắc Kinh 4 năm trước kết thúc, các nước đã có sự chuẩn bị. Thậm chí với không ít nước, để có 1 VĐV được cho là “quân bài chiến lược” bất ngờ xuất hiện để ẵm huy chương, đã phải đầu tư hàng chục năm trước.

 

Thế mới thấy, việc đầu tư vài tháng của TTVN rồi thu được những kết quả thất vọng, cũng chẳng có gì là bất ngờ. Chỉ có điều, sau mỗi lần tham dự Olympic, TTVN vẫn không sao rút ra được bài học.

 

Dám chắc tại SEA Games tới đây, TTVN sẽ lại đặt mục tiêu vào tốp đầu, để rồi sau khi hoàn thành xuất sắc mục tiêu đó, chúng ta sẽ lại tự hài lòng với những gì mà mình đã làm được mà quên đi rằng, ngay cả trong khu vực, các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia...đã từ lâu bỏ sân chơi “ao làng” SEA Games để tập trung cho Asiad hay Olympic.

 

Hiểu Minh

Dòng sự kiện: Olympic London 2012