Adidas với "trận thua" đầu tiên ở World Cup

World Cup 2006 chưa khởi tranh, nhưng hãng sản xuất đồ thể thao hàng đầu thế giới, Adidas, đã thua điểm trước những đối thủ đáng gờm lâu nay như Puma hay Nike. Đây là điều chưa từng xảy ra ở các vòng chung kết Cup bóng đá thế giới.

Ở những kỳ World Cup trước đây, Adidas luôn đi đầu trong việc cung cấp trang phục thi đấu cho các đội tuyển quốc gia. Thế nhưng năm nay, họ đã phải chịu lép vế. Trong số 32 đội tuyển tham dự World Cup 2006 lần này, chỉ có 6 sẽ mặc trang phục của Adidas.

 

Trong khi đó, 8 đội "diện" đồ của nhà cung cấp được coi là có tiếng nhất thế giới hiện nay, Nike, bao gồm cả Brazil. Cũng là "người Đức", nhưng Puma đã hơn hẳn Adidas trong cuộc chiến này. Họ sẽ tài trợ trang phục cho 12 đội tuyển quốc gia.

 

Adidas thực ra đã không may mắn khi những đối tác lớn và lâu năm của họ như Hy Lạp, Nigieria và Trung Quốc không thể vượt qua vòng loại.

 

Chi phí marketing không được tiết lộ, nhưng cả Nike và Puma đều nói rằng chưa bao giờ họ đầu tư những món tiền khổng lồ cho một chiến dịch quảng bá lớn như vậy để thách thức Adidas.

 

Nhưng hiện nay, theo các nhà phân tích kinh tế, Adidas vẫn chiếm thị phần 35%, trong khi Nike chỉ có 30% và Puma vào khoảng 9%.

 

Hãng thời trang thể thao Mỹ đã chọn SVĐ Olympic Berlin làm nơi khởi đầu cho chiến dịch tấn công Adidas và trưng bày những bộ trang phục dành cho World Cup của mình.

 

Adidas với "trận thua" đầu tiên ở World Cup  - 1
 

Hãng Nike kịp qua mặt Adidas

với quyền quảng cáo cho 8 đội QG dự World Cup 

 

Nơi đây cũng sẽ là địa điểm tổ chức trận chung kết World Cup vào ngày 9/7. Nike hy vọng lặp lại được thành công của họ ở World Cup 2002, đặc biệt trong trận chung kết, khi Nike (tài trợ cho Brazil) đã chiến thắng Adidas (tài trợ cho Đức).

 

Nhờ thành công này, doanh thu từ tiền bán các bộ trang phục lưu niệm đã tăng đột biến trong thời gian khoảng 1 tháng. Còn một trong những dự định lớn nhất của Puma là mở các cửa hàng lưu niệm tại thành phố nơi các đội tuyển mà họ tài trợ sẽ thi đấu và trưng bày cả hình ảnh của vua bóng đá Pele mặc trang phục Puma.

 

Thế nhưng, Adidas thề sẽ giành lại những "miếng bánh" vốn thuộc quyền sở hữu của họ lâu nay, và có cơ sở để làm điều đó. Adidas có lợi thế rất lớn khi là nhà tài trợ chính thức cho Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), với một quyền lợi quan trọng nhất là quyền quảng cáo ở 12 SVĐ.

 

Với tổng cộng số khán giả dự tính là khoảng 32 tỷ người trên khắp thế giới sẽ theo dõi 64 trận đấu qua truyền hình, nhiều hơn World Cup 2002 ở Hàn Quốc và Nhật Bản 10%, Adidas có vẻ không gặp trở ngại gì trong kế hoạch kinh doanh của mình.

 

Adidas cũng sẽ cung cấp bóng, trang phục của trọng tài chính, trợ lý trọng tài và đội ngũ nhặt bóng. Họ cũng có quyền bán một số đồ lưu niệm có logo của World Cup.

 

Cuộc chiến nhiều thập kỷ

 

Trong nhiều thập kỷ qua, Adidas vẫn thường thống trị thị trường trang phục trong bóng đá kể từ khi họ cung cấp cho ĐTQG Đức những đôi giày đinh tại World Cup 1954. Chính những "chiếc đinh" đã giúp Đức đánh bại Hungary trong trận chung kết diễn ra dưới trời mưa tầm tã.

 

Ngoài ra, Adidas có hợp đồng tài trợ riêng với khoảng 30 cầu thủ bóng đá khác, cho họ mặc những trang phục có logo của Adidas dù ĐTQG của họ có hợp đồng với những đối thủ cạnh tranh. Chính thủ quân đội tuyển Anh, David Beckham, sẽ mang giày Adidas nhưng sẽ mặc quần áo của Umbro cùng toàn đội.

 

Nhưng đôi khi những bản hợp đồng kiểu đó đã tạo ra những rắc rối. Huyền thoại người Hà Lan, Johann Cruyff, một đối tác của Puma, đã từ chối thi đấu trong bộ trang phục Adidas ở trận chung kết World Cup năm 1974 với Tây Đức.

 

Theo H.L.

Vnexpress/ Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm