1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xung đột "chưa dứt", Campuchia cáo buộc Thái Lan dùng vũ khí hoá học

(Dân trí) - 10 binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng sau ngày hôm qua - ngày giao tranh thứ hai giữa Thái Lan và Campuchia ở khu vực biên giới tranh chấp. Phía Thái nói chưa có dấu hiệu xung đột chấm dứt. Campuchia cáo buộc Thái Lan dùng vũ khí hoá học.

 

Xung đột "chưa dứt", Campuchia cáo buộc Thái Lan dùng vũ khí hoá học - 1


Người dân Thái Lan sơ tán khỏi khu vực xảy ra chiến sự

Theo báo chí Thái Lan, khu vực gần các đền Ta Muen và Ta Kwai ở quận Phanom Dong Rak thuộc tỉnh Surin của nước này hôm qua rung chuyển sau 5 giờ giao tranh bằng súng và pháo hạng nặng.

Đây là địa điểm nằm dọc biên giới Thái Lan- Campuchia đã xảy ra xung đột một ngày trước đó. Khu vực này nằm cách ngôi đền cổ hai bên tranh chấp khoảng 240km về phía tây. Giao thương  đã ngưng trệ và hàng nghìn dân thường ở cả hai bên phải sơ tán.

 
Xung đột "chưa dứt", Campuchia cáo buộc Thái Lan dùng vũ khí hoá học - 2
... và cả dân Campuchia ở vùng biên giới, sơ tán khỏi khu vực xảy ra chiến sự
 
Tiếng súng đã giảm bớt vào chiều qua, nhưng Bộ Quốc phòng Campuchia tối qua nói tình hình ở khu vực này “vẫn căng thẳng”.

Bộ này trước đó cáo buộc Thái Lan đã bắn những quả pháo 75 li và 105 li “có chứa khí độc” vào lãnh thổ Campuchia, nhưng không nói thêm chi tiết.

Xung đột "chưa dứt", Campuchia cáo buộc Thái Lan dùng vũ khí hoá học - 3
 
Lính Thái Lan được tăng cường đến vùng biên giới
Theo Bộ Quốc phòng Campuchia, máy bay Thái Lan đã hỗ trợ các cuộc tấn công, trong đó máy bay do thám “đã bay sâu vào lãnh thổ Campuchia”.

Một chỉ huy Campuchia tại chiến trường cho biết rằng Thái Lan đã dùng cả bom chùm đã bị nhiều nước cấm và đạn pháo chứa khí độc. Tổ chức chống bom chùm Cluster Munition Coalition xác nhận trong đợt giao tranh với Campuchia hồi tháng 2, Thái Lan đã sử dụng bom chùm.

Tại Bangkok, Ngoại trưởng Kasit Piromya đã phủ nhận những cáo buộc trên, kêu gọi Thủ tướng Campuchia Hun Sen “nhanh chóng đưa đất nước trở lại bàn thương lượng”.

Ông Kasit khẳng định Thái Lan và Campuchia có những cơ chế đối thoại song phương. Ông đồng ý với đề nghị của Indonesia, với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN, yêu cầu 2 bên ngừng bắn và nối lại đàm phán.

Campuchia muốn được quốc tế hỗ trợ để chấm dứt cuộc xung đột, trong khi Thái Lan cho rằng phải giải quyết vụ xung đột một cách song phương.

Indonesia đã đứng ra điều giải một thỏa thuận gửi quan sát viên đến vùng biên giới để giúp vãn hồi hòa bình, nhưng tiến trình đã bị ngưng lại vì bất đồng về khu vực nào được phép đi vào.

Ngôi đền Preah Vihear - nằm cao trên dãy núi chạy dọc theo biên giới giữa hai quốc gia - đã được một tòa án quốc tế phán quyết thuộc về Campuchia vào năm 1962. Nhưng cả hai bên đều đòi quyền sở hữu đối với các khu vực xung quanh và đã có nhiều cuộc giao tranh nổ ra tại đó trong những năm gần đây.

Việt Hà
Theo Bangkok Post, Xinhua