1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Y tế quá tải, bác sĩ Thái Lan điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bãi đậu xe

Minh Phương

(Dân trí) - Các bệnh viện quá tải do số ca nhiễm tăng nhanh buộc bác sĩ phải điều trị cho bệnh nhân ở các bãi đậu xe, trong khi những người không có cơ hội điều trị chết tại nhà hay trên phố.

Y tế quá tải, bác sĩ Thái Lan điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bãi đậu xe - 1

Nhân viên y tế gom thi thể người chết vì Covid-19 trên đường phố Bangkok hôm 20/7 (Ảnh: Berna News).

Từng được coi là hình mẫu chống dịch nhưng kể từ khi làn sóng Covid-19 thứ ba bùng phát hồi tháng 4, Thái Lan vẫn đang phải quay cuồng đối phó, hệ thống y tế thậm chí đã trên bờ vực sụp đổ vì số ca nhiễm tăng vọt. Nguyên nhân đợt bùng phát nghiêm trọng này được cho là do sự xuất hiện của các biến chủng mới dễ lây lan, đặc biệt là Delta. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan bị cho là đã chần chừ triển khai lệnh phong tỏa.

Chỉ trong vòng 4 tháng, số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này đã từ chưa đầy 100 ca tăng lên 4.146 ca. Riêng trong ngày hôm nay 27/7, Thái Lan có thêm hơn 14.000 ca nhiễm mới và 118 ca tử vong.

Các nguồn tin tình nguyện viên cho biết, một số bệnh nhân Covid-19 chết tại nhà vì bệnh viện đã kín giường bệnh. Một số trường hợp tử vong trên đường phố ở Bangkok, trong đó, thi thể một nam bệnh nhân nằm trên vỉa hè ở Bangkok trong nhiều giờ mới có xe gom thi thể tới.

Ekapob Laungprasert, người điều hành nhóm tình nguyện Sai Mai Tongrot, cho biết một số bệnh nhân Covid-19 nặng khi đưa vào viện bị từ chối vì bệnh viện đã quá tải. "Cứ khoảng 10 ca thì có 2 ca không thể nhập viện vì không còn giường bệnh, cuối cùng họ chết tại nhà", Ekapob nói.

Những bi kịch này phần nào cho thấy sự quá tải của hệ thống y tế Thái Lan trước sự tấn công của làn sóng Covid-19 thứ ba.

Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, bệnh viện Rachapiphat ở Bangkok hôm 25/7 đã phải kê thêm giường trong bãi đậu xe của bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tuần trước, những hình ảnh tương tự ở bệnh viện Saraburi cũng được chia sẻ, bệnh nhân phải chờ giường bệnh ở bãi đậu xe.

Giáo sư Anucha Apisarnthanarak, trưởng khoa truyền nhiễm của Đại học Thammasat, nói: "Rất nhiều trường hợp không có nơi điều trị thích hợp vì bệnh viện hay bệnh viện dã chiến đều đã kín giường. Họ phải ở nhà hoặc một số nơi khác".

Ông nói hiện khó có thể đánh giá khi nào số ca nhiễm bắt đầu giảm và số người lây nhiễm thực tế cũng khó xác định bởi nhiều bệnh nhân không được xét nghiệm và buộc phải ở nhà. Ông cảnh báo, mức độ lây nhiễm trong bối cảnh vắc xin chưa được phổ biến rộng rãi có thể rất đáng báo động và theo cấp số nhân.

Dù Thái Lan đã áp dụng quy định cách ly bệnh nhân nhẹ tại nhà, nhưng các bệnh viện vẫn phải theo dõi những bệnh nhân này. Nhóm tình nguyện Sai Mai Must Survive cho biết, họ nhận được ngày càng nhiều đề nghị hỗ trợ y tế với các bệnh nhân tự cách ly, điều trị tại nhà. Hồi đầu tháng 6, nhóm này chỉ nhận được khoảng 30 cuộc gọi đề nghị hỗ trợ mỗi ngày, nhưng con số đã tăng lên 200 cuộc/ngày hiện nay. Nhóm hỗ trợ các trang thiết bị y tế cho bệnh nhân điều trị tại nhà như bình dưỡng khí, máy theo dõi nồng độ ôxy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm