Yêu cầu LHQ điều tra Trung Quốc phá hoại môi trường biển Đông
Một tổ chức phi chính phủ hôm 7-10 đã đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) yêu cầu điều tra hoạt động cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở biển Đông, gây tác động tiêu cực đối với các nguồn tài nguyên biển.
Trong thư gửi cho Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner, ông Roile Golez, nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines, kêu gọi các cơ quan trên "điều tra và có hành động thích hợp" đối với hoạt động cải tạo của Trung Quốc đã "hủy diệt các rạn san hô ở biển Đông".
Ông Golez đã trích dẫn Công ước quốc tế về đánh bắt cá và bảo tồn tài nguyên sinh vật biển cùng Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) vừa được các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra mới đây để làm căn cứ cho những khiếu nại của tổ chức này.
Hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ của mình cho việc thiết lập các mục tiêu phát triển mới nhằm mục đích kiềm chế tình trạng nghèo đói trong 15 năm tiếp theo. Một trong 17 SDG này có SDG nhằm mục đích "bảo tồn và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên biển để phát triển bền vững".
"Chúng tôi cảnh báo rằng hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở biển Đông đã và đang gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được đối với các rạn san hô ở khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt ở đá Vành Khăn, Chữ Thập, Gạc Ma, Ga Ven và Tư Nghĩa", Golez cho biết trong thư của mình.
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 20-9-2015 cho thấy Trung Quốc hoàn tất đường băng trái phép trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: IHS)
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 7-10, ông dẫn lời nhà sinh học biển John McManus, người nói rằng hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở biển Đông đang "làm biến dạng các rạn san hô ở khu vực này với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người".
Golez nhấn mạnh rằng theo giới chuyên gia về sinh vật biển, những thiệt hại gây ra đối với các rạn san hô trong khu vực có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 300 triệu dân, những người vốn sinh sống phụ thuộc vào biển Đông, nơi chiếm 10% sản lượng hải sản thế giới.
"Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến Philippines nói riêng mà còn toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cả thế giới nói chung" - Golez nói. Ông cũng cho biết thêm rằng cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng cảnh tỉnh về tình hình ở biển Đông và có hành động cụ thể để ngăn chặn.
Golez tin tưởng LHQ và UNEP sẽ đồng ý với Marcha rằng các hoạt động của Trung Quốc là "vi phạm trực tiếp và phá hoại mục tiêu SDG mà đã được phê duyệt" và xem xét đề nghị của tổ chức phi chính phủ này.
Theo Bảo Anh
Pháp luật TPHCM