"Yếu tố Trung Quốc" trong mối quan hệ đang dậy sóng giữa Ấn Độ và Pakistan
(Dân trí) - Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan luôn âm ỉ căng thẳng vì vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir. Sự kình địch giữa hai quốc gia Nam Á phần nào cũng bị tác động bởi yếu tố Trung Quốc, khi Bắc Kinh coi Islamabad là đồng minh then chốt trong khi xem New Delhi là đối thủ.
Vụ tấn công khủng bố đẫm máu
Trong bài viết đăng trên báo Channel NewsAsia ngày 6/3, ông Shashi Tharoor, cựu Phó tổng thư ký Liên hợp quốc và hiện là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Đối ngoại của quốc hội Ấn Độ, nhận định rằng nỗ lực của Ấn Độ nhằm gây sức ép với Pakistan trên trường quốc tế vì cáo buộc nương tay với khủng bố đã tạo thành bức tường ủng hộ khổng lồ của Trung Quốc đối với chính quyền tại Islabamad.
Mọi người đều hi vọng rằng căng thẳng mới nhất giữa Ấn Độ và Pakistan, vốn bùng phát sau một vụ tấn công khủng bố làm hơn 40 cảnh sát bán quân sự của Ấn Độ thiệt mạng tại quận Pulwama thuộc bang Jammu và Kashmir vài tuần trước, sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Tuy nhiên, dù cuộc khủng hoảng hiện thời kết thúc, xung đột giữa hai nước vẫn bị tác động bởi một bên thứ ba: Trung Quốc.
Vụ tấn công công mới nhất tại Jammu và Kashmir, vốn giáp biên giới Pakistan, đã gây ra những câu hỏi mới về sự phớt lờ của Trung Quốc đối với nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed (JeM) trú ẩn tại Pakistan.
JeM đã nhanh chóng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, khi một kẻ đánh bom liều chết 21 tuổi kích hoạt khối thuốc nổ 300kg nhàm vào một đoàn xe cảnh sát 78 chiếc của Ấn Độ.
Ấn Độ có lịch sử đau buồn với thủ lĩnh và người sáng lập JeM, Maulana Masood Azhar, kẻ được thả khỏi một nhà tù ở Ấn Độ vào năm 1999, cùng với 2 phần tử khủng bố khác, để đổi lấy các hành khách trên một chuyến bay của hãng hàng không Indian Airlines mà các phần tử khủng bố Pakistan đã không tặc trên đường đi Kandahar tại Afghanistan, khi đó do Taliban kiểm soát.
JeM sau đó tiếp tục phát động vài cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Ấn Độ, trong đó có vụ tấn công năm 2016 vào một căn cứ quân sự tại Uri, cũng ở bang Jammu và Kashmir, khiến 19 binh sĩ thiệt mạng.
Ấn Độ đã buộc tội Maulana Masood Azhar - thủ lĩnh nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed cư trú tại Pakistan, là chủ mưu vụ tấn công nhằm vào các cảnh sát Ân Độ, làm hơn 40 người chết (Ảnh: Reuters)
Mặc dù Pakistan chiến đấu chống lại với một số nhóm khủng bố Hồi giáo (đáng chú ý là Taliban tại Pakistan, vốn muốn lật đổ chính phủ), nhưng ông Shashi Tharoor cáo buộc quốc gia Nam Á này cũng theo đuổi các mục tiêu chiến lược bằng việc làm ngơ với các nhóm khủng bố vốn tấn công các mục tiêu tại Ấn Độ, Afghanistan và Iran.
Với sự phớt lờ của Pakistan, Azhar và JeM đang công khai lập địa bàn tại thị trấn Bahawalpur (thuộc tỉnh Punjab) điều hành các khu huấn luyện và các trại vũ trang tại vài địa điểm, trong đó có Balakot (mà Không quân Ấn Độ tấn công trong một cuộc không kích hồi tuần trước).
Azhar đi lại và phát ngôn tự do trên khắp Pakistan, khoe khoang các “thành tích” khủng bố của mình, cũng giống như Hafiz Saeed, thủ lĩnh nhóm Lashkar-e-Taiba bị tình nghi là chủ mưu các vụ tấn công ngày 26/11 làm 166 dân thường thiệt mạng tại Mumbai vào năm 2008.
Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng để buộc Azhar phải bị cấm vận theo nghị quyết 1267 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm đóng băng các tài khoản ngân hàng và hạn chế hành động của y bên ngoài Pakistan.
"Yếu tố Trung Quốc" trong quan hệ kình địch Ấn Độ - Pakistan
Nhưng mặc dù 14 trong số 15 thành viên của Hội đồng Bảo an ủng hộ một đề xuất như vậy thì Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Pakistan, đã 3 lần cản trở điều đó.
Không khó để lý giải lý do Trung Quốc làm như vậy. Trung Quốc tự miêu tả mình là một đồng minh “mọi kiểu thời tiết” của Pakistan, và xem nước này là một đối trọng với Ấn Độ.
Một điều đáng chú ý là, Pakistan là một nhân tố chính trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, mà trung tâm là Sáng kiến kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), kết nối phía tây Trung Quốc với cảng Gwadar trên bờ biển Balochistan của Pakistan.
Dự án CPEC trị giá 66 tỷ USD, khi hoàn thành, sẽ trở thành dự án phát triển đơn lẻ ở nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc và sẽ giảm hơn một nửa chi phí vận chuyển cho giao thương của Trung Quốc với Vịnh Ba Tư.
Đó là một dự án rất lớn đối với Trung Quốc và cũng có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế. Dự án dường như cũng đảm bảo vai trò không thể thiếu của Pakistan trong các tính toán địa chính trị của Trung Quốc trong nhiều năm tới.
Mặc dù Trung Quốc cũng tham gia cùng các nói tiếng toàn cầu nhằm lên án vụ đánh bom liều chết nhằm vào cảnh sát Ấn Độ hôm 14/2 nhưng nước này một lần nữa cho thấy rõ rằng Bắc Kinh không vội hành động để cấm vận trùm khủng bố Azhar.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đang đối mặt với các cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 tới, đang chịu sức ép lớn ở trong nước nhằm hành động quyết liệt chống lại nhóm JeM. Tại một sự kiện công khai không lâu sau vụ tấn công khủng bố, ông Modi nói: “Sự giận dữ đang lên rất cao, máu của dân tộc đang sôi lên… Chúng ta phải có biện pháp đáp trả phù hợp và kiên quyết. Chúng ta phải đưa những kẻ đứng sau vụ tấn công ra ánh sáng”.
Một máy bay chiến đấu của Ấn Độ sau đó đã bị Pakistan bắn rơi trong cuộc không chiến giữa hai nước và phi công bị bắt giữ. Việc Pakistan phóng thích phi công sau vài ngày sau đó đã giúp giảm căng thẳng. Và mặc dù hai nước đã ở trên bờ vực của chiến tranh, Ấn Độ biết rằng các lựa chọn chính của nước này là con đường ngoại giao.
Nỗ lực của Ấn Độ nhằm gây sức ép với Pakistan trên trường quốc tế vì cáo buộc phớt lờ khủng bố đã tạo thành một bức tường ủng hộ khổng lồ của Trung Quốc đối với chính phủ tại Islamabad.
Các quốc gia khác cũng có các lý do để không cô lập Pakistan. Mỹ cần Pakistan vì Afghanistan, đặc biệt là kênh để đàm phán một thỏa thuận với Taliban Afghanistan.
Nhưng Thủ tướng Modi đặc biệt lúng túng với sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc đối Pakistan. Khi còn là lãnh đạo đối lập, ông Modi đã mạnh mẽ chỉ trích chính sách được xem là nhân nhượng của chính phủ Ấn Độ đối với Trung Quốc. Nhưng kể từ khi ông trở thành thủ tướng, Trung Quốc tiếp tục chặn Ấn Độ ngăn cản nỗ lực của New Delhi gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), một nhóm gồm 48 quốc gia thành viên kiểm soát hoạt động trao đổi thương mại và công nghệ hạt nhân nhạy cảm.
Ông Modi cũng không thể ngăn chặn Trung Quốc đưa Sáng kiến kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) qua vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát (mà Ấn Độ xem là một sự vi phạm chủ quyền) và cũng không ngăn được Trung Quốc tái khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ (mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng).
Năm ngoái, Ủy ban thường trực về các vấn đề đối ngoại của quốc hội Ấn Độ đã ra một báo cáo về quan hệ Ấn - Trung, vốn khiến chính phủ của ông Modi phải hành động rất thận trọng về các vấn đề nhạy cảm với Trung Quốc, và cho rằng Ấn Độ không thể tiếp tục “chính sách đối ngoại thân thiện với Trung Quốc”.
Sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào các cảnh sát Ấn Độ hôm 14/2, Mỹ đã yêu cầu Pakistan “ngừng ngay tức thì sự ủng hộ cũng như vai trò thiên đường trú ẩn đối với tất cả các nhóm khủng bố”. Anh và Pháp đã hành động để thông qua một “tuyên bố tổng thống” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án vụ đánh bom và tổ chức khủng bố JeM.
Bất chấp sự phản đối ban đầu của Trung Quốc, họ đã tái khởi xướng việc liệt phần tử khủng bố Azhar vào danh sách đen, một tiến trình cho phép các thành viên đưa ra lập trường tới ngày 13/3. Gần như chắc chắn 14 quốc gia sẽ bỏ phiếu ủng hộ, nhưng hãy chờ xem Trung Quốc sẽ hành động ra sao.
An Bình
(Lược dịch)