1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xung đột Nga - Ukraine: Quan điểm khác biệt, viễn cảnh hòa bình vẫn còn xa

Trung Phạm

(Dân trí) - Quan điểm quá khác biệt giữa các bên liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay khiến việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Xung đột Nga - Ukraine: Quan điểm khác biệt, viễn cảnh hòa bình vẫn còn xa - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi ông Trump còn đang trong chiến dịch tranh cử, tại Trump Tower ở Thành phố New York ngày 27/9/2024 (Ảnh: Reuters).

Tương lai của Ukraine là chủ đề trọng tâm của Hội nghị An ninh Munich (MSC), sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc điện đàm "gây sốc" giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin khi hai bên nhất trí bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Ông Trump gọi đó là một cuộc trò chuyện "tuyệt vời", có khả năng tốt dẫn tới kết thúc chiến sự, còn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì cảnh báo các bên không được phép gạt bỏ Ukraine ra khỏi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.

Trong khi đó, cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin đã khiến các quốc gia đồng minh của Mỹ và Ukraine ở châu Âu quá đỗi bất ngờ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào dẫn đến việc phải  "đầu hàng" Nga sẽ có kết cục "tồi tệ cho tất cả mọi người".

Hiện vẫn chưa rõ khi nào các cuộc đàm phán hòa bình có thể khởi động nhưng khi bắt đầu, các vấn đề liên quan tới lãnh thổ, an ninh và tương lai của Ukraine ở NATO sẽ là một trong những chủ đề thảo luận chính. Lập trường của các bên đến nay vẫn rất khác nhau.

Vấn đề kiểm soát lãnh thổ

Moscow đang kiểm soát khoảng 1/5 diện tích lãnh thổ Ukraine, chủ yếu ở những vùng đất thuộc miền nam và miền đông.

Được Mỹ và các đồng minh châu Âu hỗ trợ vũ khí và trang thiết bị nhưng Ukraine hiện vẫn chưa đảo ngược được tình hình. Kiev còn mạo hiểm tiến công vào vùng lãnh thổ Kursk miền tây nước Nga và sau các đợt chống trả của Moscow, vẫn đang kiểm soát một phần tại đây.

Ukraine luôn luôn nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi Ukraine trở lại biên giới trước năm 2014, gồm cả Crimea, Donetsk và Luhansk.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là của Nga", ông Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo ở MSC.

Về phía Nga, Moscow đã chính thức sáp nhập bốn khu vực ở miền đông và miền nam Ukraine, đồng thời muốn chúng được công nhận như là một phần của Nga, mặc dù họ không kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ ở các khu vực đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với Guardian, ông Zelensky cho rằng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine có thể được đổi lấy lãnh thổ do Ukraine nắm giữ ở khu vực Kursk như một phần của thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã ngay lập tức bác bỏ điều đó.

Cho đến thời gian gần đây, các đồng minh phương Tây của Ukraine vẫn ủng hộ quan điểm mà ông Zelensky đưa ra, rằng toàn bộ lãnh thổ Ukraine, gồm cả Crimea, phải được trả lại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã dập tắt hy vọng đó khi ngày 12/2 phát biểu rằng việc Ukraine muốn quay trở lại đường biên giới trước năm 2014 là một "mục tiêu không thực tế".

"Theo đuổi mục tiêu ảo tưởng này sẽ chỉ làm cho chiến tranh kéo dài hơn và gây ra nhiều đau khổ hơn", ông Hegseth tuyên bố.

Xung đột Nga - Ukraine: Quan điểm khác biệt, viễn cảnh hòa bình vẫn còn xa - 2

Bản đồ 5 vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát (Ảnh: ISW)

Tranh cãi về tư cách thành viên NATO của Ukraine

Ukraine muốn gia nhập NATO bởi đây là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh cho Kiev. Điều 5 trong Hiệp ước của liên minh quân sự này quy định rằng các thành viên cam kết bảo vệ lẫn nhau nếu bất cứ một quốc gia nào trong khối bị tấn công.  

Đối với Ukraine, cuộc xung đột hiện nay với Nga là bằng chứng cho thấy chỉ có tư cách thành viên NATO mới có thể đảm bảo an ninh cho họ.

Tuy nhiên, Moscow luôn phản đối ý tưởng Ukraine trở thành thành viên NATO vì lo ngại điều đó sẽ đưa lực lượng NATO đến quá gần biên giới Nga.

Đa phần các nước NATO đều cho rằng Ukraine nên trở thành thành viên NATO trong tương lai. Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer từng chia sẻ với ông Zelensky rằng, Ukraine đang đi trên con đường "không thể đảo ngược" để trở thành thành viên NATO.

Thế nhưng, những lời đảm bảo đó hiện có vẻ kém chắc chắn hơn sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hạ thấp khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO trong bất kỳ giải pháp hòa bình nào.

"Mỹ không tin rằng việc Ukraine gia nhập NATO là kết quả thực tế của một giải pháp được đàm phán", ông Hegseth cho biết.

Xung đột Nga - Ukraine: Quan điểm khác biệt, viễn cảnh hòa bình vẫn còn xa - 3

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở của NATO ở Brussels, Bỉ ngày 13/2 (Ảnh: Reuters).

Bất đồng về đảm bảo an ninh 

Theo ông Zelensky, các cuộc thảo luận trước đây với Tổng thống Trump "chắc chắn là không đủ" để hình thành một kế hoạch hòa bình. Phát biểu khi đến MSC, ông Zelensky nói rằng các tín hiệu từ Mỹ rất "mạnh mẽ" nhưng lại "khác nhau".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố Tổng thống Trump là "người đàn ông duy nhất trên thế giới" có khả năng đưa cả hai bên ngồi lại với nhau. Ông Hegseth cũng nhấn mạnh, những nỗ lực đàm phán hòa bình của Mỹ "chắc chắn không phải là sự phản bội" những người lính Ukraine đang tham gia chiến đấu với Nga.

Tháng 10/2024, ông Zelensky đã trình bày "Kế hoạch Chiến thắng" của mình trước Quốc hội Ukraine, gồm có các điểm chính như tư cách thành viên NATO, Mỹ và EU cùng tham gia bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng và kiềm chế Nga thông qua một gói răn đe chiến lược phi hạt nhân được triển khai trên lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về kế hoạch này, cũng như các ứng cử viên tổng thống khi đó là bà Kamala Harris và ông Donald Trump

Không rõ liệu có bất kỳ phần nào trong kế hoạch của ông Zelensky sẽ được đưa vào đàm phán hòa bình hay không nhưng người đứng đầu Lầu Năm Góc đã cảnh báo sẽ không có binh lính Mỹ nào được triển khai đến Ukraine trong bất kỳ thỏa thuận an ninh tương lai nào.

Chia sẻ trên Guardian, ông Zelensky cho biết ông không tin rằng các đảm bảo an ninh sẽ có hiệu quả nếu không có sự tham gia của Mỹ.

Một số nguồn tin quốc phòng của Anh được báo Times trích dẫn cho biết Mỹ có thể cung cấp một số hình thức phòng không, có thể là tên lửa Patriot, cho lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine để đổi lấy quyền tiếp cận khoáng sản của Ukraine.