10 sự kiện vui - buồn của bóng đá Việt Nam năm 2011

(Dân trí) - Trong nỗi thất vọng cùng cực sau thất bại của U23 Việt Nam, sự ra đời của VPF chẳng khác nào chiếc “phao cứu sinh” đối với niềm tin của người hâm mộ. Trong những ngày cuối năm, chúng ta hãy cùng nhìn lại chuỗi sự kiện vui - buồn BĐVN vừa trải qua…

1, Đội U23 Việt Nam thất bại toàn diện ở SEA Games 26

 

Được đầu tư chu đáo và đặt dưới sự dẫn dắt của vị “thuyền trưởng” từng có kinh nghiệm cầm quân ở giải Bundesliga, U23 Việt Nam được kỳ vọng sẽ chấm dứt cơn khát “vàng” đã kéo dài suốt 52 năm trong kỳ SEA Games tổ chức tại Indonesia. Tuy nhiên, tất cả lại kết thúc trong cảnh thất bại ê chề khó có thể diễn tả hết bằng lời.
 
10 sự kiện vui - buồn của bóng đá Việt Nam năm 2011 - 1
 Nỗi thất vọng mang trên U23 Việt Nam - Ảnh: Thục Linh
 

Thầy trò HLV Falko Goetz mở đầu SEA Games bằng những trận đấu chật vật ở vòng bảng, trước khi để U23 Indonesia đánh bại 2-0 trong trận Bán kết tại “chảo lửa” Gelora Bung Karno. Đến trận tranh HCĐ, U23 Việt Nam tiếp tục phô diễn thái độ bạc nhược và để “đàn em” Myanmar hạ gục với tỷ số xấu hổ 1-4. Sau thất bại này, dư luận đã đồng loạt chỉ trích chiến lược đầu tư và cung cách quản lý yếu kém của VFF. Thất bại này được xem là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định từ chức của TTK Trần Quốc Tuấn.

 

2, “Bầu” Kiên công kích trực diện các mảng tối giải V-League

 

Nếu tổ chức cuộc bầu chọn ra nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất làng bóng đá nội, chắc chẳng ai qua mặt được “bầu” Kiên của CLB bóng đá Hà Nội. Tại hội nghị tổng kết mùa giải 2011, Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên mạnh dạn chọc tung mọi “ung nhọt” đang tồn tại, gặm nhấm bóng đá nước nhà. Lời nhận xét của “bầu” Kiên đã mở đầu cho làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận, trước khi buộc VFF phải chấp nhận thay đổi cho phù hợp với sự phát triển.

 

3, Công ty VPF chính thức được “khai sinh”

 

Nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ người hâm mộ và nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào bóng đá. Ngày 28/9, “bầu” Kiên tiếp tục gây chấn động dư luận khi chấp bút viết ra bản đề án thành lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp gọi tắt là VPF với tiêu chí làm trong sạch, cải tạo chất lượng giải đấu.
 
10 sự kiện vui - buồn của bóng đá Việt Nam năm 2011 - 2
 "Bầu" Kiên xứng đáng là nhân vật trong năm của BĐVN - Ảnh: Gia Hưng
 

Ngày 14/12, công ty VPF chính thức ra đời và được đặt dưới sự quản lý và giám sát của nhiều ông bầu nổi tiếng như: Đoàn Nguyên Đức, Nguyễn Đức Kiên, Võ Quốc Thăng, Lê Quang Lãm cùng 2 lãnh đạo được đánh giá rất cao trong ê kíp lãnh đạo VFF là Phó chủ tịch chuyên môn Phạm Ngọc Viễn, Phó chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng. Với mô hình hoạt động đưa quyền quyết định về cho CLB và mạnh tay với các biểu hiện tiêu cực, VPF đang được kỳ vọng sớm nâng tầm cho bóng đá Việt Nam.

 

4, HLV Calisto chia tay bóng đá Việt Nam

 

Sau 10 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam từ cấp độ CLB (ĐT Long An) và đội tuyển (U23 Việt Nam, ĐTQG). Tháng 3/2011, ông thầy mang biệt danh “phù thủy” Calisto quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với VFF để có điều kiện thử sức ở CLB Muang Thong United (Thái Lan). Tuy nhiên, mối lương duyên giữa HLV Calisto và đội “Chelsea Thái Lan” lại sớm tan vỡ chỉ sau 6 tháng vì những va chạm hậu trường.
 
10 sự kiện vui - buồn của bóng đá Việt Nam năm 2011 - 3
 HLV Calisto bất ngờ chia tay BĐVN sau gần 10 năm gắn bó - Ảnh: Ngọc Cương
 

5, VFF trao niềm tin vào cựu “thuyền trưởng” Hertha Berlin

 

Cuộc chia tay bất ngờ của HLV Calisto đẩy VFF phải lên kế hoạch tìm người kế nhiệm ngoài dự kiến. Có rất nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên nên trao cơ hội cho thầy nội, nhưng cuối cùng VFF vẫn quyết định lựa chọn ông Falko Goetz ngồi vào “ghế nóng”.

 

Ông thầy người Đức khởi đầu ấn tượng với ĐTVN, nhưng khi chuyển sang dẫn dắt đội U23 lại là nỗi thất vọng lớn khi chỉ đứng hạng 4 tại SEA Games 26. Hiện “thuyền trưởng” Falko Goetz đang đứng trước nguy cơ bị VFF sa thải trước thời hạn.

 

6, SL Nghệ An giành lại vinh quang sau hành trình 10 năm

 

Không thuộc nhóm “đại gia” được đánh giá cao trước mùa giải V-League 2011, SL Nghệ An vẫn thi đấu ấn tượng dựa trên bộ khung nội vững chắc và các ngoại binh chất lượng đến từ Jamaika. Đội bóng xứ Nghệ đã “hạ bệ” Hà Nội T&T ở lượt đấu cuối tại “chảo lửa” Vinh để đăng quang ngôi “vương”. Chức vô địch V-League là phần thưởng xứng đáng cho SL Nghệ An sau 10 năm phấn đấu.

 

7, Cú “lật kèo” ngoạn mục của Lê Công Vinh
 
10 sự kiện vui - buồn của bóng đá Việt Nam năm 2011 - 4
 Công Vinh chấp nhận mang tiếng "lật kèo" khi về CLB bóng đá Hà Nội
- Ảnh: Thục Linh
 

Chân sút Lê Công Vinh giờ đã là người của CLB bóng đá Hà Nội, tuy nhiên cách lựa chọn “bến độ” của cầu thủ gốc xứ Nghệ vẫn khiến nhiều đồng nghiệp phải “nể phục”. Từng tuyên bố muốn cống hiến trọn đời cho Hà Nội T&T, sau cuộc gặp mặt “bầu” Hiển. Chỉ 3 ngày sau đó, “tình yêu” ấy bất ngờ được dịch chuyển sang đội bóng của “bầu” Kiên khiến cho ông chủ cũ chỉ còn biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

 

8, Hành động phản ứng trọng tài” nở rộ”  ở giải quốc nội

 

Trong mùa giải đầu tiên chuyển mình lên chuyên nghiệp sau tròn 10 năm thử nghiệm, giải V-League đã phải hứng chịu vô số hành động và lời chỉ trích thậm tệ của các HLV nội. Gần như vòng nào cũng xuất hiện phản ứng từ các đội bóng, nhiều “vua sân cỏ” còn bị so sánh như “mafia” sau những sai lầm rõ như ban ngày trên sân cỏ.

 

9, Hòa Phát HN từ bỏ bóng đá

 

Sau gần 10 năm đầu tư vào bóng đá, kết thúc V-League 2011 tập đoàn Hòa Phát quyết định chia tay và chuyển giao CLB Hòa Phát HN cho người bạn thân Nguyễn Đức Kiên. Về hình thức, Hòa Phát khẳng định rút lui khỏi bóng đá để dành thời gian cho công việc kinh doanh. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa lại đến từ những bức xúc dồn nét do thứ bóng đá tiêu cựu, xin - cho tồn tại lẩn khuất trong làng bóng đá Việt Nam.

 

10, Nhiều  “vua sân cỏ” mất việc

 

V-League  2011 cũng là năm chứa đựng rất nhiều rủi ro với lực lượng trọng tài Việt Nam. Sau mùa giải đã có 3 gương mặt bị loại bỏ khỏi đời sóng bóng đá là: Trần Công Trọng (Bến Tre), Nguyễn Văn Quyết (Thái Bình) vì liên quan đến việc “trợ giúp” cho V. Hải Phòng. Đỗ Quốc Hoài (Hải Phòng) cũng phải chia tay vì rắc ngoài sân cỏ.

 

Quang Vinh (tổng hợp)