Xung đột ở Gaza chưa kết thúc, nội các thời chiến Israel đã lộ bất đồng
(Dân trí) - Dù cố gắng giấu đi mâu thuẫn nội bộ, nội các thời chiến của Israel - vốn bao gồm đại diện các phe phái đối lập - vẫn để lộ dấu hiệu của sự bất đồng.
Nội các thời chiến của Israel chỉ có 5 người. Đúng với cái tên "thời chiến", tổng thời gian phục vụ trong quân ngũ của họ nhiều hơn cả một thế kỷ.
Cho đến nay, hoạt động của nội các thời chiến của Israel vẫn được đánh giá tương đối tích cực. Giới chuyên gia đánh giá nội các đạt được tín nhiệm cao từ dư luận Israel, theo New York Times. Bên cạnh đó, thành phần đa dạng cũng giúp cơ quan này "dễ ăn dễ nói" hơn trong đối ngoại, giúp quân đội Israel có thêm thời gian tiến hành chiến dịch tại Gaza bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Tuy vậy, sự đa dạng cũng có thể là con dao hai lưỡi. Dù các thành viên nội các thường sẽ cố gắng tỏ ra đoàn kết trước công chúng, họ không thể giấu đi mọi dấu hiệu chia rẽ.
"Không ai (trong nội các) thực sự tin tưởng ông Netanyahu. Đó là vấn đề chính của nội các này", ông Yossi Mekelberg, chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Chatham (Anh), nói với Al Jazeera hồi cuối tháng 10.
Dấu hiệu bất đồng
Hôm 2/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bước vào phòng họp báo mà không có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant như thông lệ. Thay vì họp báo chung với thủ tướng, ông Gallant họp báo riêng. Hai sự kiện chỉ cách nhau vài phút, theo Times of Israel.
"Tôi gợi ý tổ chức họp báo chung với bộ trưởng quốc phòng vào đêm nay. Ông ấy đã đưa ra quyết định của mình", ông Netanyahu nói khi được hỏi về vấn đề này. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định giới lãnh đạo Israel đang hợp tác để đạt được các mục tiêu của cuộc chiến.
Kể cả khi cùng xuất hiện trước báo giới, không phải họ lúc nào cũng tạo được cảm giác đoàn kết. Hồi giữa tháng 11, mạng xã hội Israel chia sẻ rộng rãi hình ảnh ông Netanyahu đứng riêng một góc, trong khi ông Gallant và ông Benny Gantz - thành viên chính thức thứ ba của nội các - đứng cùng nhau.
Giới chuyên gia đánh giá một trong những vấn đề bất đồng trong nội các Israel là mô hình quản trị dải Gaza sau khi chiến sự kết thúc.
"Có hai quan điểm hoàn toàn khác biệt", cựu Bộ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Livni nói. Bà chỉ ra ông Gantz và các đồng minh không loại trừ viễn cảnh - được Mỹ ủng hộ - về tiến trình hòa bình dẫn tới sự ra đời của nhà nước Palestine. Ngược lại, ông Netanyahu nhiều lần lên tiếng phản đối viễn cảnh Chính quyền Palestine (PA) nắm quyền quản trị dải Gaza sau cuộc chiến.
Trả lời họp báo tại Tel Aviv hôm 14/12, dù không nhắc đích danh tên ông Netanyahu, ông Gantz ngầm chỉ trích một số nhà lãnh đạo Israel tự gây mâu thuẫn nội bộ và làm tổn hại quan hệ với Mỹ, Times of Israel đưa tin.
Theo New York Times, danh sách khác biệt còn bao gồm chính sách với Li Băng, thời điểm tổ chức tấn công Gaza, cũng như thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hồi tháng trước.
Trong khi đó, theo tờ Maariv của Israel, một trong những nguyên nhân mâu thuẫn khác là việc ông Netanyahu không muốn "chia sẻ hào quang" với các thành viên khác trong nội các - bao gồm cả ông Gallant và ông Gantz - về thành tích đưa nhóm con tin Israel đầu tiên về nước sau thỏa thuận với Hamas.
Bên cạnh đó, bất chấp chiến sự, các chính trị gia cũng cần tính toán đến các mục tiêu chính trị của cá nhân và của đảng mình. Khảo sát gần đây của kênh truyền hình Channel 13 của Israel cho thấy liên minh đối lập của ông Gantz đang dẫn trước đảng Likud cầm quyền: Trong cuộc bầu cử giả định, phe đối lập sẽ giành tới 37 ghế trong tổng số 120 ghế của Quốc hội Israel. Trong khi đó, đảng Likud chỉ giành được 18 ghế.
"Ông Netanyahu hiểu rằng bản thân đã đánh mất sự tín nhiệm của người dân. Do đó, ông cần đưa các nhân vật trung dung (vào chính phủ)", ông Ehud Ya'ari, chuyên gia thường trú tại Israel của Viện Washington về Chính sách Cận Đông (Mỹ), nói.
Mâu thuẫn cá nhân
Ngoài ông Netanyahu, ông Gallant và ông Gantz, nội các thời chiến của Israel còn bao gồm hai quan sát viên không có quyền bỏ phiếu: Cựu Tổng tham mưu trưởng Quân đội Israel Gadi Eisenkot - đồng minh của ông Gantz, và Bộ trưởng Chiến lược Ron Dermer - đồng minh của ông Netanyahu.
Nếu không có cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10, khó lòng tưởng tượng được năm chính trị gia kể trên có thể cùng nhau thành lập chính phủ.
Sự mâu thuẫn giữa ông Gantz và ông Netanyahu xuất phát từ khoảng thời gian hợp tác không mấy tốt đẹp hai năm trước đây: Ông Netanyahu khi đó phá vỡ thỏa thuận chia sẻ quyền lực, khiến ông Gantz mất cơ hội trở thành thủ tướng.
Trong khi đó, bản thân hai đảng viên Likud trong nội các chiến tranh - Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Gallant - cũng từng "cơm không lành, canh không ngọt".
Hồi tháng 3, ông Netanyahu từng có ý định sa thải ông Gallant sau khi người đứng đầu Bộ Quốc phòng Israel cảnh báo kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp có thể gây tác động tiêu cực tới an ninh quốc gia. Dù vậy, dưới áp lực của người biểu tình, ý định của ông Netanyahu không thể trở thành hiện thực.
Dù vậy, giới quan sát nhìn chung vẫn đánh giá nội các thời chiến của Israel hoạt động tương đối hiệu quả và chuyên nghiệp. Cơ quan này họp nhiều lần mỗi tuần cũng như thường xuyên thảo luận với giới chức an ninh cấp cao. Các nguồn tin của New York Times cho biết các quyết sách của nội các thường dựa trên thương thảo và đồng thuận thay vì phải đưa ra bỏ phiếu.
Tuy nhiên, mâu thuẫn vẫn luôn âm ỉ.
Khả năng vận hành của nội các thời chiến "không có nghĩa các vấn đề cá nhân bị xóa bỏ hoàn toàn, chúng chỉ tạm thời bị đình chỉ", ông Yohanan Plesner, chủ tịch tổ chức nghiên cứu phi đảng phái Viện Dân chủ Israel (IDI), nói. "Họ không hòa thuận, họ chỉ hiểu sự nghiêm trọng của tình hình hiện nay".